1. Đun nước bằng ấm siêu tốc trong thời gian dài, kim loại trong ấm sẽ bị ăn mòn có gây ung thư không?
Ấm siêu tốc là thiết bị chúng ta thường xuyên sử dụng hàng ngày. Trong đó, loại ấm siêu tốc làm bằng thép mangan cao khá phổ biến.
Mangan thực chất là một trong những nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể con người, có nhiều chức năng như thúc đẩy chuyển hóa chất béo, carbohydrate, hấp thụ canxi, điều chỉnh lượng đường trong máu, duy trì các chức năng của não và thần kinh. Thiếu mangan có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, chẳng hạn như ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh. Nhưng nếu nạp mangan quá nhiều, nó cũng gây hại cho sức khỏe và có thể ức chế sự hấp thụ sắt. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến chức năng của hệ thần kinh và tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh Parkinson.
Tuy nhiên, chỉ cần người khỏe mạnh duy trì một chế độ ăn uống bình thường, họ sẽ hiếm khi gặp phải tình trạng thiếu hụt mangan. Nếu họ không cố ý định bổ sung mangan, họ sẽ hiếm khi tiêu thụ lượng mangan quá mức.
Ấm đun nước chủ yếu được làm từ vật liệu "thép mangan cao" và "thép không gỉ 304". Sự khác biệt giữa hai loại này là gì?
Li Guangqiang, giáo sư tại Trường Vật liệu và Luyện kim thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, cho biết: "Sự khác biệt giữa hai chiếc ấm này không quá lớn, nhưng so với thép không gỉ 304, thép mangan cao đã giảm hàm lượng niken và tăng hàm lượng mangan lên. Do đó, khả năng chống ăn mòn của thép mangan kém hơn một chút và độ bóng bề ngoài cũng tốt hơn, nhưng về mặt giá cả thì tiết kiệm chi phí hơn".
Nhưng bất kể vật liệu đó là gì, miễn là nó được tạo ra bởi một nhà sản xuất thông thường, ấm đun nước làm bằng "thép mangan cao" không có nguy cơ tiềm ẩn rõ ràng và có thể yên tâm sử dụng. Vị giáo sư cũng nói thêm mangan là một nguyên tố rất khó hòa tan. Vì vậy mangan trong ấm đun nước sẽ không dễ bị kết tủa. Ngoài ra, tỷ lệ hấp thụ mangan của cơ thể con người cũng rất thấp, chỉ từ 1% đến 5%, phần còn lại về cơ bản sẽ được bài tiết ra ngoài theo chất thải sau khi tiêu hóa. Vì vậy, các bạn dùng ấm có lót thép mangan cao không cần quá hoảng sợ. Thông tin dùng ấm đun nước lâu ngày sẽ kết tủa kim loại, gây ung thư là đồn thổi.
2. Dưới đáy bình có cặn lắng, nước còn uống được không?
Nhiều người phát hiện đáy bình đun nước mới mua sau khi đun xong sẽ xuất hiện một lớp "gỉ trắng". Thỉnh thoảng có thể nhìn thấy một lớp chất nổi màu trắng trên bề mặt, đó là gì? Nước đun bằng ấm này còn uống được không?
Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quảng Châu đã tiến hành một cuộc thử nghiệm liên quan đến vấn đề này. Họ đã mua nước tự nhiên đóng chai, nước khoáng và nước máy thông thường trong siêu thị. Sau đó, họ đã tìm kiếm các tổ chức chuyên nghiệp để thực hiện những bài kiểm tra chất lượng nước chuyên nghiệp và nhận thấy tất cả dữ liệu về chất lượng nước đều phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia.
Vậy, những thứ cặn trắng trong bình đun nước là gì? Đó là sự kết tủa của cacbonat canxi và magie. Canxi và magie tồn tại ở dạng bicacbonat trong nước, khi đun nóng sẽ tạo thành kết tủa trắng và bám vào thành ấm, đó chính là cặn cuối cùng.
