Cô dâu Nguyễn Hương (34 tuổi, trang điểm) và chú rể Thomy Nguyễn (44 tuổi, thiết kế - trang trí) đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Do công việc của uyên ương đều liên quan đến trang trí, làm đẹp nên cả hai quyết định tự chuẩn bị cho hôn lễ thay vì nhờ wedding planner. "Một tháng trước ngày cưới, chúng tôi dành thời gian để lên ý tưởng, liên hệ các nhà cung cấp dịch vụ lẻ. Khi chỉ còn một tuần trước ngày trọng đại, chúng tôi bắt tay vào hiện thực hóa các ý tưởng", cô dâu tiết lộ.
Hai ngày làm bộ tráp cho đám hỏi
Uyên ương quyết định gộp lễ ăn hỏi, lễ thành hôn và tiệc cưới vào cùng một ngày để tiết kiệm thời gian. Sau khi chọn được "ngày lành, tháng tốt", cô dâu chú rể lên ý tưởng tráp lễ cho đám hỏi. "Tôi chọn tráp lễ màu đỏ vì tôi yêu thích gam màu này. Bên cạnh đó, sắc màu này trong văn hóa Á đông còn được coi là màu của hỷ sự, đem đến sự may mắn, sung túc, một cuộc sống vẹn tròn cho tình yêu đôi lứa".
Để chuẩn bị tráp lễ, cô dâu chú rể đã cân nhắc giữa tráp to của người miền Bắc và tráp nhỏ của người miền Nam. Sau đó, uyên ương chọn thuê tráp nhỏ để dàn phù dâu, phù rể bớt cực khi phải bê đỡ tráp. Tiếp theo, uyên ương tốn hai ngày để mua đồ và cùng nhau sắp xếp, bài trí tráp lễ.
Tân nương chỉnh sửa trang phục cưới
Dù không phải thợ may nhưng cô dâu Nguyễn Hương đã tự tay thêu hoa mẫu đơn lên áo dài cưới. "Tôi có sở thích làm đồ thủ công, biết thêu từ hồi tiểu học. Vì thế khi nhận áo dài, tôi đã biến tấu chiếc áo này bằng cách dành ra hai ngày để thêu hoa lên trên. Sở dĩ chọn hoa mẫu đơn vì theo văn hóa phương đông, loài hoa này tượng trưng cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc với con đàn cháu đống, là biểu tượng của vinh hoa phú quý", cô dâu tiết lộ.
Không chỉ tự tay thêu hoa lên áo mà cô dâu còn dành ra hai buổi tối để làm thêm hoa cài đầu cho mình từ ruy băng theo nghệ thuật Kanzashi* của Nhật Bản (*bông hoa cài tóc của phụ nữ Nhật khi mặc kimono truyền thống).
Để sóng bước bên cô dâu trong tà áo dài đỏ, chú rể chọn trang phục trắng theo sở thích. Trong vòng ba ngày, cô dâu đã "hô biến" chiếc áo đơn điệu này bằng cách thêu cườm lên áo, tạo điểm nhấn. Sau đó, Nguyễn Hương còn trổ tài làm ruy băng, đồ cài áo cho bố, mẹ và 14 phù dâu, phù rể vốn là bạn bè, người thân của hai vợ chồng.
Hoa cưới tự mua, tự bó, tự trang trí
Trước đám cưới một ngày, thay vì tìm đến nhà cung cấp hoa tươi, uyên ương đã cùng chị gái cô dâu lên ý tưởng, mua hoa từ chợ Quảng Bá để trang trí tư gia, xe hoa, làm hoa cầm tay cô dâu. "Trước khi lấy chồng, tôi từng mong đám cưới sẽ diễn ra vào mùa hoa thược dược và thật may rằng chúng tôi đã mua được loài hoa này. Tôi còn mua thêm hoa lay ơn đỏ gợi nhắc về đám cưới của ba mẹ ngày xưa", tân nương cho hay. Để giữ hoa tươi lâu, cô dâu cắm hoa vào xốp và đặt trong chậu nước. Đến ngày hôm sau, cô dâu, chị gái và phù dâu cùng cắm hoa để kịp giờ làm lễ.
Lên ý tưởng phông bạt, bảng welcome lễ thành hôn
Trước khi tìm người thiết kế phông bạt đám cưới, cô dâu chú rể đã họp bàn ý tưởng và chọn hình ảnh long phụng sum vầy. Cả hai chọn hình ảnh này là bởi chúng tượng trưng cho cuộc sống hôn nhân hòa hợp, hạnh phúc theo quan niệm của người Á đông. Họ nhờ người thiết kế, hoàn thiện phông bạt đám cưới trong hai ngày. Cặp vợ chồng đặt tiệc cưới từ trước, thuê bàn ghế và tự sắp xếp, bày biện bàn tiệc.
Trang trí tiệc cảm ơn bạn bè sau đám cưới
Vài ngày sau đám cưới, uyên ương đã sắp xếp một buổi hẹn ở nhà hàng để cảm ơn bạn bè thân thiết đã chung vui cùng hai vợ chồng. Cô dâu chú rể cùng bố trí dàn ánh sáng, trang trí tiệc.
Chia sẻ cảm nghĩ của mình khi tự chuẩn bị đám cưới, Nguyễn Hương bật mí: "Tôi thấy việc tự tay chuẩn bị hôn lễ mang lại cảm giác rất đặc biệt và hạnh phúc. Hơn thế nữa, do hai vợ chồng hợp ý nhau nên việc chuẩn bị lễ cưới không gặp khó khăn. Trong khi tôi là người đưa ra ý tưởng thì chồng sẽ là người góp ý để đám hỏi, đám cưới thêm trọn vẹn".
Hằng Trần
Ảnh: Bảo Plasma