Năm học này trường THPT Lê Quý Đôn mặc dù được chuyển thành trường công lập tự chủ tài chính nhưng trong kế hoạch tuyển sinh, trường vẫn được xem là trường công lập và vì vậy chỉ được tuyển sinh vào hai nguyện vọng 1, 2 như những trường công lập khác.
Tất nhiên theo quy định tuyển sinh lớp 10 của Sở GDĐT TP HCM, đã là hệ công lập thì không được tuyển bổ sung. Tuy nhiên, kết thúc đợt tuyển sinh, khi nộp danh sách tuyển sinh về Sở GDĐT, trường THPT Lê Quý Đôn lại gửi kèm một danh sách 37 học sinh tuyển thêm. Bản danh sách đặc biệt này đã không được công bố.
Sau một thời gian tìm hiểu, phát hiện lý do để những người có trách nhiệm giấu nhẹm: có đến 23/37 học sinh trong danh sách này không đủ điểm chuẩn của trường. Đáng lưu ý hơn, đa số học sinh trong số này được tuyển không theo quy chế nào cả.
Có học sinh thiếu đến 7 điểm (điểm chuẩn của trường năm nay là 37 điểm) đã trúng tuyển vào trường công lập tự chủ tài chính (bán công) Hoàng Hoa Thám nhưng vẫn được chuyển trường về đây (tức vào hệ công lập), trong khi quy định của sở “học sinh chỉ được chuyển trường cùng hệ (ở đây là hệ bán công) và phải có điểm tuyển sinh lớp10 ít nhất bằng với điểm chuẩn của trường đến...”.
Có đến 13 học sinh đã được bà hiệu trưởng Trần Thanh Vân tuyển vào kiểu như vậy. Có thể kể: học sinh S. 31,5 điểm đã đậu vào hệ bán công trường Nguyễn Hiền, học sinh S. 31,8 điểm đã đậu vào BC Marie Curie, học sinh V. 31,8 điểm đã đậu vào bán công Trần Hưng Đạo. Có lẽ với quá nhiều trường hợp tuyển sai quy định như thế nên danh sách này đã bị neo lại chưa duyệt, cho đến khi xảy ra vụ tố cáo tiêu cực chạy trường ở đây.
Thế nhưng không chỉ có danh sách tuyển thêm này. Sau khi Sở GDĐT tiến hành thanh tra đợt 2 mới phát hiện bà Vân còn tuyển thêm 19 trường hợp khác và để đối phó với đoàn thanh tra, bà đã chỉ đạo gộp 19 hồ sơ này vào cùng 37 hồ sơ đã trình sở duyệt nói trên.
Tìm hiểu thêm số này, không khỏi bất ngờ khi có đến 13 trường hợp dưới chuẩn, trong đó trường hợp thấp nhất thiếu đến 6,25 điểm và có ba trường hợp chuyển từ tỉnh về mà nơi chuyển "không thi tuyển" nên không có điểm. Cho đến cuối tháng chín số học sinh này vẫn chưa có tên trong hồ sơ của Sở GDĐT nhưng lại có tên trong danh sách đang ngồi học tại trường.
Sau nhiều thời gian tìm kiếm, cũng đã gặp được một số phụ huynh có con trong danh sách này. Chị H., phụ huynh của một học sinh thiếu 0,25 điểm, cho biết con chị đã trúng tuyển vào trường bán công Lương Thế Vinh nhưng trường quá xa nhà, không có điều kiện đưa đón nên đã xin vào trường Lê Quý Đôn. Sắp xếp những lời kể không theo thứ tự của chị, hình dung được sự việc:
“Ban đầu có người bảo tôi nên gặp một thầy hiệu phó vì ông ấy dễ tính. Khi lên trường, tìm không gặp thầy này nên tôi vào gặp thẳng cô Vân. Cô nói năm nay trường không có bán công, con tôi lại thiếu điểm nên cứ về, chờ khi nào có học sinh bỏ học sẽ gọi lên.
Sau đó khoảng một tuần, tôi nhận được một cuộc điện thoại bảo lên trường. Cùng với tôi còn có nhiều phụ huynh khác nữa. Chúng tôi chờ 14-17h. Tình cờ lúc ấy tôi gặp cô Hòa trong số ba cô nhận hồ sơ (trong đó có cô hiệu phó tóc ngắn và một cô nhân viên văn phòng). Tôi mừng như người chết vớ được cọc vì cô Hòa là học sinh cũ của cô tôi ở Hà Nội và cô nói cô có tiêu chuẩn xin một đứa. Tôi đã nhờ cô vào nói giúp với cô Vân hộ tôi”.
Phụ huynh này cũng cho biết dù chuyển trường nhưng chị không lên trường Lương Thế Vinh xin hiệu trưởng cho đi. Đơn xin học trường Lê Quý Đôn nhà trường cũng không cần chữ ký của hiệu trưởng trường đi nhưng con chị vẫn được nhận dễ dàng, mặc dù quy định tuyển sinh lớp 10 của sở nêu rất rõ: ngoài một số yêu cầu đã nói ở trên, "học sinh chuyển trường phải có sự đồng thuận của hai trường nơi đi và nơi đến".
Trong một bản tường trình gửi công an PC15, ông K., phụ huynh có con đạt 32,5 điểm, là một trong số 19 học sinh được tuyển thêm, ghi: "Biết khối 10 còn thiếu học sinh, tôi đã làm đơn xin trực tiếp gặp cô Vân, cô cho biết sẽ nhận thêm nếu cháu có học lực khá giỏi. Và sau khi biết chị tôi là cán bộ chung ngành, cô đã nhận với yêu cầu bắt buộc phải làm cam kết nếu cháu không theo kịp chương trình học, cuối năm đạt kết quả yếu kém thì sang năm phải chuyển trường, kèm theo đó là đơn bảo lãnh của chị tôi".
Phụ huynh này cho biết thêm: "Sau khi đồng ý nhận con tôi, cô Vân yêu cầu nộp hồ sơ cho một cô giáo ở phòng bên ngoài phòng cô Vân mà tôi nghe nói là giáo viên dạy văn. Tôi nghĩ có lẽ những cháu thiếu điểm như con tôi thì được nhận riêng như vậy chăng? Cô giáo này đã gợi ý đóng tiền quĩ xây dựng gì đó. Nếu đóng sẽ ghi vào tờ giấy tự nguyện".
Không chỉ 56 trường hợp của năm nay, khi thanh tra hồ sơ năm học 2005-2006 Sở GDĐT cũng phát hiện 12 trường hợp xét tuyển không có đơn xin học, bà hiệu trưởng chỉ ký nhận trên bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, nghĩa là chẳng cần nơi đi có cho đi hay không bà cũng nhận bất chấp quy định và vẫn lọt qua cửa xét duyệt của Sở GDĐT. Lẽ nào hiệu trưởng một trường "danh tiếng", có nhiều năm kinh nghiệm trong tuyển sinh lại bất chấp quy định của ngành chỉ với lý do "để đủ chỉ tiêu" thôi sao?.
(Theo Tuổi Trẻ)