Đây là tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins trong vòng 10 ngày qua.
Trong khi hầu hết các nước phương Tây lớn đều đã qua thời kỳ đỉnh dịch của làn sóng Covid mới nhất và không còn báo cáo số lượng lớn người mất vì nhiễm virus, tỷ lệ này của Hong Kong dự kiến sẽ vượt con số 9 ca tử vong trên một triệu người mà Mỹ ghi nhận ở đỉnh dịch cuối tháng 1 vừa qua.
Số người mất vì dịch bệnh trong thành phố nhiều khả năng tiếp tục tăng, do ngày càng nhiều ca nhiễm và tử vong được ghi nhận ở các trung tâm chăm sóc sức khỏe. Khoảng 580 cơ sở chăm sóc ở Hong Kong hiện bùng dịch, với 2.900 người bệnh và 860 nhân viên nhiễm virus. Hiện có gần 75.000 người già và người tàn tật sống trong các cơ sở chăm sóc trên ở Hong Kong.
Mỗi ngày, Hong Kong ghi nhận số ca tử vong hai con số. Trong số 87 người chết vì Covid-19 hôm 28/2, quá nửa là cư dân ở các khu chăm sóc sức khỏe. Theo số liệu được chính quyền đặc khu kinh tế này công bố hôm 27/2, phần lớn người tử vong đều đã già và 91% trong số họ chưa tiêm đủ hai mũi vaccine.
Gần một năm nay, các chuyên gia đã cảnh báo tỷ lệ tiêm chủng thấp ở người già giống như một quả bom hẹn giờ ở Hong Kong. Tuy số mũi tiêm đã tăng vọt kể từ khi làn sóng Omicron bùng lên, gần một nửa người già trên 80 tuổi của thành phố vẫn chưa được tiêm mũi đầu. Trong khi đó, Singapore đã tiêm cho 95% người lớn tuổi, nhờ vậy tỷ lệ tử vong thấp hơn Hong Kong rất nhiều - trung bình chỉ 5 ca một ngày trong tháng 2.
Hơn hai năm từ khi Covid-19 khởi phát, những cảnh tượng gợi nhớ về sự hỗn loạn của khoảng thời gian đầu năm 2020 đang diễn ra ở Hong Kong. Hệ thống y tế thành phố hiện căng thẳng, bệnh nhân nằm chật kín ở bệnh viện, trong khi các nhà xác công thì quá tải.
Tình trạng này có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn. Hôm 2/3, các nhà chức trách ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục là 55.353 ca. Trước tình hình này, các đơn vị vận hành giao thông công cộng và các siêu thị dã cắt giảm dịch vụ do thiếu người sử dụng cũng như thiếu nhân sự.
Hướng Dương (Theo Bloomberg, Reuters)