Khi tôi được 2 tuổi, bố mẹ chia tay nhau. Cuộc sống ở Sài Gòn lúc ấy đã túng thiếu lại càng cơ cực hơn khi thiếu đi người đàn ông trụ cột của gia đình. Mẹ làm đủ thứ việc để nuôi hai anh em tôi và bà ngoại đã già yếu.
Mấy năm sau, mẹ đi thêm bước nữa. Ngặt nỗi, nhà dượng cũng nghèo, thế nên lấy nhau được một thời gian thì hai ông bà quyết định khăn gói về quê dượng ở Tiền Giang để sinh sống. Tôi đã trải qua những ngày tháng tuổi thơ của mình ở mảnh đất này.
Những tưởng ngày tháng bình yên sẽ đến nhưng dường như điều rủi vẫn cứ vận vào gia đình tôi. Ba kế mất trong một tai nạn giao thông. Mẹ tôi hoàn toàn suy sụp sau biến cố này.
Quyền Linh (thứ 2 từ phải sang) những ngày đầu khởi nghiệp. |
Tôi - người anh cả trong gia đình, một thằng nhóc mới 7 tuổi đầu đã phải ngày ngày ra đồng nhổ cỏ, cắt lúa phụ mẹ. Đối với tôi, không màu gì đẹp bằng màu xanh của lúa, của những cánh đồng, thứ màu mà bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy nao nao.
Gia đình tôi lâm vào tình cảnh bần cố nông. Cả nhà sống chen chúc trong một căn chòi nhỏ, mẹ thường nói vui là “khách sạn ngàn sao”. Mùa mưa thật sự là một nỗi ám ảnh lớn đối với chúng tôi bởi tất cả thau chậu trong nhà không đủ để hứng nước, thế là nước chảy lênh láng ra nhà.
Rồi nước lũ lên, mấy giàn bầu mướp chết rũ trong nước, cả nhà tôi phải ăn khoai lang, mì thay cơm. Bộ ván duy nhất trong nhà, vừa là nơi ăn uống, vừa là chỗ ngả lưng của cả nhà lúc ấy. Để cải thiện bữa ăn cho gia đình, sau giờ học tôi băng đồng tìm đến những nơi không bị ngập để mót lúa. Và chúng tôi sống qua mùa lũ.
Sau mùa lũ, nhà nghèo quá, mẹ bắt tôi phải nghỉ học. Tôi phải năn nỉ mẹ để tôi được tiếp tục đến trường. Thế là ngoài việc làm đồng, tôi kiêm thêm việc làm bánh tằm, bánh đúc, nấu xôi để bán. 4h sáng, tôi đã lục đục thức dậy mài mì làm bánh.
Trời vừa hửng, thằng tôi vác cái thúng lê la từ đầu trên xóm dưới, đôi khi còn vô tận trường học. Thời gian đầu, nhìn ánh mắt ái ngại của bạn bè, tôi đã đôi lần muốn thoái lui nhưng nghĩ đến việc nhà mình có thêm tiền để trang trải, mình được tiếp tục đi học, tôi lại gạt cảm giác ngại ngùng sang một bên.
Nhà tôi cách trường khoảng 6 cây số. Ai cũng nghĩ là xa nhưng đối với một đứa ham học như tôi thì khoảng cách đấy chẳng là gì. Ngày ngày, tôi hăm hở vượt qua từng ấy quãng đường bằng... đôi chân của mình. Hai từ “xe đạp” là một cái gì đấy rất xa vời trong ý nghĩ của tôi và gia đình tôi lúc ấy. Ngay cả việc sắm đồ mới cũng là cả là một vấn đề. Tôi chỉ có hai bộ đồ để đi học. Vì thế, tôi rất sợ mình lớn nhanh.
Tôi lên cấp 3. Quãng đường đi học dài gấp đôi quãng đường cũ. Mẹ thở dài ngao ngán rồi một lần nữa lại bảo tôi nghỉ học. Tôi khóc. Và mẹ lại nhượng bộ. Nghỉ hè, tôi xin vào làm ở một nhà máy chà lúa, nhiệm vụ của tôi là vác lúa từ xuồng lên. Những bao lúa nặng trịch, quá sức đối với một thằng nhóc ốm yếu như tôi, nhưng tôi vượt qua được, không biết bằng cách nào.
