Ông T., người ở phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, có một căn nhà vườn trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Năm 1999, ông T. xin phép cấp giấy chủ quyền thì được Sở Địa chính - Nhà đất thụ lý hồ sơ và UBND TP ra quyết định cấp giấy. Thế nhưng, khoảng năm 2002, ông T. lại xin UBND quận 9 cấp giấy lần hai và cũng được chấp thuận. Một giấy TP cấp, một giấy quận cấp, ông T. mặc sức lợi dụng hai giấy chủ quyền này đi thế chấp, vay mượn khắp nơi.
Đến khi bị phát hiện thì số tiền ông T. lừa đảo lên đến 7,5 tỷ đồng. Lúc đầu, qua điều tra Công an quận 9 còn tưởng đây là giấy chủ quyền giả, thế nhưng giám định kỹ thì hai giấy đều thật 100%. Sau khi kiểm tra, cơ quan điều tra đã xác định nguyên nhân là do hồ sơ ở cấp TP và quận không liên thông, nên mới dẫn đến việc ông T. lợi dụng xin thêm giấy chủ quyền lần nữa.
Tưởng trên đây chỉ là trường hợp cá biệt, thế nhưng khi một số địa phương rà soát lại thủ tục nhà, đất đã giật mình khi phát hiện nhiều trường hợp tương tự như vậy. Như trường hợp nhà ông Dương Tấn Đ. ở ấp Long Bửu, phường Long Bình, quận 9; nhà ông Nguyễn Văn M. đường Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận.
Ngạc nhiên hơn là trường hợp của ông T. nhà trên đường Nguyễn Thượng Hiền, phường 1, quận Gò Vấp. Năm 1998, vợ chồng ông T. đã được UBND TP cấp giấy chủ quyền với diện tích đất khuôn viên là 499 m2. Nhưng mới đây, qua kiểm tra, căn nhà trên đã biến thành 5 căn với các giấy chủ quyền được cấp riêng lẻ cho từng căn. Trong đó, căn nhà sớm nhất được cấp giấy chủ quyền là tháng 4/2003 và muộn nhất là tháng 11/2004.
Theo thống kê, hiện Sở Xây dựng đang thụ lý khoảng trên 30 vụ tương tự. Một lãnh đạo ngành nhà đất cho biết, rất may các trường hợp trên chưa ai đến nhận các giấy chủ quyền này.
(Theo Người Lao Động)