Vậy là phải tranh thủ thời cơ dụ địch vào một tửu quán để "chôm" được bình rượu và mau mau nốc cạn. Thế rồi rượu nhập vào hình, thân pháp nghiêng ngả, quyền cước xuất chiêu.
Lối diễn xuất câu khách ấy thật ra dựa vào giai thoại "Túy bát tiên". Tám vị tiên say kết giao bằng hữu có tên Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Lã Đồng Tân, Lý Thiết Quải, Hàn Tương Tử, Lam Thái Hòa, Hà Tiên Cô, Tào Quốc Cữu. Đây là những vị sống tiêu dao cùng năm tháng, khi uống rượu, múa võ, đánh kiếm đều hình say và ý say. Trên hình tượng "Túy bát tiên", giới võ lâm sáng tác: Thái Bạch túy tửu, Võ Tòng túy tửu, Lỗ Trí Thâm túy đả sơn môn (Trí Thâm say đập cổng chùa)...
Khác với phim ảnh và giai thoại, võ say hay túy lúy quyền là loại quyền kỳ ảo, biến hóa, thân thủ bộ pháp đảo điên như có ma men nhập, kỳ thực hình say mà ý tỉnh, bước say mà tâm không say. Tâm ý của túy lúy quyền là tâm buông xả, vô ý sinh. Người say không còn lo sợ ở thắng bại, mạnh yếu, thân thể không còn cân trụ, phá bỏ trọng tâm, rớt, ngã mà phát được lực.
Là quyền pháp cấp cao thuộc về công phu thượng thừa, túy lúy quyền đạt tới đặc kỹ phá cách tất cả bộ khung, xóa bỏ cái có để trở về với tâm vô ngã. Muốn thụ đắc môn này, người học phải qua mười năm luyện võ, khi đã có một nền tảng vững chắc mới có thể bước vào cửa túy lúy quyền. Lúc ấy trong người mang đầy gánh nặng qua một hành trình dài dằng dặc, con người cần say để quên hết kiêu khí, buông bỏ để tâm trống không. Đi vào cảnh giới của túy luý quyền, người luyện có khi bật cười, bật khóc như điên, như say, đó là do công pháp tu tập, còn tuyệt đối không có giọt rượu.
Để thoát khỏi hình tướng, túy lúy quyền có những kỹ pháp đặc biệt như các thao tác: đính, khâu, viên, mẫu, bảo, thùy, khúc cùng kết hợp các lực kình: bằng, lý, tê, án, biên, kháo, định, quyết. Túy lúy quyền đạt tới điều bất khả là không tấn mà vững chãi, không ý mà có ý, không mạnh mà đốn đổ gốc. Cấu hình của quyền pháp chủ yếu mượn lực té thúc, kháo dựa, lăn, lật để thực hiện tùy cơ sinh thế, tùy ý tung chiêu, như Quyền kinh đã viết: "Quyền nổi lên như gió, rơi xuống như tên". Có thể nói kỹ năng và chiến pháp túy lúy quyền cô đọng qua ca quyết: "Đảo điên nuốt nhả, nổi chẳng ngã/ Ngất ngưởng té thúc lật lăn khéo/ Lăn tiến mà cao, lắm ảo diệu/ Tùy thế sấp ngửa người khó theo".
Từ cơ sở túy lúy quyền đã phát triển ra các bài túy kiếm, túy côn, túy thương, cùng các bài túy quyền đối luyện như Túy hán hí hầu (Chàng say đùa khỉ)... Với bài túy kiếm, kiếm pháp đa biến nhờ thần hình dung hợp, ý thế hợp nhất, kết hợp đặc kỹ, hình say ý tỉnh, khéo dựa mà đánh. Lợi dụng phép ngã tam cách, tức ngã nửa vời, ngã hẳn, ngã hư thực để thực hiện phép lục hợp dẫn kình sử kiếm đúng pháp. Người luyện túy kiếm phải thể hiện phong thái ung dung, tiêu sái, kiếm với thân người như một. Kiếm pháp phải sáng và nhanh, tĩnh như hồ thu, động như rồng lướt, múa như phượng bay. Túy kiếm hình thành nhờ phép kháo và lục hợp trong quyền pháp, cấu trúc và kỹ năng bài quyền phức hợp, đòi hỏi người luyện phải có công tu dưỡng thân tâm.
