Nhịn ăn gián đoạn là gì?
"Nhịn ăn gián đoạn (nhịn ăn không liên tục) là một thuật ngữ chung cho một số phương pháp ăn kiêng bao gồm nhịn ăn", Amy Rothberg, chuyên gia dinh dưỡng, giáo sư lâm sàng về nội khoa tại Khoa Chuyển hóa, Nội tiết và Bệnh tiểu đường (MEND) kiêm giám đốc Phòng khám Quản lý Cân nặng MEND tại Y học Michigan, cho biết.
Nhịn ăn gián đoạn có hai phương pháp tiếp cận khác nhau, bao gồm hạn chế thời gian ăn hoặc nhịn ăn luân phiên trong ngày.
- Hạn chế thời gian ăn: Giới hạn việc ăn trong một khoảng thời gian nhất định. Bạn có thể ăn trong khoảng t8 tiếng (ví dụ: từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều) và sau đó hạn chế thức ăn trong 16 giờ còn lại trong ngày. Đây là phương pháp phổ biến nhất, được gọi là nhịn ăn 16:8.
- Nhịn ăn luân phiên trong ngày: Theo Tiến sĩ Rothberg, áp dụng nhịn ăn luân phiên nghĩa là một ngày nhịn ăn hoàn toàn hoặc lượng ăn vào bị hạn chế đáng kể, ngày tiếp theo lại ăn uống bình thường. Đây là chế độ ăn kiêng 5:2, bao gồm 5 ngày ăn uống đều đặn và hai ngày còn lại trong tuần (không liên tục) chỉ ăn khoảng 500 calo hoặc ít hơn.
Ưu điểm của nhịn ăn gián đoạn (IF) với người tiểu đường
Hỗ trợ kiểm soát cân nặng
Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, giảm khoảng 5% tổng trọng lượng cơ thể ở những người có chỉ số BMI cao có liên quan đến việc cải thiện các yếu tố nguy cơ chuyển hóa. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường muốn giảm cân, việc nhịn ăn gián đoạn có vẻ là một phương án vững chắc để đạt được mục tiêu này.
Tuy nhiên, liệu IF có tốt hơn cho việc giảm cân khi so sánh với phương pháp hạn chế lượng calo hay không vẫn chưa rõ ràng. IF và các biện pháp can thiệp hạn chế calo dẫn đến kết quả giảm cân tương tự, theo một đánh giá có hệ thống vào tháng 9/2022 trên Tạp chí của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng.
Molly Chanzis, chuyên gia dinh dưỡng, nhà giáo dục chăm sóc bệnh tiểu đường được chứng nhận và chuyên gia tại Culina Health cho biết: "Khi so sánh hai mô hình ăn uống, việc nhịn ăn gián đoạn không hiệu quả hơn việc hạn chế lượng calo vừa phải để kiểm soát cân nặng. Các phương pháp khác nhau sẽ hiệu quả hơn đối với những người khác nhau, vì vậy điều quan trọng là phải ghi nhớ cách ăn uống nào tốt nhất cho lối sống của bạn".
Có thể cải thiện độ nhạy với insulin
Nếu thử tìm kiếm trên mạng, bạn sẽ tìm thấy bằng chứng cho thấy IF cải thiện độ nhạy insulin hoặc mức độ phản ứng của các tế bào đối với insulin nội tiết tố làm giảm lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu nhỏ vào tháng 6/2018 về Chuyển hóa tế bào cho thấy việc ăn hạn chế thời gian có thể cải thiện cả độ nhạy insulin và chức năng tế bào beta tuyến tụy ở nam giới mắc bệnh tiểu đường, ngay cả khi không giảm cân. Tuy nhiên, giống như hầu hết các nghiên cứu về IF, nghiên cứu này có thời gian ngắn.
Một đánh giá vào tháng 2/2021 trên tạp chí Bệnh tiểu đường lâm sàng và Nội tiết cũng nêu bật những phát hiện rằng chế độ nhịn ăn gián đoạn dẫn đến giảm đáng kể các dấu ấn sinh học như insulin lúc đói và HOMA-IR (một thước đo kháng insulin) khi so sánh với việc hạn chế calo, mặc dù nghiên cứu này không được thực hiện ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Mặc dù IF dường như cải thiện độ nhạy insulin, đây chỉ là một trong nhiều biện pháp can thiệp có thể mang lại lợi ích cho những người mắc bệnh tiểu đường.
"Ở giai đoạn này, với các nghiên cứu nhỏ trong thời gian tương đối ngắn, việc áp dụng ăn trong thời gian hạn chế không nên là cách tiếp cận duy nhất để cải thiện độ nhạy insulin. Áp dụng ăn có giới hạn thời gian có thể được thực hiện ở những người bị kháng insulin như một phần của kế hoạch toàn diện hơn nhằm giảm lượng calo tổng thể (nếu cần), hoạt động thể chất và ngủ đủ giấc, đồng thời kiểm soát các yếu tố rủi ro khác".
Nhược điểm của nhịn ăn gián đoạn với người tiểu đường
Có thể gây hạ đường huyết
"Việc nhịn ăn có thể dẫn đến lượng đường trong máu thấp với một số trường hợp vì nó đồng nghĩa không có nhiêu liệu đi vào máu một khoảng thời gian dài", Chanzis nói.