Uống loại nước này có gây hại cho cơ thể con người không? Nếu chất lượng nước máy đạt tiêu chuẩn, nó sẽ không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Sau khi nước đi vào cơ thể, nó sẽ bị phân hủy thành các ion canxi và magie dưới tác dụng của axit dạ dày, một phần được bài tiết ra khỏi cơ thể. Một phần nhỏ còn lại được cơ thể hấp thụ, nhưng nó không đủ để gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nhưng lớp cặn không hoàn toàn vô hại bởi khả năng dẫn nhiệt kém của lớp cặn có thể ảnh hưởng đến quá trình truyền nhiệt của bề mặt đốt nóng, từ đó gây lãng phí nhiên liệu hoặc điện năng.
Ngoài ra, lời đồn uống nước đun sôi để nguội lâu ngày hại thận, gây sỏi thận cũng không có cơ sở khoa học. Sỏi thận do nhiều yếu tố gây ra, chẳng hạn như chuyển hóa bất thường, cấu trúc chế độ ăn uống, uống trà đặc khi bụng đói... chứ không phải do uống nước đơn thuần.
3. Nước đun sôi để nguội từ bình siêu tốc cũng có hạn sử dụng không?
Chương trình Life Circle của CCTV-1 đã tiến hành một thử nghiệm để kiểm tra tính chính xác của thông tin: "Sau khi để nước đun sôi nguội trong 16 giờ, số lượng vi khuẩn E. coli (gây tiêu chảy) được phát hiện vượt quá tiêu chuẩn nghiêm trọng và uống nó sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe".
Sau khi đun sôi nước máy, người thí nghiệm chia nước thành bốn phần, để lần lượt trong 0, 12, 24 và 48 giờ rồi đem đi kiểm tra. Kết quả nhận được là tổng số khuẩn lạc được phát hiện là 180 CFY/ml (tiêu chuẩn của Trung Quốc là <100 CFU/ml) chỉ trong phần nước đun sôi để nguyên trong 48 giờ, vượt quá mức an toàn vệ sinh của nước uống. Trong ba phần nước còn lại không phát hiện coliform tổng số, coliform chịu nhiệt, Escherichia coli, tổng số khuẩn lạc.
Ngoài ra, thông tin sau khi nước đun sôi để nguội sẽ sinh ra một lượng lớn nitrat, tương đương với việc uống phải chất độc mãn tính là không có cơ sở. Bởi trong trường hợp bình thường, quá trình để nước đun sôi nguội chủ yếu diễn ra trong môi trường gia đình, lúc này khả năng bị nhiễm vi sinh vật tương đối thấp, đồng thời cũng khó có khả năng tạo ra một lượng lớn nitrat (chuyển đổi thành nitrit khi vào cơ thể).
Vì vậy, uống nước đun sôi để nguội không tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm. Nhưng tốt nhất không nên uống nước đun sôi để nguội lâu ngày.
4. Chọn bình siêu tốc cần lưu ý gì?
Là một trong những vật dụng thiết yếu hàng ngày, bạn cần hiểu rõ ấm siêu tốc để đảm bảo chất lượng nước uống.
- Xem bao bì
Khi mua ấm siêu tốc, bạn có thể kiểm tra bao bì bên ngoài. Ngoài việc kiểm tra xem có phải là inox 304 hay không, bạn cũng cần chắc chắn sản phẩm có ghi "dùng cho tiếp xúc với thực phẩm".
- Cách chọn loại bình siêu tốc phù hợp nhu cầu?
Do các vật liệu khác nhau, bình siêu tốc (ấm điện) có thể được chia thành ba loại: thủy tinh, gốm sứ và ấm điện gấp, mỗi loại đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Ấm điện thủy tinh dễ bị nóng không đều và không có khả năng chống rơi vỡ, nếu muốn mua, nên tìm loại thủy tinh có hàm lượng borosilicate cao. Ấm điện gốm sứ nếu có màu có thể kết tủa kim loại nặng và độc hại. Nên chọn thành ấm trong không có màu sắc và hoa văn. Ấm đun nước điện có thể gập lại nhỏ và dễ mang theo, bạn nên tìm loại ấm từ silicone trữ thực phẩm hoặc vật liệu PP khi mua.
- Thường xuyên tẩy cặn
Bạn có thể dùng baking soda để lọc bỏ cặn. Lấy nửa thìa baking soda, trộn với nước thành hỗn hợp sền sệt, dùng giẻ sạch nhúng vào, lau sạch cặn trong ấm rồi rửa sạch bằng nước.
Hằng Trần (Theo Aboluowang)