Nguyên nhân sự tụt dốc của đồng tiền mạnh nhất thế giới này bắt nguồn từ sự thâm hụt kép (tài sản vãng lai và ngân sách) và chính sách duy trì một đồng USD yếu của Chính phủ Mỹ.
Phiên giao dịch cuối tuần trước (1/12), euro đã lên giá kỷ lục trong vòng 20 tháng qua so với USD: 1,3218 USD/euro. Financial Times - tờ Thời báo Tài chính Anh - nhận định: Việc USD tụt xuống mức 2USD/bảng Anh như hồi năm 1992 dường như chỉ còn là vấn đề thời gian.
Theo các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Hãng PNC Financial Group (Anh), có thể USD sẽ còn trải qua một giai đoạn ảm đạm trong vòng 2-3 năm nữa với mức trượt giá bình quân khoảng 10%/năm so với các đồng tiền mạnh khác.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, khả năng Mỹ tiếp tục tăng lãi suất để cứu vãn giá trị của USD là rất thấp vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ.
USD đang chiếm tới 66% dự trữ ngoại tệ của thế giới. Tỷ lệ này chắc chắn sẽ giảm nếu USD tiếp tục xuống giá. Và khi ngân hàng trung ương của các nước bán USD để thay đổi cơ cấu dự trữ bằng vàng hoặc các ngoại tệ khác, sức ép giảm giá USD lại gia tăng.
Ông Nghĩa cho rằng, trường hợp USD tiếp tục giảm giá, bản thân các nhà đầu tư trong nước cũng sẽ lựa chọn ngoại tệ khác hoặc vàng để tránh rủi ro tỉ giá. Ngân hàng nhà nước muốn giữ ổn định tỷ giá USD/VND cũng sẽ phải “bơm” tiền ra mua USD nhằm tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Lạm phát có thể phải chịu sức ép tăng chút ít, nhưng áp lực tăng lãi suất ngân hàng sẽ giảm. Điều chắc chắn, nếu kịch bản này xảy ra, ngân hàng sẽ không còn là nơi hấp dẫn nguồn vốn nhàn rỗi trong dân như hiện tại.
(Theo Lao Động)