Trong KTX trường P. có hẳn một “Câu lạc bộ người yêu rượu hơn người yêu” khoảng 10 chàng. Món rượu pha thuốc sâu được ưa thích nhất, còn các loại rượu vang, rượu thường thậm chí rượu pha cồn đều quá nhẹ.
D.C (K23) nói: “Uống những loại rượu kia không đáng mặt nam nhi. Rượu pha thuốc sâu phê phải biết. Chỉ cần chấm một cái đầu tăm dính thuốc sâu vào là đã thấy ngay sự khác biệt. Uống đến đâu ruột gan nóng bừng đến đó”.
Chẳng biết loại rượu pha đó “phê” đến đâu, chỉ biết những đấng nam nhi ấy rõ ràng là thanh niên trai tráng mà nhìn ai cũng như bộ xương di động, mặt bủng, da vàng.
M.T. (XDĐ K23, HVBCTT) đã có một kinh nghiệm nhớ đời. Sau một lần uống rượu pha thuốc sâu, M.T. lên cơn đau bụng quằn quại. Khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu , bác sĩ chẩn đoán “sắp thủng dạ dày”.
Tuy nhiên N.A. sinh viên K40, Đại học Tây Bắc lại thản nhiên: “Mình biết uống rượu pha thuốc sâu từ năm lớp 10. Thấy nó cũng bình thường, uống nhiều thì hơi đau đầu một chút”.
Những sinh viên nam từng uống loại rượu “Number one” này đều không ý thức được sự nguy hiểm của nó. Họ cho rằng “bạn bè uống được, mình cũng uống được”. Thực chất là để biện minh cho căn bệnh “sỹ”, thích chơi ngông của rất nhiều sinh viên nam.
Tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh (Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện E), mới biết việc pha rượu với thuốc sâu chỉ làm tăng nồng độ cồn giả tạo. Sở dĩ nó gây ra ảo giác như vậy bởi người ta cảm thấy nóng rát cổ họng khi uống loại rượu này.
Không chỉ phổ biến trong giới sinh viên, rất nhiều người đi làm, có học thức, có hiểu biết vẫn thích uống loại rượu này. Hầu hết người ta không ý thức được sự nguy hiểm vì nó không gây ra hậu quả trực tiếp.
Tuy nhiên, ngộ độc là điều không tránh khỏi. Nhẹ thì có thể bị đau đầu, bị bỏng niêm mạc, viêm loét dạ dày, giảm trí nhớ. Nặng thì có thể dẫn đến hôn mê, bất tỉnh thậm chí tử vong.
Nhưng hiện nay, rất nhiều hộ gia đình nấu rượu vẫn pha thuốc sâu và nước lã để kiếm lời. Việc này cũng xảy ra với các quán bán rượu, các quán cơm bình dân...
(Theo Sinh Viên Việt Nam)