Giovanni Ferrero, chủ tịch Ferrero Group - đế chế bánh kẹo lớn thứ hai thế giới, là người giàu nhất Italy với tài sản 32,9 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaire Index. Kể từ khi đảm nhận vị trí chủ tịch tập Ferrero Group vào năm 2015 khi cha ông - nhà sáng lập Michele Ferrero qua đời, Giovanni đã phá vỡ truyền thống kinh doanh trong suốt nhiều thập kỷ của gia đình. Ông đã thực hiện những thương vụ thâu tóm đầu tiên trong lịch sử tập đoàn này và cũng thuê CEO đầu tiên không phải là một thành viên gia đình.
Theo đó, Giovanni đã thành lập công ty đầu tư CTH có trụ sở tại Brussels vào năm 2016 và thực hiện các thương vụ thâu tóm nhiều hãng bánh kẹo nước ngoài. CTH đã chi 300 triệu USD mua lại nhà sản xuất bánh quy Đan Mạch Kelsen Group, thương vụ nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của gia đình Ferrero. Nhờ đó tài sản ròng trong CTH đã tăng 40% lên 3,3 tỷ USD vào năm ngoái. CTH hiện sở hữu nhà sản xuất bánh quy Delacre của Bỉ và công ty kẹo Ferrara của Mỹ cùng hãng bánh quy Kelsen của Đan Mạch.
Giovanni đã "thiết lập sự hiện diện của mình trong thị trường thực phẩm ngọt đóng gói rộng lớn hơn", Guido Giannotta, giám đốc công ty đầu tư CTH, người giúp quản lý tài sản của gia đình Ferrero, cho biết. Động thái thâu tóm các hãng khác sẽ là một giải pháp giảm thiểu rủi ro cả về danh mục sản phẩm và phạm vi tiếp cận địa lý".
Giống như Giovanni, nhiều tỷ phú thế giới cũng đang đa dạng hoạt động kinh doanh của mình khi họ tìm cách gia tăng sự giàu có qua nhiều thế hệ. Người sáng lập Zara, Amancio Ortega - người giàu nhất Tây Ban Nha, đã đầu tư số tiền thu được từ công ty kinh doanh quần áo Inditex của mình vào bất động sản trên toàn thế giới, trong khi Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft đầu tư vào các công ty từ đường sắt, nông nghiệp đến xây dựng.
Những đổi mới của Giovanni đã mang lại thành quả, doanh thu năm 2019 của Ferrero Group đạt 12,6 tỷ USD. Kể từ năm 2019, tài sản của ông Giovanni tăng thêm gần 10 tỷ USD lên mốc 32,9 tỷ USD, trong đó chỉ riêng cổ phần của Giovanni tại tập đoàn này trị giá hơn 23 tỷ USD. Hiện ông là người giàu thứ 29 thế giới, theo Bloomberg.
Đế chế bánh kẹo của gia đình Ferrero bắt đầu từ một cửa hàng chocolate tại thành phố Alba, miền bắc Italy vào năm 1946, tiền thân của Ferrero Group. Sau hơn 70 năm, Ferrero Group trở thành hãng bánh kẹo lớn thứ hai thế giới với các thương hiệu chocolate nổi tiếng toàn cầu như Nutella và Kinder Chocolate và Tic Tac.
Giovanni Ferrero, con trai út của Michele Ferrero, nhà sáng lập Ferrero Group, từng theo học marketing tại trường Lebanon Valley College ở Annville, Pennsylvania (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp, Giovanni và anh trai Pietro trở thành đồng CEO của Ferrero Group vào năm 1997. Tuy nhiên, sự phân chia này kết thúc khi anh trai Pietro qua đời vì truỵ tim trong một tai nạn xe đạp ở Nam Phi vào năm 2011.
Theo Guardian, Ferrero Group là "một trong những công ty bí mật nhất thế giới". Vào năm 2011, lần đầu tiên sau 65 năm, công ty này cho phép phóng viên tham quan nhà máy tại Alba, Italy. Tỷ phú Giovanni cũng nhận trả lời phỏng vấn đầu tiên vào năm 2018 với tờ Forbes. Các thành viên trong gia đình Ferrero cũng sống khép kín và không tiếp xúc với truyền thông.
Forbes mô tả tỷ phú Giovanni có vóc dáng "gầy gò, ăn mặc bảnh bao", và trông ông phù hợp "để hoạt động trong ngành giải trí hơn là một ông chủ nhà máy". Thực tế tỷ phú giàu nhất Italy này có đam mê viết tiểu thuyết. Ông từng xuất bản 8 tiểu thuyết, trong đó một vài cuốn lấy bối cảnh ở châu Phi, theo Forbes. Tiểu thuyết gần đây nhất của ông có tên "Il cacciatore di luce" (The Light Hunter), nói về một hoạ sĩ châu Phi được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu, xuất bản vào năm 2016. Tỷ phú 55 tuổi có cuộc sống hạnh phúc bên bà Paola Rossi, làm việc tại Uỷ ban châu Âu, và hai con.
Sơn Nam (Theo Bloomberg, BI, Forbes)