Karen Kennerley, 57 tuổi, đến từ hạt Lancashire, bắt đầu có triệu chứng mệt mỏi vào tháng 12//2022. Bác sĩ thực hiện xét nghiệm máu và thông báo rằng có vẻ đây là biểu hiện của thiếu sắt. Nữ giáo viên cho rằng tình trạng này có thể do công việc quá bận rộn.
"Tôi làm việc rất chăm chỉ tại một trường nhỏ dành cho học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Tôi đã kiệt sức", Kennerley kể lại.
Tuy nhiên, một bác sĩ đã khuyên Kennerley nên nội soi đại tràng để loại trừ vấn đề nghiêm trọng về ruột, có thể gây ra các triệu chứng mệt mỏi trên. Nội soi đại tràng là thủ thuật đưa một ống mỏng, mềm dẻo gắn vào một camera vào ruột qua đường hậu môn để chụp ảnh hệ tiêu hóa.
"Mọi người đều nói với tôi rằng tôi khỏe mạnh và cân đối, rằng không có gì phải lo lắng nhưng họ đang làm các xét nghiệm để loại trừ mọi thứ", bà kể.
Cuối cùng, thủ thuật này đã phát hiện ra một khối u trong đường ruột của Kennerley, nhưng các bác sĩ khẳng định rằng đó không phải ung thư.
Tháng 5/2023, Kennerley trải qua cuộc phẫu thuật để cắt bỏ khối u, nhưng bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật đã dừng lại vì lo ngại khối u trông "đáng ngờ". Kết quả tiến hành sinh thiết cho thấy khối u thực sự là ung thư, và chẩn đoán trước đó là do "lỗi lấy mẫu".
Kennerley "suy sụp" khi biết mình mắc ung thư đại tràng giai đoạn ba - bệnh đã di căn đến các tuyến gần đó nhưng chưa di căn đến các cơ quan khác.
"Tôi đã suy sụp khi được thông báo rằng mình bị ung thư đại tràng giai đoạn ba, dù trước đó họ nói khối u hoàn toàn lành tính. Có rất nhiều cảm xúc. Đó là nỗi sợ hãi khủng khiếp", bà nói.

Kennerley cố gắng giữ tinh thần lạc quan trên giường bệnh. Ảnh: SWNS
Đến tháng 6/2023, người phụ nữ lại có ca phẫu thuật quan trọng để cắt bỏ khối u và một phần ruột già. Sau đó, Kennerley được chuyển đến Bệnh viện Christie ở Manchester, nơi bà trải qua 8 đợt hóa trị.
Tháng 3/2024, bà Kennerley được đưa đến bệnh viện cấp cứu vì nghi ngờ viêm ruột thừa, nhưng các lần chụp chiếu sau đó cho thấy các khối u phát triển nhanh trên buồng trứng và trong lớp mô mỏng lót thành bụng.
"Lần đó, các bác sĩ đã phải cắt bỏ toàn bộ tử cung. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ xem xét gan của tôi và không hài lòng với cảm giác hoặc hình dạng của nó. Sau ca phẫu thuật, một lần chụp cộng hưởng từ tiếp theo cho thấy các khối u đã phát triển trên gan", bà nói.
Mặc dù các bác sĩ có thể đề nghị hóa trị để cố gắng thu nhỏ các khối u, họ nói với Kennerley điều này không thể tiêu diệt được tế bào ung thư.
"Thật không may, vì ung thư hiện đã di căn đến gan, nên Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) không thể cung cấp phương pháp điều trị nào khác ngoài hóa trị giảm nhẹ. Tôi đã trải qua nhiều lần nhưng thời gian của tôi sắp hết rồi", bà nói.
Hiện tại, Kennerley đặt hy vọng vào một phương pháp hóa trị chuyên khoa có sẵn tại Đức, với chi phí khoảng 30.000 bảng Anh. Liệu pháp này đưa thuốc hóa trị trực tiếp vào các mạch máu giúp khối u sống, nhưng nó chỉ có tại NHS để điều trị ung thư gan.
"Kết quả đến nay cho thấy khối u đã co lại khá tốt nhưng tôi vẫn cần phải điều trị thêm. Tôi trải qua ba đợt điều trị và giờ đã hết tiền. Sự dày vò về mặt tinh thần thật khủng khiếp, lo lắng về việc không được làm việc, lo lắng về cách tôi sẽ chi trả cho việc điều trị. Tôi đang hưởng chế độ ốm đau theo luật và chế độ này sẽ hết vào đầu tháng 4. Những người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối cảm thấy hoàn toàn bị bỏ rơi. Tôi muốn thay đổi điều đó vì tất cả người khác đang trải qua điều này", Kennerley nói.
Ung thư đại tràng, hay ung thư ruột, là loại ung thư có nguồn gốc từ đại tràng (phần chính của ruột già) hoặc trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn). Đây là loại ung thư phổ biến thứ ba ở cả nam và nữ.
Hầu hết ung thư đại tràng đều khởi phát từ sự tăng sinh của niêm mạc đại trực tràng gọi là pô-lýp. Một số dạng pô-lýp có thể tiến triển thành ung thư sau nhiều năm.
Các triệu chứng của ung thư đại tràng bao gồm có máu trong phân, thay đổi thói quen đại tiện kéo dài ít nhất ba tuần, giảm cân hay mệt mỏi cực độ không rõ nguyên nhân, đau bụng.
Những người có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng là người trên 50 tuổi, có tiền sử gia đình mắc bệnh này, có tiền sử cá nhân bị polyp trong ruột, mắc bệnh viêm ruột, (chẳng hạn như bệnh Crohn), có lối sống không lành mạnh. Điều trị thường bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Hơn 9 trên 10 người mắc ung thư đại tràng giai đoạn đầu sống sót sau 5 năm hoặc hơn sau khi được chẩn đoán. Nhưng không may, chỉ có khoảng một phần ba trong số các bệnh ung thư đại tràng được chẩn đoán ở giai đoạn đầu này. Phần lớn mọi người đến gặp bác sĩ khi bệnh đã lan ra ngoài thành ruột kết hoặc trực tràng hoặc đến các bộ phận xa của cơ thể, làm giảm cơ hội chữa khỏi ung thư thành công.
>> Xem thêm: Mắc ung thư đại tràng ở tuổi 26 dù sống lành mạnh
Hướng Dương (Theo Mail)