Hôm 8/3, sau ba tháng ly hôn chồng cũ Uông Tiểu Phi, Từ Hy Viên xác nhận kết hôn với DJ Koo. DJ Hàn Quốc 53 tuổi là mối tình đầu của cô. Họ chỉ yêu nhau một năm và đã không gặp nhau suốt 20 năm, kể từ lúc chia tay. Ngay sau khi nghe tin Từ Hy Viên ly hôn, DJ Koo chủ động liên lạc với cô theo số điện thoại cũ sau 20 năm chia tay. Việc chỉ yêu qua điện thoại sau khi nối lại quan hệ và đi đến hôn nhân chóng vánh của cặp sao trở thành đề tài gây chú ý. Thậm chí, từ khóa "Đừng xóa số điện thoại người yêu cũ" cũng trở thành chủ đề tìm kiếm hot, được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội xứ Trung - Weibo.
Dựa theo chủ đề này trên Weibo, nhiều người dùng chia sẻ các câu chuyện của chính mình. Có người giống DJ Koo giữ số tình cũ, một bộ phận khác thì không:
- "Tôi không những không xóa số điện thoại người yêu cũ mà còn thường xuyên chat trên Wechat, kể cả điện thoại".
- "Tôi là người thay đổi số điện thoại thường xuyên nên kể cả người cũ muốn liên lạc cũng không được".
- "Nếu bạn trai cũ vứt bỏ tôi, tôi sẽ hận anh ta. Vì vậy, tại sao tôi phải giữ số điện thoại của anh ta trong máy làm gì? Nếu tôi chia tay, chứng tỏ anh ta phải có một khía cạnh nào đó tôi không chịu đựng được, vậy tôi giữ số anh ta làm gì? Khi chia tay, kể cả anh ta không phải kẻ thù, tôi cũng không bao giờ làm bạn với anh ta. Muốn kết thúc thì phải dứt khoát cắt đứt liên lạc".
Ngoài các ý kiến từ mạng xã hội Trung Quốc, Ngoisao.net cũng thực hiện khảo sát tới độc giả về vấn đề "Nên hay không nên xóa số điện thoại người yêu cũ?" và thu được luồng ý kiến khác nhau.
Chị Thu Trang (26 tuổi, nhân viên văn phòng), đang độc thân, nói: "Khi yêu, tôi luôn ghi nhớ hai thông tin cơ bản của người yêu: số điện thoại và ngày sinh. Vì thế, kể cả khi chia tay, tôi vẫn nhớ số của anh ta dù đã xóa số. Tuy vậy, tôi không liên lạc lại, xóa hết toàn bộ album ảnh chụp chung, các kỷ vật tình cảm. Bởi vì tôi muốn chuyện tình cảm 'nâng lên được, đặt xuống được', phải cắt đứt một cách dứt khoát, triệt để để không làm tổn thương tới những người yêu sau này của mình. Mặt khác, tôi không còn lưu luyến và có vấn đề gì để phải liên hệ lại với anh ta".
Cũng xóa số điện thoại lẫn tài khoản mạng xã hội của người yêu cũ sau chia tay, anh Thành Dương (30 tuổi, công ty truyền thông), đang độc thân, cho hay: "Tôi không giữ liên lạc bởi tôi bị phản bội, nhận thấy bản thân cũng chưa đủ tốt nên quyết định không liên quan đến nhau, dù là vấn đề nhỏ nhất". Tuy vậy, anh tôn trọng quyết định của một số người khi chia tay vẫn làm bạn, giữ số điện thoại vì họ có thể có các hoàn cảnh, lý do để còn giữ liên lạc, miễn sao không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, tình cảm riêng của nhau.
Là người xóa số tình cũ thời cấp ba sau chia tay, chị Minh Trà (30 tuổi, nhân viên văn phòng), đã kết hôn, cho biết người yêu cũ không còn ý nghĩa gì trong cuộc sống, chỉ là người dưng. "Tôi cũng không thể làm bạn bè với anh ta vì từng yêu thật lòng. Vì vậy, tôi đã xóa số liên lạc, facebook ngay khi kết thúc mối quan hệ, không để họ còn dính dáng, liên quan gì tới cuộc sống mình, cũng là tránh để chồng hiện tại cảm thấy không thoải mái", chị cho biết.
Có cách cư xử khác với những người trên, anh Kim Phạm (36 tuổi, công ty tổ chức sự kiện cưới), đã kết hôn, cho biết còn giữ số điện thoại, vẫn là bạn với người cũ trên mạng xã hội, không xóa ảnh chung, cất các kỷ vật tình yêu vào một góc. Anh nói: "Tốt xấu gì, đoạn tình cảm đó cũng chỉ là các kỷ niệm đã đi qua và là quá khứ. Tôi tôn trọng nó chứ không có ý gì khác và cũng cảm thấy không nhất thiết phải đập, xé, bỏ các kỷ vật. Tôi cũng cảm thấy không cần xóa số điện thoại người cũ bởi dù không còn là gì, cũng không hẳn là bạn nhưng có thể liên lạc nếu thật sự cần thiết hoặc vì mục đích gì đó không liên quan tới quan hệ hiện tại".
Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa phân tích việc một người giữ hay xóa số điện thoại người yêu cũ còn tùy thuộc nhiều yếu tố. "Khi mối quan hệ đổ vỡ, tùy theo nhận thức, cách nhìn nhận của mỗi người, cách ứng xử với quan hệ hậu chia tay mỗi khác. Khi kết thúc mối tình, cả hai người vẫn còn sự hận thù, đau đớn, không nguôi ngoai được sẽ khó duy trì quan hệ bạn bè. Xóa số là lựa chọn hợp lý khi cả hai không còn vấn đề gì để liên hệ. Ngược lại, nếu chia tay êm đềm, nhiều người sẽ giữ số điện thoại vì còn quan hệ bạn bè, coi chuyện tình cảm trong quá khứ là kỷ niệm đẹp nên nó không có lỗi hoặc họ vẫn cần giao tiếp với nhau trong công việc", chị nói.
Theo thạc sĩ, nếu sau chia tay, cả hai người vẫn duy trì được quan hệ bạn bè, đó là điều tốt. Tuy nhiên, thạc sĩ cũng đưa ra lời khuyên: "Khi bạn bước vào mối quan hệ mới sau chia tay, bạn cần cân nhắc về tính cách của nửa kia, xem họ có thoải mái khi bạn vẫn làm bạn với người cũ, lẫn giữ các kỷ vật sau chia tay".
"Nếu mối quan hệ tình cảm đã chấm dứt mà bạn vẫn giữ số, kỷ vật tình yêu cũ, bạn nên thông báo trước với người mới về lý do làm bạn, giữ số của tình cũ lẫn các kỷ vật tình yêu cũ. Bởi lẽ người mới sẽ phải băn khoăn, đặt câu hỏi về tình cảm bạn dành cho họ nếu phát hiện ra những điều đó mà bạn chưa nói trước. Bạn cũng cần cân nhắc tính cách của người cũ khi vẫn giữ số của họ. Nếu chẳng may người cũ say xỉn và gọi cho bạn, ghen tuông, gây khó khăn bằng cách gửi hình ảnh nhạy cảm cho bạn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ hiện tại của bạn. Nếu các kỷ niệm làm bản thân thấy đau khổ, bạn cần xử lý, giải quyết", chị cho hay.
Hằng Trần