Công nhân công ty đang dọn rác. |
Bằng tấm lòng của mình anh đã vực bao con người từng lầm lỡ ở trị trấn Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang). Anh là Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty Cổ phần môi trường đô thị huyện Lục Ngạn.
Từ Giang “Lâm Tặc”...
Đến huyện Lục Ngạn hỏi đến Giang “Trung Tướng” hay Giang “Giang Hồ” thì ai cũng biết.
Sinh ra ở thị trấn Chũ, ngay từ nhỏ Giang luôn dẫn đầu trong các vụ ẩu đả, trấn lột… của bọn trẻ trong vùng. Lớn lên một chút, máu giang hồ không đủ để giữ chân ở thị trấn Chũ nhỏ bé, Giang cùng bọn đàn em lên Hà Nội để thỏa chí ăn chơi.
Chân ướt chân ráo đến Hà thành, lúc đầu Giang cùng bọn đàn em xin đi phụ hồ gần sân vận động Hàng Đẫy. Ngày đi làm, tối thì nhậu nhẹt, gái gú. Chẳng mấy chốc mọi ngõ ngách Hà Nội, sàn nhảy, vũ trường, ổ chứa… Giang đều thuộc nằm lòng.
Việc làm chân chính không đủ để trang trải cho cả bọn những đêm chơi ngút trời. Máu “nghề nghiệp” nổi lên, bỏ mấy việc làm thêm tốn sức, Giang cùng đàn em lân la đến các bến xe, bến tàu hành nghề cướp giật. Giang khét tiếng là cướp có nghề.
Cảnh sát nhiều lần ra quân rình bắt nhưng đều thất bại. Sau bao lần tẩu thoát cuối cùng Giang cũng bị tóm gọn. Bản án 3 năm tù đã kết thúc thời “vàng son” của một tướng cướp lừng danh.
Ra tù giống như con ngựa “bất kham”, Giang về quê tiếp tục tính chuyện lâu dài. Bọn đàn em đang chờ Giang về kế nghiệp bỏ dở bấy lâu. Sau khi xem xét tình hình và địa bàn hoạt động. Giang cùng đàn em hình thành đường dây buôn gỗ lậu.
Theo Giang, nghề buôn gỗ lậu lúc đó đang gặp thời. Cái nghề ấy chẳng mấy chốc lại đưa Giang “đại ca” thành Giang “lâm tặc” nức danh trong giới buôn gỗ một thời. Giang vốn có tài thao lược, dàn xếp và móc nối khéo léo với kiểm lâm.
Trung bình mỗi ngày đội của Giang đánh 25-30 xe gỗ tỏa về các hướng Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương… tiêu thụ. Xe gỗ nào cũng ngang nhiên đi lại. Bởi Giang đã khôn khéo lót tay những kẻ hám tiền. Mặt khác tay chân của Giang có mặt khắp nơi.
Nhưng những cuộc vui chơi, nhậu nhẹt, đập phá… cùng đàn em không đủ làm cho anh thanh thản khi đêm về. Giang luôn phải nghĩ đến ánh mắt mỉa mai của người đời. Mà khổ nhất là 2 đứa con thơ và người vợ.
Bao đêm Giang không khỏi trằn trọc suy nghĩ, anh kể: “Vợ vốn chẳng dám nặng lời can thiệp vào công việc làm ăn của chồng nhưng mình biết cô ấy cũng khổ tâm lắm. Đi đâu cũng bị chỉ trích, soi mói.
Đến cả mấy bà bán hàng ngoài chợ cũng nói thẳng vào mặt vợ: “Chồng mày làm lâm tặc thì thiếu gì tiền mà phải chạy chợ cho khổ”. Nhưng khổ nhất là 2 đứa con. Lúc chúng nhỏ chẳng hay nghĩ ngợi thì đâu có sao.