Thuốc trị tiểu đường như insulin và sulfonylurea hoạt động bằng cách hạ thấp lượng đường trong máu. Nếu nhịn ăn gián đoạn được thực hiện cùng với những loại thuốc này, có thể lượng đường trong máu sẽ giảm xuống quá thấp, dẫn đến hạ đường huyết.
Tiến sĩ Rothberg nói: "Việc nhịn ăn cách ngày có thể làm phức tạp chế độ insulin đối với những người dùng insulin, vì họ sẽ cần ít insulin hơn rất nhiều vào những ngày họ nhịn ăn và có thể cần nhiều insulin hơn vào những ngày ăn bình thường".
Nina Sundaram, chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ nội tiết được chứng nhận và là người sáng lập Aura Endocrinology, cho biết: "Việc điều chỉnh insulin cho những người đang được kê thuốc tiêm insulin sẽ dễ dàng hơn, khi các cài đặt cơ bản có thể được điều chỉnh hàng giờ. Trong khi đó, với những bệnh nhân đang nhịn ăn gián đoạn và tiêm insulin cơ bản hàng ngày, tôi phải theo dõi chặt chẽ tình trạng hạ đường huyết và nhu cầu giảm liều insulin cơ bản".
Nếu bạn đang kiểm soát bệnh tiểu đường của mình bằng thuốc, nhớ trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ IF, do bác sĩ có thể phải điều chỉnh thuốc cho bạn để ngăn chặn sự sụt giảm nguy hiểm lượng đường trong máu khi nhịn ăn.
Có thể làm tăng đường huyết
Hãy hình dung thế này: Bạn đã nhịn ăn quá lâu và tất cả những gì bạn muốn là nạp năng lượng nhanh chóng. Bạn có thể ăn pizza, bánh mì tròn, một bát mì ống lớn. Nhu cầu về carbs đơn giản là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi lượng đường trong máu thấp - điều chúng ta biết có thể xảy ra sau một thời gian dài nhịn ăn hoặc ăn quá ít.
Các loại carbs đơn giản có xu hướng khiến lượng đường trong máu tăng cao và lượng glucose tăng đột biến nhanh chóng có thể dẫn đến các biến chứng theo thời gian ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Nếu bạn thấy mình nạp nhiều carb sau thời gian nhịn ăn thì kiểu bữa ăn này có thể không giúp bạn ổn định lượng đường trong máu.
Có thể ảnh hưởng đến tình trạng hydrat hóa
Tiến sĩ Rothberg nói: "Những người dùng một loại thuốc nhất định, gọi là thuốc ức chế đồng vận chuyển natri glucose 2, để kiểm soát bệnh tiểu đường có thể gặp rắc rối với tình trạng mất nước khá nhanh, vì những loại thuốc này làm cơ thể cạn kiệt muối và nước".
Tuy hiếm gặp, nhưng những loại thuốc này cùng với việc ăn ít thực phẩm cung cấp nước như trái cây và rau quả có thể làm tăng nguy cơ mất nước ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Rủi ro này có nhiều khả năng xảy ra đối với kế hoạch nhịn ăn cách ngày hoặc nhịn hoàn toàn vài ngày mỗi tuần so với phương pháp cho ăn hạn chế thời gian.
Có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng theo thời gian
"Việc nhịn ăn gián đoạn trong thời gian dài có thể góp phần làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và thiếu hụt chất dinh dưỡng, bởi khi bạn rút ngắn khoảng thời gian cho phép bản thân ăn trong ngày, bạn có thể hạn chế lượng chất dinh dưỡng nhận được", Diana Mesa, một chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia giáo dục và chăm sóc bệnh tiểu đường được chứng nhận và là người sáng lập En La Mesa Nutrition, nói. "Tất nhiên, điều này cũng có thể xảy ra với việc hạn chế calo trong thời gian dài".
Nếu bạn đang bắt đầu chương trình nhịn ăn gián đoạn, hãy làm việc với chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo bạn vẫn nhận được tất cả các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
IF không bền vững cho tất cả mọi người
Các kế hoạch nhịn ăn gián đoạn không thực sự dễ thực hiện. Lấy ví dụ về nghiên cứu Chuyển hóa tế bào về độ nhạy insulin được cải thiện ở những người cố gắng ăn trong thời gian hạn chế. Nghiên cứu này áp đặt khung thời gian ăn uống kéo dài 6 giờ, với những người tham gia kết thúc bữa tối trước 15 giờ chiều mỗi ngày. Mặc dù tất cả chúng ta đều muốn có một bữa tối sớm, không thể phủ nhận rằng hầu hết mọi người không muốn bữa ăn cuối cùng của ngày diễn ra lúc 14h30.
Vì vậy, trước khi bắt đầu IF, hãy xem xét liệu mô hình ăn uống này có khả thi đối với bạn và lối sống của bạn hay không. Có rất ít lợi ích khi tuân theo một kế hoạch ăn uống mà bạn chỉ có thể áp dụng nó trong vài tuần.
Hướng Dương (Theo Livestrong)