Nguyễn Khắc Điệp, thủ phạm vụ trọng án tại phường Kim Liên, hôm nay bị TAND Hà Nội đưa ra xét xử về tội giết người, cướp tài sản. Đây được coi là vụ án điểm của thành phố bởi tính chất nghiêm trọng của sự việc.
Theo VnExpress, nạn nhân của vụ án là Nguyễn Thị Phương Anh (19 tuổi, sinh viên năm thứ 2 ĐH Mỹ thuật công nghiệp). Sáng 27/12, Điệp mua chiếc búa đinh dài khoảng 30 cm, sau đó cắt ngắn cán và đóng thêm khoảng 5 chiếc đinh vào cán búa. Bị cáo cho biết làm như vậy để búa nhỏ gọn dễ giấu trong người và khi gây án sẽ có hiệu quả cao. Cầm theo hung khí, Điệp tới gọi cửa nhà Phương Anh - cô bạn mới quen khi cùng tham gia câu lạc bộ chơi xe FX trên mạng Internet. Lúc này Điệp biết Phương Anh đang nghỉ học ở nhà để chăm sóc con chó bị ốm. Kể lại sự việc với HĐXX, Điệp nói rành rọt giống từng câu từng chữ giống hệt nội dung bản cáo trạng truy tố của VKS: "Khi Phương Anh đang bật máy vi tính, bị cáo lấy búa đập thẳng vào đầu... Phương Anh ngã xuống nền nhà, đầu nghiêng sang trái, bị cáo đập tiếp 2 nhát nữa. Sau đó, ngồi lên ngực nạn nhân, dùng hai tay bóp cổ cho đến khi tắt thở".
![]() |
1,25 trong số 2 triệu đồng có được do cầm cố điện thoại của nạn nhân, Điệp dùng trả nợ người yêu. Ảnh Anh Tuấn. |
Điệp khai do buôn bán điện thoại bị thua lỗ nên nợ 30 triệu đồng. Mục đích ban đầu là đến nhà Phương Anh cướp xe Dylan, và "lúc đó bị cáo hoang mang nên đã giết người". Nhưng chủ toạ phiên tòa Nguyễn Quốc Hội phân tích, hành vi của bị cáo rất côn đồ, thể hiện ý định giết người đến cùng. Bằng chứng là sau khi lau vết máu ở hiện trường, Điệp quay lại chỗ Phương Anh phang thêm 2 nhát búa vào đầu nạn nhân. Hơn nữa việc bị cáo mang búa đinh và con dao nhọn cán gập lưỡi dài 20 cm trong người đã "tố cáo" hết dã tâm của Điệp.
Rời khỏi nhà Phương Anh, Điệp mang theo chiếc Dylan (khoảng 100 triệu đồng) cùng điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số (tổng cộng 15 triệu đồng) của của nạn nhân. Để tiêu thụ được tang vật, Điệp cùng 3 người bạn (sinh viên Đại học Thủy lợi, Đông Đô) đã làm giả giấy tờ xe máy. Thẩm phán Hội cho biết, 3 trường hợp trên không bị khởi tố trong vụ án này nhưng HĐXX sẽ kiến nghị cơ quan chức năng sau này truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Sau khi xin lỗi gia đình nạn nhân, Nguyễn Khắc Điệp bật khóc, nghẹn ngào từng câu nói xin lỗi bố mẹ vì đã phụ công nuôi dưỡng, xin lỗi người thân và bạn bè vì phụ lòng tin của mọi người. Luật sư Nguyễn Văn Bình (bào chữa chỉ định do tòa mời, do gia đình bị cáo không mời luật sư) đã trưng ra trước HĐXX nhiều giấy khen về thành tích học tập của Điệp, mong được xem như tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Phiên tòa lặng đi khi ông Bình cho biết, năm lớp 5, Nguyễn Khắc Điệp đoạt giải khuyến khích học sinh giỏi toán quốc gia; lớp 12 là thành viên đoàn Sơn Lam tham gia dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia... Năm 2000, Điệp nhận phần thưởng học sinh giỏi hiếu thảo do một tờ báo trao tặng.
Tuy nhiên, khi trở thành sinh viên khoa công nghệ thông tin Đại học Giao thông vận tải ở Hà Nội, bị cáo lại thích lao vào làm ăn kiếm tiền hơn việc học. Điệp từng buôn điện thoại di động, buôn xe máy, và là khách hàng quen tại một hiệu cầm đồ trên phố Bạch Mai... Chểnh mảng học hành do vậy đến nay Điệp nợ nhiều môn học, chưa được xét tốt nghiệp.
Đại diện VKS duy trì công tố tại tòa đã rất bức xúc khi nhận xét: "Bị cáo có cơ hội học tập tại một trong những trường đại học danh tiếng của thủ đô. Vậy tại sao lại trượt sâu vào con đường tội lỗi như vậy?". Nguyễn Khắc Điệp không trả lời được câu hỏi này, nhưng lời chốt lại trong bài bào chữa của luật sư Bình đã giải đáp vấn đề. Đó là: "Do không tu dưỡng đạo đức thường xuyên mới xảy ra sự việc".