![]() |
Số CB- CNVC sinh con thứ ba tăng gấp đôi. |
Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc phải có cái nhìn thấu đáo nhằm tìm giải pháp cho thực trạng đáng lo ngại này. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2004, số trẻ được sinh ra là 514.391 (tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, số trẻ là con thứ ba trở lên chiếm gần 66.400 trẻ, tăng gần 2.000 trẻ (3%).
Cũng trong 6 tháng này, số người sinh con thứ 3 là CB-CNVC đã gấp hai lần tổng số sinh con thứ 3 của đối tượng này năm 2003. "Đây là con số đáng báo động", ông Nguyễn Văn Tân, Chánh Văn phòng, Ủy ban Dân số Gia đình và trẻ em (DSGĐ&TE), cho biết.
Trong vòng 10 năm qua (1994-2003), tỷ lệ phát triển dân số giảm từ gần 2% xuống 1,2%/năm, số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng giảm từ 3,1 xuống 2,1. Tuy nhiên, từ sau năm 2000 đến nay, VN đang đứng trước nguy cơ tăng dân số trở lại, đặc biệt năm 2003, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của cả nước đã tăng lên 1,47% (năm 2001: 1,35%, năm 2002: 1,32%).
Trong 3 tháng cuối năm Ủy ban DSGĐ &TE sẽ tăng cường chiến dịch truyền thông, vận động và cung cấp dịch vụ ở 38 tỉnh, TP đông dân (1 triệu dân trở lên) và có mức sinh cao với tổng số vốn khoảng 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ủy ban, mục tiêu kế hoạch chương trình dân số – KHHGĐ đến năm 2005 đạt mức sinh thay thế sẽ phải lùi lại 2 - 3 năm nữa mới giải quyết cơ bản được tình trạng gia tăng dân số. |
Trước những biến động mạnh về dân số, từ đầu tháng 9 đến nay, Ủy ban DSGĐ&TE đã 2 lần có văn bản trình lên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, trong đó nêu rõ, 6 tháng đầu năm tỷ lệ sinh đã tăng lên ở 42/64 tỉnh, TP và 38 tỉnh, TP có số sinh con thứ 3 tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo phân tích kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của Tổng cục
Thống kê, hiện nay mức sinh ở những vùng có mức sinh cao ở miền núi tiếp tục giảm. Tuy nhiên, tại các địa phương trước đây đã đạt hoặc tiệm cận mức sinh thay thế lại có xu hướng tăng lên. Điển hình là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Tây, Thái Bình, Đà Nẵng, Nghệ An, TP HCM, An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.
Theo Người Lao Động, pháp lệnh Dân số do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/5 quy định: “Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh...”. Tuy nhiên, chẳng phải chờ đến thời gian pháp lệnh có hiệu lực, nhiều gia đình đã cho ra đời đứa con thứ 3, thứ 4 với lý do “nghe nói quy định mới đã cho phép sinh con thoải mái”.
Thừa nhận việc chưa có kinh nghiệm trong quá trình xây dựng pháp lệnh, nhưng ông Tân cũng khẳng định “đây là lỗi của rất nhiều người”. Theo ông Tân, hiểu sai Pháp lệnh Dân số là nguyên nhân cơ bản góp phần tăng dân số. Đặc biệt từ khi thực hiện pháp lệnh, còn thiếu biện pháp tuyên truyền ở các địa phương, thiếu những chế tài xử lý người vi phạm chính sách dân số.
Nhất là khi chưa có nghị định hướng dẫn, một bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân đã nhận thức không đúng về chính sách dân số - KHHGĐ. Có những trường hợp còn “lờ” đi quy định tại điều 10, khoản b “sinh đẻ theo đúng KHHGĐ” và “thực hiện quy mô gia đình ít con, mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con” tại nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Dân số hồi tháng 9.
Theo lãnh đạo Ủy ban DSGĐ, hiện tất cả các điều khoản này đã được phổ biến đến UBND các tỉnh nhưng việc tuyên truyền nghị định được đến đâu thì cũng không ai biết. Dân số VN trẻ với hơn 23 triệu vị thành niên, thanh niên và mỗi năm có hơn nửa triệu phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ. Vì thế, yếu tố tiềm ẩn của nguy cơ bùng nổ dân số sẽ trở lại bất cứ lúc nào.