2020 là năm đầy biến động, trong khi phần lớn các nền kinh tế phải vật lộn với tăng trưởng lao dốc, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao do đại dịch Covid-19 thì hầu hết các tỷ phú thế giới đi theo một quỹ đạo khác. Theo thống kê của Bloomberg, 500 người giàu nhất thế giới đã có thêm 1,8 nghìn tỷ USD trong năm 2020, tương đương mức tăng 31% so và là mức tăng hàng năm lớn nhất trong 8 năm qua. Hiện 500 tỷ phú này nắm giữ khối tài sản 7,6 nghìn tỷ USD, trong đó 5 người nắm giữ khối tài sản vượt quá 100 tỷ USD và 20 người khác có ít nhất 50 tỷ USD.
Ông chủ Amazon Jeff Bezos vẫn là người giàu nhất thế giới với 191,8 tỷ USD nhờ xu hướng mua sắm trực tuyến bùng nổ trong thời kỳ đại dịch. Elon Musk là người kiếm được nhiều tiền nhất trong năm 2020 với 139,7 tỷ USD, đưa tổng tài sản nhảy vọt mốc 167,2 tỷ USD, giàu nhì thế giới. Ba cái tên còn lại của câu lạc bộ 100 tỷ USD là Bill Gates, Mark Zuckerberg và Bernard Arnault.
Covid-19 đã tạo ra cơn chấn động nhiều ngành, đặc biệt là bất động sản, nhưng lại thúc đẩy vận may trong một số lĩnh vực như bán lẻ hoặc công nghệ. Tỷ phú gốc Trung Quốc Eric Yuan, nhà sáng lập nền tảng hội họp trực tuyến Zoom Video Communications đã giàu lên nhanh chóng nhờ xu hướng làm việc tại nhà. Việc đóng cửa phòng tập thể dục cũng khiến những người tập thể dục đổ xô đến các lựa chọn thay thế tại nhà, và giúp John Foley, CEO nền tảng luyện tập thể thao trực tuyến Peloton Interactive, trở thành tỷ phú.
Các thương vụ IPO thành công tạo ra thế hệ tỷ phú mới ở Trung Quốc, nơi cuộc khủng hoảng Covid-19 hầu như đã được kiểm soát. Tổng tài sản của tỷ phú Trung Quốc đã tăng thêm 569 tỷ USD trong năm 2020, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, ngoài Mỹ. Trong đó nổi bật nhất là Zhong Shanshan, ông trùm nước đóng chai, người có biệt danh "Sói cô đơn", đã trở thành người giàu nhất châu Á với khối tài sản 70,9 tỷ USD, sau khi hai công ty của ông IPO. Tuy nhiên không phải tỷ phú Trung Quốc nào cũng có một năm thuận lợi. Jack Ma đã trải qua một năm sóng gió khi hãng tài chính Ant bị chính quyền Trung Quốc hoãn IPO và Alibaba bị điều tra trong cuộc chiến chống độc quyền.
2020 cũng là năm thành công với ngành dược. Trước năm 2020, rất ít người ngoài ngành công nghệ sinh học nghe nói về Moderna hoặc BioNTech, nhưng giờ những cái tên này trở thành huyền thoại nhờ vaccine Covid-19. Nhờ đó, Stephane Bancel, CEO của Moderna và nhà khoa học Ugur Sahin của BioNTech, trở thành tỷ phú.
Chuck Collins, giám đốc Chương trình về Bất bình đẳng và Công ích tại Viện Chính sách Mỹ, cho rằng: "Sự giàu có của các tỷ phú tăng vọt đối lập hoàn toàn với hoàn cảnh đau đớn của hàng triệu người đã mất người thân và suy giảm sức khỏe, nghèo đói do Covid-19. Tệ hơn nữa, nó làm gia tăng khoảng cách xã hội và gây chia rẽ".
Trong khi đó, người làm từ thiện nhiều nhất năm là bà MacKenzie Scott, vợ cũ của Jeff Bezos, đã cho đi gần 6 tỷ USD chỉ trong vài tháng. "Đại dịch này là một quả bom tàn phá cuộc sống của những người vốn đang gặp khó khăn. Những thiệt hại về kinh tế và sức khỏe đều tồi tệ hơn đối với phụ nữ, người da màu và những người sống trong cảnh nghèo đói. Trong khi đó, nó đã làm tăng đáng kể tài sản của các tỷ phú", bà Scott viết trong blog cá nhân.
Sơn Nam (Theo Bloomberg)