![]() |
Tiêm insulin là bắt buộc với người bị tiểu đường type 1. |
Chị bị tiểu đường đã 7-8 năm, được theo dõi ngoại trú sau một thời gian dài điều trị tại bệnh viện. Khoảng nửa tháng trước khi mất, chị không dùng insulin theo đơn của bác sĩ. Nguyên nhân là một số người bạn khuyên rằng bệnh của Hạnh không nhất thiết phải dùng thuốc, chỉ cần nhịn ăn là khỏi. Và chị đã làm theo.
Đến khi cơ thể suy kiệt, chị Hạnh được đưa vào bệnh viện thì đã muộn. Bác sĩ nói chị đã bị tổn thương rất nhiều cơ quan nội tạng, không thể nào cứu chữa được nữa.
Bác sĩ Kim Loan, Bệnh viện E Hà Nội, cho biết, tiểu đường hiện rất phổ biến và ngày càng tăng, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Rất nhiều thanh niên nhầm tưởng bệnh chỉ có ở người già hoặc béo phì, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Đã có không ít thanh niên trên dưới 20 đã chết vì bệnh này.
Tiểu đường được chia thành hai nhóm: Ở tuýp 1, cơ thể thiếu hoàn toàn insulin nên bắt buộc phải đưa thuốc từ ngoài vào cơ thể một cách thường xuyên. Những người trẻ tuổi rất hay mắc type 1; bệnh tiến triển nặng, cần được theo dõi chặt chẽ. Bệnh của chị Hạnh thuộc nhóm này. Do ngừng thuốc nên chị không tránh khỏi tử vong.
Ở bệnh tiểu đường type 2, cơ thể thiếu hụt insulin một cách tương đối. Các sĩ có thể kê một số loại thuốc uống để kích thích tuyến tụy tiết ra insulin tùy theo nhu cầu của cơ thể.
Bệnh nhân tiểu đường tử vong nhanh và đột ngột có thể do đường huyết quá cao (do không dùng thuốc hoặc không kiểm soát chế độ ăn) hoặc do đường huyết quá thấp (do nhịn đói hay dùng thuốc quá liều), hoặc do biến chứng nặng làm tổn thương nhiều cơ quan nội tạng.
Bệnh tiểu đường không phải là vô phương cứu chữa. Có rất nhiều người bị bệnh vài chục năm vẫn làm việc và khỏe mạnh. Do vậy, người tiểu đường muốn "sống chung với bệnh", cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dùng thuốc và ăn uống mà bác sĩ quy định.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.
(Theo Tiền Phong)