Trong đám cưới, cô dâu chú rể phát biểu vài câu ngắn gọn sẽ đem lại cảm giác thân tình và gây được thiện cảm với khách mời. Ảnh: WP. |
Với tư cách là chủ nhân và là nhân vật chính, cô dâu chú rể sẽ không tránh khỏi việc phải phát biểu trong lễ cưới, chia sẻ cảm xúc hay nói lời cảm ơn với khách mời. Nhiều đôi uyên ương thường cảm thấy lo lắng và bối rối khi nói trước đám đông, nhưng nếu chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn sẽ không còn cảm thấy việc phát biểu trở thành khó khăn lớn.
1. Chuẩn bị trước bài phát biểu
Dù phát biểu trong đám hỏi, hôn lễ hay tiệc cưới, cô dâu chú rể cũng nên ghi ra giấy trước những lời cần nói. Khi chuẩn bị bài phát biểu, đôi uyên ương nên ghi nhớ, bài phát biểu cần ngắn gọn, lời văn đơn giản, xúc tích vì khi nói những câu ngắn, bạn sẽ không bị vấp, không nhầm lẫn.
Bài phát biểu nên là những suy nghĩ chân thành, gần gũi, không cần trang trọng hay "đao to búa lớn", cũng không cần phải là bài phát biểu đúc kết kinh nghiệm trong quá trình tổ chức lễ cưới, quan trọng là cô dâu chú rể đang nói lên những suy nghĩ, cảm xúc của người. Một bài phát biểu phù hợp chỉ nên kéo dài không quá 3 phút để các vị khách chú ý tập trung và lắng nghe những điều chia sẻ của bạn.
2. Luyện tập trước ngày trọng đại
Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi khi phát biểu trước đám đông là bạn nên luyện tập thường xuyên. Đầu tiên, bạn nên đứng trước gương, tập một mình để không cảm thấy e ngại. Tiếp đến, bạn nên thực hành bài phát biểu trước những người thân thiết trong gia đình hoặc bạn bè, sau đó tăng dần số người nghe lên để tạo cảm giác như mình đang nói trước đám đông thực sự. Với việc thực hành nhiều lần, bạn sẽ thuộc bài phát biểu và thấy tự tin hơn.
3. Điều chỉnh cách nói tùy theo tính chất đám cưới
Với đám cưới truyền thống: Khi cần phát biểu trong lễ cưới truyền thống, gồm nhiều vị khách lớn tuổi, cô dâu chú rể nên sử dụng tông giọng lớn, rõ ràng và nói ngắn gọn để thể hiện niềm vui của mình. Khi bị vấp hay cảm thấy ngập ngừng, bạn nên dừng lại vài giây, hít thở thật sau và lấy lại bình tĩnh, tiếp tục những lời phát biểu của mình.
Với đám cưới thân mật dành cho bạn bè: Trong đám cưới này, cô dâu chú rể sẽ có nhiều không gian thoải mái để thể hiện cảm xúc, vì vậy bài phát biểu cũng linh hoạt, dễ dàng hơn. Đôi uyên ương nên coi những lời phát biểu như những lời kể chuyện mà mình chia sẻ cùng bạn bè, trong đó bạn có thể thêm những lời vui đùa thân thiện hay có thể ngại ngùng, ngượng ngập.
4. Tưởng tượng như đang phát biểu ở chỗ không người
Đây được coi như cách cổ điển nhất để lấy lại sự tự tin khi phát biểu nhưng cũng là cách hiệu quả đối với nhiều người. Khi cần chia sẻ cảm xúc trước những vị khách, cô dâu chú rể không nên tập trung sự chú ý vào một ai cụ thể mà có thể nhìn vào khoảng không, tưởng tượng ra người bạn đời và nghĩ rằng mình đang trò chuyện với vị hôn thê hoặc hôn phu của mình.
5. Cầm giấy phát biểu
Nếu sau nhiều ngày luyện tập, cô dâu chú rể vẫn chưa cảm thấy hoàn toàn thoải mái, tự tin thì hai người nên viết sẵn những điều cần nói ra một tờ giấy nhỏ và cầm theo để đọc trong tiệc cưới. Khi đọc lời phát biểu, bạn nên đọc chậm để cân bằng cảm xúc và lấy lại bình tĩnh.
Linh Phạm