Bầu Thụy và bầu Trường giờ không đầu tư và quan tâm nhiều cho bóng đá như trước. Ảnh: NLD. |
Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến nhiều ông bầu bỏ bóng đá và cũng khiến các bầu “hiền” hơn rất nhiều trong cách làm bóng đá của mình. Ở Xuân Thành Sài Gòn mùa trước, bầu Thụy nổi đình nổi đám khi có những chiêu đánh bóng tên tuổi đội bóng. Bầu Thụy làm mọi cách chỉ để nhiều người biết tới mình. Vì thế mà có người đã nói đùa, Xuân Thành Sài Gòn chẳng khác nào một gánh xiếc, bởi trong trận đấu, có rất nhiều chiêu giúp khán giả được giải trí. Chưa kể ông bầu này cũng có sở thích đổi tên đội bóng xoành xoạnh, khiến VFF chóng mặt.
Mùa giải năm nay, bầu Thụy đã rút lui, nhường lại ghế cho em trai mình, bầu Thủy. Ông này dường như tiếp nối đàn anh về khoản “làm màu”, nhưng không xuất sắc bằng. Thậm chí, nhiều người cho rằng, các quyết định ở Xuân Thành Sài Gòn bây giờ, vẫn là của bầu Thụy đứng sau . Hành động đáng chú ý nhất của anh em nhà bầu Thụy mùa này, chính là dọa bỏ AFC Cup và dọa giải tán đội bóng sau khi “tự ái” bởi nghi án tiêu cực trong trậ Siêu Cup. Tuy nhiên, sau đó mọi chuyện đã lại êm xuôi, Xuân Thành Sài Gòn đang có sự khởi đầu tốt tại V-League và AFC Cup. Bầu Thụy rút lui vào hậu trường khiến bóng đá Việt Nam trở nên bớt rộn ràng.
Một ông bầu đồng hương của bầu Thụy là bầu Trường năm nay cũng không xuất hiện. Bầu Trường nổi tiếng chịu chơi, mua sắm cầu thủ rầm rộ. Đến độ, Ninh Bình có một thời gian được ví như cái chợ của V-League, với người đến kẻ đi tấp nập. Sau khi dọa giải thể đội bóng, bầu Trường rút lui, nhường ghế lại cho ông Phạm Văn Lệ - Giám đốc điều hành CLB Ninh Bình. Sau sự cố đình công của các cầu thủ Ninh Bình cuối năm ngoái, đội bóng cố đô Hoa Lư đã ít sóng gió hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sự yên lặng đó khiến nhiều người lại nghĩ đến bầu Trường, người đã tạo ra thương hiệu riêng cho Ninh Bình.
Một ông bầu nổi đình nổi đám khác cũng rút lui khỏi bóng đá là bầu Hiển. Thực tế, trong vai một nhà tài trợ, bầu Hiển vẫn xuất hiện ở hai đội bóng Hà Nội T&T và Đà Nẵng, nhưng không còn gây chú ý như xưa. Sau khi thưởng nóng hơn một tỷ đồng cho chiếc Siêu Cup Đà Nẵng giành được, bầu Hiển cũng từng có tuyên bố đúng chất ông bầu này trong lễ xuất quân của Hà Nội T&T, rằng: “Các cầu thủ cứ đá tốt, cống hiến thì hàng sẽ về”.
Thế nhưng sau trận thắng đầu tiên của Hà Nội T&T trên sân nhà, bầu Hiển cũng xuống sân nhưng không tuyên bố thưởng nóng như mọi khi. Đà Nẵng còn thắng tưng bừng ở cả 3 mặt trận, cũng chưa thấy bầu Hiển nói gì. V-League thiếu những tuyên bố thưởng nóng của bầu Hiển, kể ra cũng nhạt đi hẳn.
Bầu Đức những năm trước cũng gây chú ý với những tuyên bố như đinh đóng cột: HAGL sẽ vô địch. Chẳng hạn như năm 2009, bầu Đức cho rằng cơ hội vô địch của HAGL là 98%. Còn ở mùa giải 2011, bầu Đức lại tuyên bố vô địch một lần nữa, nhưng đội bóng phố Núi thường chỉ đạt kết quả vừa phải ở mỗi mùa bóng đó.
Cùng có ghế trong Hội đồng quản trị VPF, bầu Thắng giờ đây ít gây chú ý hẳn so với những năm trước. Sự chắc chắn, điềm đạm và dĩ hòa vi quý tạo nên tính cách bầu Thắng. Nhưng cũng không thể phủ nhận, sau khi vào VPF, ông bầu này gần như đã “rửa tay gác kiếm”.
Chỉ một năm trước đây, bóng đá Việt Nam có quá nhiều những ông bầu hay “gây sốc”. Có thể kể đến những bầu Kiên, bầu Đệ... Tuy nhiên, giờ thì những ông bầu này đã vắng bóng. Các bầu đã không còn thích gây sốc hay bóng đá Việt Nam không còn nhiều giá trị để các bầu thể hiện. Có thể V-League đang vắng những ông bầu “nổ”, nhưng một lúc nào đó, các bầu sẽ trở lại với sự “lợi hại” của mình. Họ là những người chủ của một đội bóng và phần nào đó, đang trực tiếp tác động đến cuộc chơi tại V-League.
Mai Hương