Theo báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách Mỹ (IPS) ngày 4/6, kể từ ngày 18/3, các tỷ phú kiếm được 565 tỷ USD, thời điểm Covid-19 bùng phát ở quốc gia này. Với khoản tăng thêm đó, tổng tài sản của các tỷ phú Mỹ hiện đạt mốc 3.500 tỷ USD, tăng 19% so với giai đoạn chững lại trước đó do tác động của tình hình dịch bệnh bùng lên trên toàn cầu. Riêng ông chủ Amazon Jeff Bezos, tài sản đã tăng thêm 36,2 tỷ USD sau 3 tháng.
Ngược lại với xu hướng giàu thêm của các tỷ phú, gần 43 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt hơn khi hàng triệu lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là những người làm trong ngành dịch vụ và du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng việc làm.
Sự gia tăng của cải cho những người giàu nhất nước Mỹ nhờ vào sự phục hồi đáng kể của thị trường chứng khoán. Bất chấp những cuộc biểu tình leo thang do vấn đề phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd và gần 43 triệu người thất nghiệp, sàn chứng khoán Nasdaq vẫn ghi nhận mức tăng kỷ lục. Sự phục hồi này nhờ vào sự hỗ trợ khẩn cấp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), bao gồm giảm lãi suất xuống 0 và cam kết mua thêm lượng lớn trái phiếu đã làm các loại tài sản có tính rủi ro như cổ phiếu hấp dẫn hơn nhiều.
Những công ty công nghệ lớn không chỉ sống sót qua đại dịch mà còn hưởng lợi lớn từ cuộc khủng hoảng. Cổ phiếu Amazon đã tăng 47% so với hồi giữa tháng 3, còn Facebook cũng nhanh chóng phục hồi về mức cao kỷ lục. Tài sản ròng của Mark Zuckerberg, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Facebook, đã tăng 30,1 tỷ USD kể từ ngày 18/3, theo báo cáo của IPS.
Tài sản của các tỷ phú công nghệ khác gồm ông chủ Tesla Elon Musk, nhà sáng lập Google, Serge Brin và Larry Page và cựu Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer đều tăng hơn 13 tỷ USD kể từ ngày 18/3, theo báo của IPS.
"Thị trường chứng khoán cất cánh và tách rời khỏi nền kinh tế thực đang làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo ở Mỹ", bà Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco, nói.
Chuck Collins, đồng tác giả báo cáo của IPS, nhận định: "Sự giàu có của tỷ phú trái ngược với sự đau khổ và hoàn cảnh của hàng triệu người lao động thất nghiệp ở Mỹ sẽ làm suy yếu sự đoàn kết xã hội cần thiết đất nước hồi phục trong những năm tới".
Theo giáo sư Edward Wolff của Đại học New York, 10% hộ gia đình giàu có ở Mỹ sở hữu tới hơn 84% tổng số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 2016. Điều này giải thích lý do sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán giúp người giàu càng giàu hơn, còn người nghèo vẫn rơi vào vòng xoáy khủng hoảng do đại dịch gây ra.
Sơn Nam (Theo CNN)