HLV Miura và học trò từng “xin” người hâm mộ đừng so sánh với U19. Trận hòa trước Indonesia, tuyển Việt Nam chơi hay trước gần 40.000 khán giả khiến những so sánh của nhiều fan tạm lắng. Nhưng sau trận gặp tuyển Lào, “nỗi ám ảnh” của thầy trò ông Miura dường như đang trở lại khi họ lại bị không ít người hâm mộ đặt lên bàn cân với U19.
Tuyển Việt Nam đang có những trận đấu thuận lợi để tiến đến cái đích đầu tiên là bán kết. Xét về kết quả và những tính toán chuyên môn, ông Miura và các học trò đang làm tốt. Nhưng họ vẫn bị đặt dưới áp lực so sánh với U19 của nhiều fan, nhất là sau trận thắng tuyển Lào.
Nhiều fan “thích” tìm điểm so sánh tuyển Việt Nam tại AFF Cup với U19 gồm các cầu thủ được yêu mến như Công Phượng, Tuấn Anh… ở hai khía cạnh là lối chơi và khán giả. Ở trận đấu tiên, đội bóng của HLV Miura chơi hay và thu hút đông CĐV thì mọi việc rất “êm”, không hoặc ít có sự so sánh giữa hai đội “anh và em”. Nhưng tới trận gặp Lào, thầy trò Miura khá vất vả mới thắng được đối thủ chủ động chơi phòng ngự dày đặc.
Và như một thói quen được lập trình gần đây, một số fan bắt đấu so sánh. “Tư duy không bằng U19”, “chiến thuật cách chơi không bằng U19”, “chơi vật vờ chứ không cuốn hút như U19”, “xem tuyển Việt Nam chán hơn U19”, “chờ U19 lên thay mới may khá nổi”, “khán đài trống hoắc là đủ hiểu”… là những so sánh thường thấy của nhiều fan trên một số diễn đàn.
Công Phượng và các đồng đội từng khoác áo U19 được “thần tượng hóa” với nhiều người hâm mộ. Nhiều tiêu cực lộ ra như việc so sánh thái quá hiện nay. Thay vì xem thái độ thi đấu của các cầu thủ tuyển Việt Nam ra sao, kết quả thế nào, một số lại so sánh ở cách chơi, cách nhập cuộc, cách tính toán trên sân của từng HLV, từng đội ở từng giải.
U19 là đội của quá trình tích lũy và chưa đặt ra vấn đề thành tích nên lối chơi còn “bay bướm”, thiên về cá nhân hồn nhiên để bộc lộ hết khả năng cho các HLV đánh giá, rút kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, khi bước vào giải đấu có thành tích như vòng chung kết U19 châu Á, đội thua tan nát với nhiều bài học được rút ra. Hay như sau giải tứ hùng tại TP HCM hồi tháng 1, một nhược điểm mà đội cần khắc phục là chơi quá vô tư, hồn nhiên và cá nhân.
Tuyển Việt Nam là đội bóng tập hợp những cầu thủ xuất sắc, từng trải các giải U và tại CLB để chinh phục những mục tiêu cụ thể, đại diện cho hình ảnh bóng đá nước nhà (bảng xếp hạng của FIFA căn cứ theo đội tuyển quốc gia chứ không phải các đội U). Do đó, tính hồn nhiên “bay bướm” hạn chế tối đa, dành nhiều cho những toan tính thực dụng. Và nhiều trường hợp, sự toan tính ấy có thể không thể tạo nên lối chơi đẹp như mong muốn của người hâm mộ. Nhưng kết quả là tiêu chí đặt ra cho đội tuyển khi đi “thi” chứ không phải bài học trưởng thành như U19 khi đi “cọ xát”.
HLV Miura cho thấy rõ sự khác biệt đó giữa ông và thầy Giôm của U19. Tùy từng đối thủ, ông Miura tính toán nhân sự phụ hợp cho giải đấu đường dài AFF Cup. Có những trận tuyển Việt Nam chơi hay, nhịp nhàng (trước Indonesia), có những trận chơi chưa thể như ý (bế tắc trước lối chơi phòng ngự tuyển Lào hiệp một) với nhiều sự thay đổi nhân sự. Nhưng kết quả cuối cùng là đội vẫn thắng đậm, rộng cửa vào bán kết. U19 Việt Nam đơn thuần là thử nghiệm cọ xát nên dù đã vào bán kết vẫn căng sức đá với U19 Nhật ở trận cuối vòng bảng U19 Đông Nam Á tại Mỹ Đình.
Một điều đáng khen của tuyển Việt Nam tại AFF Cup đang diễn ra là tinh thần thi đấu. Tất cả cầu thủ được ông Miura sử dụng đều có trạng thái tinh thần thi đấu rất tốt khi ra sân. Ngay cả những công thần như Công Vinh, Tấn Tài phải ngồi dự bị nhưng không có tự ái cá nhân nào ở đây. Họ tôn trọng và khi có dịp ra sân là bùng nổ cùng các đồng đội trẻ.
Công Phượng và các đồng đội rồi cũng đến giai đoạn qua tuổi đá bóng hồn nhiên và bước vào sự toan tính, dù thầy Giôm hay bất kỳ HLV nào dẫn dắt. Nét đẹp của bóng đá đâu chỉ ở sự “bay bướm” của vài đường chuyền mà đó còn là tổng thể của một cuộc chơi.
Ngọc Hà