Cua vừa ngon, vừa bổ, là loại hải sản được nhiều người ưa thích, có thể chế biến theo nhiều cách: luộc, hấp, rang, nấu cháo, làm lẩu hay nướng. Trong đó, luộc là cách thường được sử dụng nhất bởi giữ trọn vẹn mùi vị và hương thơm của thịt cua, sau khi luộc xong có thể lấy thịt nấu cháo hay xào miến đều được. Tuy nhiên, để luộc cua không bị tanh hay gãy càng, bạn vẫn cần phải lưu ý một vài kinh nghiệm.
Chọn cua
- Cua đực nhiều thịt, cua cái thì có gạch, bạn có thể chọn mua tuỳ theo nhu cầu.
- Mua cua sống để tránh ngộ độc. Ăn thịt cua chết có thể gây các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn. Nên chọn cua có lớp vỏ xám đục, không nên chọn những con gầy, mai hơi xanh.
- Có thể ấn để xác định độ tươi, nếu ấn vào yếm cua thấy rắn chắc, yếm to thì là cua nhiều thịt, nếu mềm thì là cua mọng nước, xốp, thịt lép.
- Nếu là cua tươi, yếm bám chắc vào thân, càng và chân quẫy mạnh, gai và mai cua sắc nhọn.
Làm chết cua
Bạn cần làm chết cua trước khi luộc để càng và chân không bị rụng. Có hai cách thường được áp dụng:
- Cho cua vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 15 phút để cua bị tê liệt, sau đó đem luộc. Cách này cũng tránh việc không cẩn thận bị thương khi cua chạm trúng tay.
- Bạn cũng có thể dùng mũi dao nhọn đâm vào đầu tam giác của yếm cua, giữ khoảng một phút để cua chết hẳn. Sau đó làm sạch bằng cách dùng bàn chải chà kỹ bùn đất ở khớp chân, mai, yếm cua rồi rửa sạch lại.
Luộc cua
Để tăng vị đậm đà, bạn nên ướp cua với muối, tiêu, hạt nêm trong khoảng nửa tiếng trước khi luộc. Sau đó, bạn xếp cua vào nồi, đổ xâm xấp nước và luộc khoảng 5-10 phút cho tới khi vỏ cua chuyển màu đỏ au là được. Cua sống có thể gây ngộ độc, do đó, bạn cần luộc chín hẳn, không nên để tái. Tuy nhiên, nếu luộc chín quá thì càng và chân cũng dễ bị rụng còn thân cua, không còn đẹp mắt.
Ngoài ra, để khử mùi tanh, bạn có thể sử dụng thêm gừng và sả, vừa tăng mùi thơm cho món ăn. Gừng rửa sạch, thái sợi. Sả bóc vỏ, đập dập, cắt khúc rồi xếp cả hai xuống đáy nồi, trước khi cho cua lên trên.
Lưu ý:
- Ăn cua ngon nhất và đảm bảo nhất là ngay khi vừa luộc xong. Nước chấm có thể là muối tiêu chanh, nước chấm hải sản loại bán sẵn hay nước mắm chanh ớt đường đều được.
- Khi ăn cua, nên bỏ các phần nội tạng khác mà chỉ nên ăn thịt và gạch cua.
- Không nên uống trà khi ăn cùng cua (trà đá là thức uống phổ biến ở các quán hải sản). Trà có thể làm loãng axit dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá.
- Hải sản nói chung và cua nói riêng là đồ ăn có tính lạnh, ăn nhiều có thể gây tiêu chảy hoặc đầy bụng, ăn kèm các đồ ăn có tính lạnh khác cũng dễ khiến tình trạng tồi tệ hơn, thậm chí là ngộ độc thức ăn. Những người không nên ăn cua là người thể hàn, cảm sốt, bệnh về dạ dày, bệnh tim mạch, huyết áp...