Hiện chưa có đơn vị tổ chức nào thống kê chính xác xem Hà Nội có bao nhiêu nghĩa trang lớn nhỏ. Cũng chẳng ai biết được số hộ gia đình sống cạnh các nghĩa trang đó. Những khu đất gần nghĩa trang ở các huyện ngoại thành như Từ Liêm, khu Trung Văn (quận Cầu Giấy), và các quận mới: Hoàng Mai, Long Biên… hơn chục năm trước vốn là đồng không mông quạnh, nay đã nhanh chóng trở thành những lô đất trị giá cả bạc triệu. Vì vậy, số người dân xây nhà sát nghĩa trang không thể thống kê nổi.
![]() |
Hàng ngày, người dân sống gần các nghĩa trang vẫn dùng nước giếng khoan cho mọi sinh hoạt trong gia đình. |
Do đều là địa bàn nằm cách xa trung tâm, nguồn nước sạch chưa đến được, nên người dân ở những khu vực này vẫn đang hàng ngày sử dụng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rẽ vào con ngõ nhỏ nằm trên đường 69 (địa bàn thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội) nhiều người không khỏi sững sờ khi thấy giữa khu dân cư đông đúc lại có một nghĩa trang rộng lớn với hàng ngàn ngôi mộ.
Nguồn nước chính của người dân nơi đây là những mạch nước ngầm, không bể lọc. Hỏi chuyện một chị phụ nữ ngồi rửa rau từ vòi nước giếng khoan cách nghĩa trang chỉ bằng bức từng mỏng manh thì được biết, từ trước đến nay, dân ở đây vẫn dùng nước từ giếng khoan. Sạch bẩn chẳng biết, chỉ biết trong thì dùng.
Nghỉ chân tại một quán nước gần khu chợ Vẽ, cách đó không xa, thấy chị chủ quán có vẻ xởi lởi, tôi nửa đùa nửa thật: “Nước máy hay nước nghĩa địa đấy?”. “Nước tôi nấu, toàn nước tinh khiết, mà ở đây cả làng dùng nước giếng khoan, có ai làm sao đâu!”, chị chủ quán lấp liếm.
![]() |
Nhà dân ngay sát nghĩa trang. |
Rồi chị tiếp lời: “Khu này “thuộc diện vùng sâu, vùng xa”, làm gì có nước máy. Dân cũng kiến nghị nhiều nhưng chẳng mấy ai quan tâm. Sống ở đây mà “kiêng” nước giếng khoan, chỉ còn nước bán nhà ra phố mà ở”. Rồi chị chỉ tay ra xa: “Khu này còn một vài nghĩa trang to gấp mấy cái này ấy chứ. Ngay đất nhà tôi đang ở, 10 năm trước cũng là nghĩa trang di dời đi đó”.
Trong vùng dân cư đông đúc của hai xã Thụy Phương và Đông Ngạc rộng khoảng 2 km vuông có đến 4 khu nghĩa trang rộng lớn. Bên trong nghĩa trang đó, những ngôi mộ san sát nhiều hơn những gì chúng tôi tưởng tượng. Hàng trăm ngôi mộ được xây cất khang trang, cùng rất nhiều ngôi mộ đất còn mới nguyên.
Một số người dân sống ở khu vực này tỏ ra rất hoang mang. Nhiều gia đình khá giả đã mua nước đóng bình về dùng, còn những hộ nghèo vẫn phải dùng nước ngầm. Sợ phát sinh bệnh tật, một số gia đình phải lặn lội vào trong nội thị lấy nước máy về dùng.
Thực trạng người sống và người chết “chen nhau” trong một không gian chật chội không chỉ xảy ra tại những khu vực trên, mà nhiều người dân sống tại các khu ven đô như: quận Long Biên, quận Hoàng Mai, Diễn (huyện Từ Liêm)… cũng có chung hoàn cảnh này. Cách đây vài năm, người dân thủ đô đã bàng hoàng trước thông tin về những giếng khơi ở gần khu vực nghĩa trang Văn Điển bị nhiễm mỡ. Nước từ các giếng khơi ở khu vực này để qua đêm, đến sáng hôm sau đã thấy một lớp váng nổi trắng trên mặt nước.
Ngay sau đó, một chiến dịch đầu tư, đưa nước sạch về làng đã nhanh chóng được hoàn tất. Có lẽ, những người dân sống ở khu vực nghĩa trang ấy đã may mắn, mà không phải người dân nơi nào cũng có được. Hiện, số người sống sát nách với các nghĩa trang ở Hà Nội còn quá nhiều và cũng đang “khát” nước sạch hàng ngày.
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay những hộ dân sống gần các nghĩa trang lại bơm thẳng nước giếng khoan vào bể kín, nên hầu như không ai phát hiện được những nguy hiểm tiềm ẩn trong đó. Một vài người dân ở khu vực đường 69 (Từ Liêm) cho biết: "Khi họ cho nước giếng khoan vào thau, để một, hai ngày thấy xuất hiện váng trắng mỏng".
Khi đặt giả thiết liệu nước có bị nhiễm phèn, thì nhiều người dân không đồng tình, vì theo họ, nước nhiễm phèn nếu để lắng xuống, nước sẽ trong, hoặc qua lọc có thể hết váng. Còn với váng trắng mỏng lại không thể hết được… Song, bằng mắt thường, dù rất trong nhưng nước bơm lên vẫn có mùi hôi, tanh. Người dân cho hay, nước đun sôi để vài hôm trong bình có hiện tượng thiu rớt.
Theo các chuyên gia y tế, nước ngầm gần các khu vực nghĩa trang rất có thể bị nhiễm chất hữu cơ. Đặc biệt là hàm lượng amoni và vi sinh (coliform và coliform chịu nhiệt và ecoli). Đây là những chất có khả năng nguy cơ gây ra các bệnh về đường ruột rất cao. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chất nitrat thường xuyên có ở khu vực nghĩa địa.
Nitrat phân hủy từ xác người và động vật, nếu dùng nước bị nhiễm chất này lâu ngày sẽ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Trẻ em uống sữa pha nước nhiễm nitrat, hoặc ăn rau quả nhiễm chất này thường bị gián đoạn quá trình trao đổi ôxy, dẫn đến hiện tượng thiếu máu, ngợp thở, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong. Có thể khẳng định rằng, việc tiềm ẩn bệnh tật từ nguồn nước cạnh các nghĩa trang tại Hà Nội là rất lớn.
Tuy nhiên, theo những người dân sống ở các khu vực này, từ trước đến nay thành phố chưa từng có đợt khảo sát quy mô, để nhận định chính xác về mức độ ô nhiễm. Có lẽ, giải pháp trước mắt cần quan tâm lúc này là thành phố phải cung cấp nguồn nước sạch cho người dân trong những khu vực gần nghĩa trang, chứ không nên để họ tiếp tục sử dụng nguồn nước đã bị ô nhiễm.
(Theo Sức Khỏe Gia Đình)