Cơm chiên, hoành thánh mì và... màu đỏ
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống lâu đời. Xóm tôi ở là một khu phố cổ nằm trong khu Chợ Lớn. Đầu hẻm lúc nào cũng có mấy xe bán hàng túc trực, nào là bột chiên, cơm chiên, hủ tiếu xào, hoành thánh mì, quán lẩu. Mấy đứa con nít trong xóm vui chơi đã đời xong, đói thì chạy ra đầu hẻm mua đồ ăn. Những món lúc nào cũng thơm ngào ngạt...
Khu phố của tôi đa phần là người Hoa, mỗi gia đình là một cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ. Nhà tôi cũng vậy, cũng sản xuất hàng và đóng gói giao cho người ta. Tôi ít khi phải “động tay chân” đến công việc của gia đình, tất cả đã có các anh chị công nhân đảm nhận. Tôi chỉ lo học, và học cho thật tốt, thế là đủ.
![]() |
Lương Bích Hữu với nụ cười tươi trong sáng. |
Từ nhỏ tôi đã ấn tượng với màu đỏ - cái màu không thể thiếu trong các dịp lễ Tết. Tôi còn nhớ cứ Tết đến, toàn khu phố cứ như bị nhuộm đỏ bởi các câu liễn, câu đối Tết và những chiếc đèn lồng. Tôi thích chạy vòng vòng xóm, nhìn những câu đối và hình hai đứa bé trai, bé gái dán trước cửa mỗi nhà rồi tự so sánh xem hình nào đẹp hơn. Màu đỏ là màu may mắn mà, tôi cho là vậy!
Gia đình tôi ngoài ba ra hầu như chỉ toàn... phụ nữ. Mẹ và năm cô con gái (mọi người hay chọc chúng tôi là “Ngũ Long Công Chúa”): Bích Chi, Bích Thy, Bích Ngọc, Bích Hữu và Bích Quân. Ba người chị lớn thì ở một phòng, tôi và cô em út ở riêng một phòng. Nhỏ em út coi vậy sợ chị Hai lắm, mỗi lần tôi đi chơi về không chịu thay đồ mà nằm dài trên giường thì nó lại nhắc: “Hữu thay đồ ra đi, chị Hai thấy là la đó!”, thế là tôi phải đứng lên thay đồ. Nề nếp gia đình tôi được xây dựng trên tình thương và sự kính trọng của mọi người trong nhà.
Ba tôi là một người vui tính, thậm chí khá dễ chịu nhưng không hiểu sao tôi lại sợ ba nhất nhà. Ba ít khi nào dạy chúng tôi phải làm thế này, phải làm thế kia mà ba hay đem một câu chuyện cổ Trung Hoa ra kể. Ở đó có người tốt, có kẻ xấu, và y như rằng sau mỗi câu chuyện là một bài học ba muốn chúng tôi làm theo. Những bài học sinh động ấy theo tôi suốt tuổi thơ ấu, trên cả những đoạn đường mà ba hay đưa tôi đi học...
Tôi có thể vẽ ở bất cứ nơi đâu
Tôi rất thích đọc truyện tranh, có lẽ vậy nên tôi cũng thích cầm bút chì để vẽ ra những bức tranh cho riêng mình. Ban đầu chỉ là những bức tranh bắt chước trong truyện, rồi đến những đĩa trái cây, bình hoa và chân dung của từng người trong nhà. Tôi vẽ rất nhanh, thậm chí ở đâu tôi cũng vẽ được miễn sao có một cây viết chì và một tờ giấy trắng. Những bức tranh của tôi để đầy nhà, có bức được tôi lồng kính, có nhiều bức xếp thành chồng để đầy trong rương.
Tôi còn nhớ mãi lần đầu tiên được mặc áo dài đi học, tôi đã cất công ngồi trước gương và tự họa chân dung của mình. Bức tranh ấy có thể không được đẹp, nhưng với tôi đó là một kỷ niệm đáng quý: tôi bắt đầu trưởng thành...
Nếu hỏi tôi thích khoảnh khắc nào nhất thì đó là những lúc tôi được quây quần bên gia đình. Những dịp như Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu bao giờ gia đình tôi cũng phải có món bánh trôi nước. Theo quan niệm của người Hoa, hình tròn của bánh trôi nước tượng trưng cho việc gia đình đoàn tụ vui vẻ, và tôi thì chỉ việc “măm măm” món bánh “vui vẻ” ấy, còn chuyện chế biến đã có mấy chị và mẹ tôi làm rồi (tôi mà làm chắc hổng ai ăn). Hic!
Bảy tiên nữ và nhóm múa ngẫu nhiên
Trong năm chị em thì tôi chơi thân với chị Bích Ngọc nhất, có lẽ chị hợp tính và biết nhiều hơn tôi. Tôi và chị Ngọc học chung trường, hai chị em thường đi về cùng nhau và ngày nào tôi cũng có chuyện kể cho chị nghe. Không chỉ vậy, tôi và chị Ngọc còn lập ra nhóm “Bảy tiên nữ” (cùng 5 cô bạn cùng xóm), đi đâu cũng đi cả hội. Tôi nhớ nhất là lần đi chơi ở Saigon Water Park, cả ngày tung tăng bơi lội chán chê không sao, khi vừa ra cổng về thì “tiên” nào “tiên” nấy xây xẩm mặt mày mém té. Chậc, đồng cảm đến thế là cùng!
Từ bé tôi đã rất yêu nhạc và thích trình diễn, bất cứ chương trình văn nghệ nào của phường, trường, quận tôi đều đăng ký. Tôi thích nhất là cùng các bạn trong xóm tham gia vào chiến dịch làm xanh phố phường, vừa ý nghĩa và vừa vui nữa chứ.
Hồi đó có một cuộc thi của quận diễn ra mà thành phần tham dự là các trường học người Hoa của quận 5. Tôi và 7 bạn nữa được cử đi dự thi tiết mục... múa. Trước khi thi, cả bọn phải đem theo máy nghe nhạc vào trường, canh lúc vắng người mới lôi ra để tập những động tác (do mỗi đứa tự “chế”). Đến chủ nhật thì chúng tôi lại vào nhà thờ xem mấy anh chị trong ca đoàn hát, múa để học hỏi kinh nghiệm. Trong con mắt của 8 cô bé lúc ấy, những gì chúng tôi tự “dựng” được thật là... vĩ đại.
Rồi ngày thi cũng đến. Chúng tôi ra sân khấu trình diễn tiết mục Cô gái Bích Lan Hương - một ca khúc dân ca Trung Quốc. Tim tôi đập thình thịch, chân líu ríu chạy tới chạy lui. Khi phần thi kết thúc, tôi nghĩ tôi đã bỏ được một cục đá đeo từ nãy giờ.
Giờ phút công bố giải thưởng. Trời, chúng tôi được giải nhất toàn quận. Tim đứa nào đứa nấy muốn nổ tung vì sung sướng. Một thày trong Ban giám khảo cuộc thi đến gần và hỏi chúng tôi về tiết mục đó. Khi biết đó là tiết mục tự dàn dựng thì thầy quyết định nhận cả 8 đứa về Nhà Thiếu nhi quận 5 để dạy dỗ. Năm đó tôi 12 tuổi...
Lương Bích Hữu
(Theo Mực Tím)
* Còn tiếp...