Nhiều uyên ương có nhà xa nhau, hoặc gia đình bận rộn thường chọn tổ chức gộp lễ ăn hỏi và đón dâu vào cùng một ngày. Đây là cách thức tiết kiệm thời gian cũng như chi phí cho cô dâu chú rể. Trong ngày này, gia đình chú rể sẽ chuẩn bị cả mâm tráp với lễ vật để làm lễ ăn hỏi và khay trầu cau để làm thủ tục xin dâu.
Tuy nhiên, vì nghi lễ gộp chung vào một ngày nên nhiều gia đình băn khoăn không biết chia lễ ăn hỏi (mâm tráp) như thế nào. Độc giả Thanh Hường gửi thắc mắc về vấn đề này tới Ngoisao.net: "Tôi sắp tổ chức đám cưới vào tháng 12 âm lịch sắp tới, dự định sẽ gộp lễ ăn hỏi và lễ đón dâu vào cùng một ngày. Nhưng bố mẹ tôi (nhà gái) không biết phải chia lễ ăn hỏi cho mọi người thế nào. Vì thông thường, lễ ăn hỏi xong, nhà gái mới đi đưa thiệp mời kèm theo quà ăn hỏi. Bây giờ gộp vào một ngày thì nên làm thế nào, các tráp quả đó cũng không thể bỏ đi được vì như thế không hay".
Chia sẻ của bạn cũng là thắc mắc của nhiều người. Mỗi mâm tráp thường có khoảng 100 lễ vật và có khoảng 5-7 tráp (đối với lễ cưới miền Bắc) và 6-8 tráp (đối với lễ cưới miền Nam) vì vậy số lượng lễ vật khá lớn. Nhà gái vẫn chia đồ lại quả cho nhà trai như đám hỏi bình thường, nhưng nên tăng số lượng nhiều hơn.
Với số lễ vật còn lại, sau khi lại quả, nhà gái chia lễ thành từng túi nhỏ, gửi tới những người đến tham dự nghi lễ tại nhà và hàng xóm xung quanh. Việc chia lễ này cần diễn ra nhanh chóng vì thời gian gấp rút, nên cô dâu cần phân công việc cho những người thân từ trước để mọi việc diễn ra suôn sẻ nhất.
Nếu tổ chức tiệc cưới riêng, gia đình nhà gái nên dành lễ vật làm quà cảm ơn tới những người họ hàng. Nếu tổ chức tiệc chung với nhà trai, nhà gái có thể gửi lễ vật cảm ơn tới những người thân khi tiệc cưới kết thúc.
Linh Linh