Được đi học, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là phải quá giang xe một ai đó. Thế là sáng sớm, tôi chịu khó lội bộ ra đường lớn đứng chờ để bạn bè đến đón. Nhưng đi ké riết cũng ngại, tôi nghĩ cách đi đường tắt.
Nhưng đi đường tắt thì phải qua đò, mà tôi thì không có nhiều tiền, thế là mỗi lần đi học tôi mang theo một cái quần tà lỏn, mỗi lần đến bến đò lại nấp vào gốc cây, thay quần áo đi học ra và để vào bao ni lông chung với tập vở cho khỏi ướt, rồi cứ thế mà bơi qua sông. Và tôi bơi đến hết lớp 12.
Cũng như bao đứa trẻ trong xóm, mỗi lần có đoàn gánh hát về là tôi lại nôn nao không chịu được. Không có tiền, năn nỉ mấy người soát vé không được, tôi và bọn bạn tìm cách chui lỗ chó để vào.
Sau người ta biết, bịt mất cái lỗ chó, tôi nhanh chóng nghĩ ra một kế khác. Đi học, tôi tranh thủ mang theo một bó đuốc để tối về; tan học, thay vì ra về, tôi cố thủ trong toa lét (gánh hát diễn ở trường). Bị động, tôi lại leo lên cây mận gần đó để trốn. May mắn sau, tất cả các phi vụ của tôi đều trót lọt.
Ngoài gánh hát, tôi còn nghiện ti vi. Tối nào tôi cũng đốt đuốc đi bộ mấy cây số sang nhà hàng xóm để xem đến tối mịt mới chịu về. Chỉ là đứng ngoài ngó vào, lại bị muỗi đốt liên hồi nhưng hầu như tôi chẳng bỏ sót chương trình nào.
Xem kịch, tôi nắm bắt rất nhanh, thế nên mỗi lần trường có đợt diễn văn nghệ, tôi lại đứng ra viết kịch bản, kiêm luôn phần đạo diễn cho bạn bè mình. Tôi nhớ vở kịch đầu tiên Ngao, sò, ốc, hến được thầy cô đánh giá cao. Tôi thường được bầu làm lớp phó văn thể là vì thế.
Lần nọ, tỉnh xuống trường tôi tuyển thí sinh thi văn nghệ. Thầy cô, bạn bè xúi giục mãi, tôi cũng đăng ký tham gia cho vui chứ chẳng biết mình sẽ phải thi gì. Họ bảo tôi hát thì tôi hát, bảo tôi múa thì tôi múa, bảo tôi diễn kịch tôi cũng diễn. Vài ngày sau, họ thông báo tôi trúng tuyển và trường cho tôi đi học.
Lần này, tôi học tập trung ở tỉnh những 2 tuần. Mẹ phản đối quyết liệt chuyến đi của tôi. Nếu không có bà nội (mẹ của dượng) nói vào, tôi nghĩ có lẽ sẽ chẳng có một Quyền Linh ngày hôm nay. Bà là nghệ sĩ đàn tranh giỏi, cả dòng họ chỉ mỗi bà theo nghệ thuật, và có lẽ vì thế mà bà hiểu niềm đam mê của tôi. Ngay lúc ấy và cả bây giờ, tôi vẫn biết ơn bà vì điều đó.
Chúng tôi được học ca múa nhạc, diễn kịch cấp tốc trong 2 tuần. Mãi đến sau này tôi mới được biết đấy là khóa đào tạo cấp tốc lên trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (trường CĐ Sân khấu Điện ảnh bây giờ). Sau ấy, một đoàn nghệ sĩ từ thành phố xuống tỉnh, bảo là tuyển sinh viên. Tôi còn nhớ rất rõ trong đoàn có chú Huy Thống, Hữu Luân và Mai Thanh Dung - những văn nghệ sĩ mà tôi rất ngưỡng mộ.
Tôi không biết họ có đánh giá cao bài thi của tôi hay không nhưng sau đợt tuyển, tôi thường mơ về trường sân khấu đẹp đẽ, thành phố hoa lệ, mơ một ngày nào đó sẽ được đóng chung với những nghệ sĩ mà mình yêu thích. Nhưng ba tháng hè đã qua mà tôi chẳng nhận được bất kỳ thông báo nào...
Diễn viên Quyền Linh
(Theo Mực Tím)