Chuyện tình của bà Phan Thị Hoa (sinh năm 1970) và ông Trần Văn Đức (sinh năm 1955) trú ở xóm 5, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, khiến nhiều người cảm động. Không những vậy, việc người đàn bà này cần mẫn, cày cuốc nuôi đàn con của chồng càng khiến người ta cảm phục. Nói về cuộc đời mình, bà Hoa trầm tư cho biết: “Tôi cũng bất hạnh từ bé, mẹ mất sớm bố nuôi chị em tôi khôn lớn. Từ bé tôi đã thiếu thốn tình cảm của mẹ nên giờ thấy hoàn cảnh nào giống mình là tôi thương đến trào nước mắt”.
Cũng chính vì lòng bao dung đó, bà Hoa đã chấp nhận làm vợ hai của ông Đức khi người đàn ông này mất vợ, một mình nuôi 8 người con. Vợ ông Đức mất vào năm 2000 do bị tai biến khi người con út mới sinh được 2 tháng. Vợ qua đời, các con còn thơ dại, ông Đức ở vậy nuôi các con. Khổ nỗi, một mình ông lao động nuôi 8 miệng ăn không đủ nên cuộc sống càng chật vật.
Suốt 6 năm trời, 9 con người chui rúc trong căn lều nát, cơm bữa có bữa không. Các con lớn lên thiếu thốn tình thương của người mẹ nên ông Đức quyết định đi bước nữa để tìm mẹ cho con của mình. Qua sự mai mối của người quen, ông Đức gặp bà Hoa. Khi đó, bà Hoa đã 36 tuổi, chưa chồng. Nhan sắc hạn chế nên bà Hoa chưa từng mơ về mái ấm cho riêng mình.
“Ngày ông Đức lên chơi nhà, tôi bất ngờ lắm. Ông ấy nhìn hiền lành, mình thấy thương nên cũng xuôi xuôi. Khi biết ông ấy có 8 người con, tôi bật khóc. Tôi khóc không phải vì sợ phải làm mẹ chừng ấy đứa con mà tôi khóc vì thương các cháu mất mẹ sớm quá. Nhiều người biết hoàn cảnh của ông Đức đều khuyên tôi thà ở vậy chứ về nhà đó làm gì cho khổ. Tôi nghe, tôi hiểu ý mọi người chứ nhưng tôi cũng là người mất mẹ, tôi hiểu nỗi đau này nên tôi muốn bù đắp cho các cháu”, bà Hoa giãi bày.
Năm 2006, bà Hoa chính thức về làm vợ ông Đức. “Ngày cưới, tôi chẳng có gì để làm cỗ cả. Tất cả mọi thứ đều từ nhà bà ấy đưa xuống. Đón dâu về mà mái nhà còn chưa có mà ở, lúc đó chỉ là mái nhà tranh rách nát”, ông Đức ngậm ngùi. Cưới nhau về, ông Đức được người thân cho mảnh đất ở nông trường chè xã Thanh Mai nên cả hai vợ chồng về đây sống.
Bắt đầu từ bàn tay trắng, họ cứ thế cần mẫn chăm đàn con nhỏ của chồng. Ban đầu, các con của ông Đức không mấy thiện cảm với bà Hoa bởi chúng sợ mẹ ghẻ khi nào biết thương con chồng. Không giải thích, cũng chẳng phân bua, bà Hoa cứ lầm lũi làm việc và chăm lo các các con của chồng. Dần dần, cảm nhận được tình thương nơi người mẹ kế này, 8 người con riêng của chồng cảm mến và coi bà Hoa là người mẹ thứ 2 của mình.
Cưới nhau về một năm thì bà Hoa sinh được người con trai là cháu Trần Quang Huy. Ngày sinh con ở bệnh viện xong, bà đã khẩn khoản xin bác sĩ cho đình sản. Qua hỏi han câu chuyện, biết bà Hoa mới có một đứa con, các bác sĩ không đồng ý. Lúc này, bà Hoa xin được tiến hành thủ thuật bởi bà muốn được tận tâm chăm nom các con của chồng. Bà Hoa chia sẻ: “Làm mẹ thì ai không muốn, tôi cũng có khao khát có được đàn con của mình chứ. Nhưng nhìn đàn con của ông ấy ở nhà tôi lại càng thương hơn. Con thì đứa nào cũng như nhau. Con ông ấy cũng là con của mình”.