Nhưng bây giờ chúng nó lớn, đi học có bạn có bè, bị nói là con của thằng “lâm tặc” phá rừng khổ thân chúng nó. Lúc chỉ có một mình, thích làm gì thì làm. Nhưng bây giờ có vợ có con, sống thế mãi sao được”.
Khoảng giữa năm 1999 một bữa liên hoan linh đình diễn ra tại nhà Giang với đông đủ bạn bè anh em khắp nơi. Giang “Đại Ca” tuyên bố “gác kiếm” làm việc thiện.
Trở thành Giám đốc công ty môi trường
Biết Giang tuy tính lỳ lợm, lêu lổng từ nhỏ thành sa ngã nhưng lại rất có chí. Nắm được ưu và nhược điểm ấy, chính quyền thị trấn Chũ đã đến tận nhà động viên và khích lệ Giang tham gia vào hợp tác xã Vệ sinh môi trường của thị trấn.
HTX thành lập được một thời gian nhưng việc làm ăn luôn trì trệ và thất bát. Không quản ngại Giang vào HTX và bắt tay ngay vào công việc được giao. Tuy nhiên sau một thời gian HTX phá sản.
Giang kêu gọi bạn bè góp vốn thành lập Công ty rác do anh làm giám đốc. Nhiều người cho quyết định của Giang là quá táo bạo, nhiều người lại cho đó là “thừa tiền”. Ngay sau khi các giấy tờ được hoàn thành, Giang bắt tay ngay vào việc.
Anh làm việc một cách say mê mặc sự tò mò, đoán già đoán non của mọi người. Anh bỏ tiền mua công nông, xe chở rác, tuyển công nhân quét rác… Anh xin UBND huyện 10 ha đất để làm nơi đổ rác cách trung tâm thị trấn 10km.
Công việc lúc đầu đầy vất vả và khó khăn. Từ khi HTX ngừng hoạt động, rác bị ùn đắp khắp nơi. Rác rải khắp đường, ùn tắc trên các cống thoát nước. Hàng ngày Giám đốc Giang đích thân đi xem xét tình hình, chỗ nào có rác anh nhắc nhở công nhân vệ sinh lại cho sạch. Các con đường ngập trong rác trở lại thông thoáng và sạch sẽ.
Lục Ngạn là vựa vải lớn của cả nước, tháng 5/7 (Âm lịch) khi mùa vải về, xe chật kín trên QL 31. Xe tải lớn nhỏ về đây ăn hàng mang đi khắp nước và sang Trung Quốc bán. Sau một ngày, đủ các loại rác ngập trên đường. Thời tiết nóng nực, mùi vải chín lên men bốc mùi rất khó chịu. Sau một đêm thị trấn Chũ lại sạch bóng. Được sự giúp đỡ của UBND huyện, công ty kiêm luôn cả việc trông giữ các loại xe cộ, đảm bảo an ninh các chợ trong huyện. Đặc biệt, anh ưu tiên tuyển dụng, tạo điều kiện cho những người từng lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời.
Việc thu dọn rác của công ty Giang ngày càng có uy tín. Từ chỗ chỉ giải quyết rác ở thị trấn Chũ, hiện nay các bệnh viện, trường học, UBND huyện, xã, công viên, nhà nghỉ… và các xã lân cận cũng liên hệ với công ty anh nhờ giải quyết vấn đề rác.
Cuối năm 2006 một số chuyên gia môi trường của Đức và Nhật đã đến thị trấn Chũ và trực tiếp gặp Giang. Các chuyên gia nêu vấn đề phân loại rác thải, và sản xuất phân bón ngay tại thị trấn Chũ.
Giám đốc Giang đã trực tiếp đưa đoàn chuyên gia đi xem xét và đánh giá tình hình rác trong khu vực. Do lượng rác chưa đủ nên dự án chưa được thực hiện. Tuy nhiên tương lai một nhà máy phân loại rác thải được xây dựng ở đây là không xa.
(Theo Tiền Phong)