Bài túy côn hình say nhờ vào nguyên lý kháo dựa đối phương và phép chìm nội lực của thân, nuốt nhả của eo, vai, vế, lưng với tâm ý tĩnh lặng. Túy côn cấu trúc phức hình, đa biến. Côn chiêu thế thân tiêu sái, bộ pháp đặc dị, tâm côn hòa hợp đúng theo chuẩn mực chân dẫn thân, thân dẫn tay, tay dẫn côn theo sự xuyên suốt của tâm ý. Đặc thù vận động của côn chiêu là hình tròn, cấu trúc gốc chuyển vận viên mãn, thế bộ vận từ mũi chân theo thân nhả lực đúng như câu "túc bất ly địa". Phép luyện kỹ năng bài quyền rất cao, đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn của thân thủ bộ pháp và đặc kỹ côn pháp. Bài quyền có giá trị cao trong dưỡng sinh và kỹ kích...
Võ học và văn hóa Võ học truyền bá văn hóa. Nghe có vẻ nghịch lý, bởi nhiều người sẽ cho rằng: "Cái lũ đánh đấm võ biền ấy mà văn hóa cái gì ?". Kim Dung tiên sinh khi sáng tác Thiên Long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Anh hùng xạ điêu... chắc cũng khó ngờ rằng những chiêu thức lạ kỳ, những kiếm phái hợp tan lại chui sâu vào con người châu Á đến thế. Và cùng với những cơn ghiền truyện võ hiệp ấy, những mẫu người, tính cách và đạo lý của các hiệp khách giang hồ cũng đi theo, len lỏi vào từng cái đầu trùm chăn bật đèn pin đọc truyện chưởng. Ai đi học võ ban đầu chắc đều có ý nghĩ, chí ít cũng thoáng qua trong đầu, rằng để có thể hạ được người này người nọ. Và quả là, thỉnh thoảng cũng có những gã giỏi võ đi gây hấn, đánh đập người khác. Nhưng rồi các bậc võ sư cao thủ đều đã trở thành những con người điềm đạm, bao dung. Phải chăng võ học chính là một phương thức dạy ta nên người, một cách nhọc nhằn và dễ bị hiểu nhầm nhất? Người luyện võ công Trung Hoa chắc chẳng lạ gì Thái cực đồ. Đến một ngày nào đó, người luyện võ nhận ra triết lý âm dương bát quái của văn hóa phương Đông đằng sau cái đồ hình ấy. Và đó là lúc cốt lõi của Kinh Dịch bừng lên, thoát ra khỏi cái vỏ võ học để đến với môn sinh khắp nơi trên địa cầu?
Có bao nhiêu người sẵn lòng bỏ tiền ra xem một cuốn phim tài liệu về Tần Thủy Hoàng? Chắc con số ấy không nhiều bằng số người bỏ tiền ra xem phim Anh hùng, để xem Lý Liên Kiệt cầm kiếm gạt tên, và cũng xem luôn cả những câu tâm huyết của vị hoàng đế nổi tiếng của Trung Quốc xưa. Người tập võ được dạy trước hết là biết thị phi, phải trái, tôn sư trọng đạo. Họ được dạy cách đối diện với bạo lực, phát triển sức mạnh và nắm giữ lấy nó, kiềm chế nó trong chính bản thân mình. Văn dạy người rời xa cái ác. Võ dạy người đối diện với nó, thuần dưỡng nó. Vì thế mà người ta nói võ học phương Đông là một phần của văn hóa chăng? |