Trường Duy
Nhắm mắt lại, tôi thấy mình không còn là một anh chàng 21 tuổi nữa. Giờ đây, quanh tôi là những tiếng cười của trẻ thơ, của những người bạn tôi yêu mến thuở ấu thơ. Tôi thấy thời gian dường như ngừng lại và quá khứ trải ra trước mắt trong cái màu sắc huyền diệu, lung linh.
Trên đầu tôi là bầu trời bao la đang phơi những "tấm lụa" nắng óng ánh, vẫn còn ướt vì đợt mưa rào trên những dãy nhà cao tầng khiêm nhường, núp mình trong màn rêu xanh mượt. Dưới chân tôi là con đường mòn lát đầy sỏi và hai bên thưa thớt những khóm hoa dại như để chào đón những đứa trẻ trên đường đến trường.
Tôi - một chú bé loắt choắt, chỉ mới 6 tuổi, trong tư thế úp mặt vào tường, đang bi bô đếm số trong khi lũ bạn sốt sắng đi tìm chỗ trốn. Cuộc chơi chỉ kết thúc khi có một đứa trong nhóm bị mẹ "xách" tai về vì cái tội ham chơi, không biết giờ ăn cơm. Cuộc sống đối với chúng tôi đơn giản lắm, chỉ loanh quanh trong những cuộc chơi bất tận, đầy ắp tiếng cười. Nơi chúng tôi ở là một khu nhà tập thể nhỏ xíu hình chữ U, cái sân ở giữa, vì thế nghiễm nhiên trở thành lãnh thổ của chúng tôi.
Cái sân cao ráo, gồ ghề ấy tỏ ra thật có ích vì nhờ nó mà chúng tôi mới có thể chiêm ngưỡng cảnh "ông mặt trời ăn bà mặt trăng" (ngôn ngữ riêng của con nít chúng tôi) vào năm 1996. Mỗi dịp Trung Thu về là đứa nào cũng xúng xính trong quần áo mới, trên tay lúc nào cũng khư khư cái đèn lồng trông thật bắt mắt. Thế rồi cả nhóm lê la vào một xó xỉnh nào đó thật tối để "trình diễn thời trang". Đứa nào cũng muốn khoe cái đèn của mình sáng hơn và đẹp hơn đứa kia. Thành thử ra là có chuyện, cái khu nhà nhỏ bé lại phải một phen ầm ĩ cả lên vì tiếng la hét của bọn trẻ.
Cãi nhau chán, cả bọn nhất trí đi ăn trộm trứng cá ở khu hành chính bên kia đường. Băng trộm nhí chúng tôi mon men lẻn vào giữa sân, lấm lét nhìn nhau, nháy mắt một cái, rồi lần lượt "tuồn" lên cây trứng cá. Ăn trộm hay ăn vụng cũng thế, lúc nào mà chả ngon. Cả bọn tấm tắc khen mãi rồi bàn tán sôi nổi về một câu chuyện ma nào đó, quên khuấy ánh đèn pin của bác bảo vệ le lói đằng xa đang lù lù tiến tới.
Một đứa la lên "Á!", một đứa khác nấc lên vì sợ hãi, mấy đứa còn lại quýnh cả lên. Thế rồi cả bọn chạy "tốc hành" về nhà. Cả đám con nít chen nhau chạy như những vận động viên điền kinh kỳ cựu đang chạy nước rút. Kể từ đó, có cho tiền chúng tôi cũng chẳng dám bén mảng tới nơi đó một lần nữa vì có đứa nghe đồn rằng ông bảo vệ hay "ăn thịt" con nít ghê lắm!
Còn nhớ một lần cả đám xúm lại chơi đồ hàng, nấu cơm, đóng kịch, bị ba mẹ lôi về đánh một trận thật đau vì suýt nữa "nấu" luôn cả cái kho chứa đồ công cộng đã cũ. Năm 1999, khu hành chính bị giải thể, một nỗi lo lắng bao trùm lên cái khu nhà nhỏ. Người lớn đau đầu tìm nơi ở mới. Trẻ con cũng không còn vui vẻ như trước nữa. Mặt đứa nào cũng buồn thiu. Chúng tôi sắp phải nói lời chia tay với cái sân nhỏ xấu xí và con đường mòn có những khóm hoa dại hằng ngày chúng tôi vẫn tung tăng đến trường. Người ta sẽ xây một khu hành chính mới thay cho cái cũ ngay trên cái sân này, con đường này. "Quê hương" của chúng tôi sẽ không còn nữa...
Khóc ư? Tôi chưa đủ hiểu biết để khóc. Tôi thẫn thờ ngước lên nhìn dãy nhà cao tầng sắp bị đập nát. Tôi rướn cái cổ đen sạm vì nắng của mình lên nhìn bầu trời. Bầu trời trên đầu một đứa nhóc 6 tuổi vẫn xanh ngắt và nắng vẫn ấp ủ dãy nhà rêu phong kia. Không biết rằng tôi có còn được ngắm bầu trời trong xanh và say sưa ca hát với lũ bạn nữa hay không?
Những ngày còn lại, tôi chỉ lủi thủi trong nhà, chong mắt nhìn theo từng đứa bạn cùng gia đình rời bỏ cái sân nhỏ bé để đến nơi ở mới. Tôi cũng sắp phải đi rồi. Tôi đi thăm những khóm hoa dại bên đường, thăm cái sân thượng của khu hành chính cũ - nơi mà tôi vẫn hay lén mẹ trèo lên hóng gió một mình, thăm cả những chú thằn lằn bò
trên tường mỗi tối...
"Đi mau con ơi" - tiếng ba gọi khiến tôi "ba chân bốn cẳng" chạy về nhà, bỏ quên quyển tập còn đang vẽ dang dở trên nền đất. Quyển tập vẫn mở và trên tờ giấy trắng còn lấm lem vết bùn đất là đám con nít chúng tôi đang tươi cười hớn hở và cái sân nhỏ xíu vẫn chưa được tô màu...
Tạm biệt nhé, "quê hương" của tôi...