Từ đó, bà Hoa cần mẫn làm lụng. Những lần đứng nắng tận trưa để hái chè hay đi khắp nơi làm thuê cuốc mướn cũng không làm cho kinh tế gia đình khá lên chút nào. 45 tuổi, bà Hoa chỉ nặng 37 kg. Vóc người nhỏ bé, nhưng bà đã cùng chồng lo cho các con cưới vợ, gả chồng đàng hoàng. “Ngày bà ấy về, các con còn nhỏ. Cũng chính bà ấy đã đứng ra hỏi vợ, gả chồng cho các con như người mẹ thực sự. Nhờ bà ấy mà cha con tôi có được như ngày hôm nay”, ông Đức tâm sự.
Đến nay, 4 người con gái của ông Đức đã lấy chồng cũng nhờ một tay bà Hoa lo toan. Thay vì sự ngần ngại như trước kia, giờ đây các con của ông Đức yêu thương, kính trọng bà Hoa như mẹ đẻ của mình.
Chị Trần Thị Thịnh (sinh năm 1988) - con gái ông Đức - chia sẻ: “Mẹ mất, chị em tôi nghĩ chẳng ai thay thế được mẹ mình đâu. Nhưng rồi, mẹ Hoa về chị em tôi sợ, sợ mẹ ghét bỏ bởi người ta nói: 'Đời nào bánh đúc có xương, đời nào mẹ ghẻ lại thương con chồng'. Vậy mà, mẹ thương chúng tôi thật, không ruột rà gì nhưng mẹ tận tâm chăm lo. Chúng tôi rất biết ơn mẹ, mẹ chính là người mẹ thứ hai của chị em tôi”.
Cuộc sống êm đềm, dần dà vợ chồng ông Đức cũng xây cho mình được căn nhà khá khang trang. Niềm vui chưa trọn vẹn thì em Trần Văn Thắng (sinh năm 1997) con trai thứ 7 của ông Đức bị bệnh ung thư xương. Thắng học hết lớp 9 thì xin bố mẹ nghỉ học vào nam làm ăn. Những năm tháng xa nhà, cậu bé thường gọi điện về tâm sự với mẹ. Đến năm 2014, Thắng thấy mình cứ đau mỏi chân nên đi khám.
Kết luận của bệnh viện cho thấy em bị bệnh ung thư xương. Bà Hoa biết bệnh tình của con đã gọi em về rồi vay mượn hàng xóm đưa Thắng ra Hà Nội chữa trị. Gần một năm trời, bà Hoa luôn ở bên cạnh chăm sóc cho Thắng. “Nhiều lần truyền hóa chất đau, Thắng không ăn không uống được mà tôi xót hết cả ruột. Nó là đứa tình cảm, có chuyện gì cũng tâm sự với mẹ hết, giờ con bị bệnh thế này tôi chỉ mong ông trời cho mình gánh hộ con”, bà Hoa gạt nước mắt giãi bày.
Sau một thời gian điều trị, bệnh tình của Thắng cũng ổn định. Bà Hoa lại tức tốc về nhà để giúp chồng làm ruộng và chăm các con. Trong mấy người con của ông Đức thì có cô con gái đầu bị câm, điếc bẩm sinh. Gần 10 năm qua, tình yêu thương dần được đong đầy theo năm tháng. Đến nay, các con riêng của chồng đều thương yêu và kính trọng gọi bà Hoa là mẹ.
Hàng xóm, láng giềng cảm phục tấm lòng của người phụ nữ như bà Hoa. Ông Trần Quốc Dũng, chủ tịch công đoàn đội 1, Xí nghiệp chè Thanh Mai cho biết: “Gia đình ông Đức, bà Hoa rất khó khăn. Nhiều năm liền họ là hộ nghèo của xã vì đông con. Đến nay, cuộc sống cũng đã đỡ phần nào. Ở địa phương, bà Hoa nổi tiếng là người nhân từ, hiền hậu. Bao nhiêu năm ở đây, bà ấy được hàng xóm, láng giềng yêu mến”.
Là sự lựa chọn lần hai nhưng ông Đức hoàn toàn mãn nguyện, người đàn ông này hết lời cảm ơn vợ của mình. “Sự có mặt của bà ấy đã thay đổi cuộc sống của cha con tôi. Tôi biết ơn bà ấy rất nhiều”, ông Đức vui vẻ cho biết.
Theo An Ninh Thủ Đô