Tiesuc
(Cuốn sách của tôi - Bộ phim của tôi)
The Red Shoes (Đôi giày đỏ) là câu chuyện cổ tích của Andersen về một cô gái trót đi đôi giầy đỏ mà phải nhảy múa ngày đêm, cho đến khi thiên thần chặt đứt đôi chân của cô ấy để cô tìm lại sự thanh thản trong tâm hồn. Câu chuyện này đã tạo nguồn cảm hứng cho cặp đạo diễn nổi tiếng những năm 40 là Michael Powell và Emeric Pressburger để viết lại câu chuyên cổ tích của Andersen.
Tôi không muốn nhắc lại bộ phim đã đi qua hơn nửa thế kỷ, đã khẳng định sức sống nội tại của nó, mà chỉ muốn gạch vài đầu dòng liên tưởng giữa bộ phim này với Thiên nga đen (đen).
Trong Đôi giày đỏ (đỏ), ta có thể thấy công việc ở mọi vị trí tại một đoàn múa chuyên nghiệp bao gồm: giám đốc, biên đạo múa, thiết kế sân khấu, nhạc trưởng, thiết kế trang phục và cuối cùng là diễn viên múa.
Trong Thiên nga đen (đen), Darren Aronofsky đã trộn quyền lực của biên đạo múa với giám đốc để tạo ra vị trí tối thượng mà chi tiết có thể thấy trùng lặp ở cả hai phim là khi biên đạo múa nhặt một loạt các vũ công ra, để lại hai người với khuôn mặt lo lắng ghê rợn (Nina sụp đổ khi Leroy không thèm nhìn mình cũng như Vicky câm lặng trước Lermontov và cuối cùng người không được chọn là người ở lại). Tình tiết này trong cuốn Đôi giày đỏ đã làm khán giả hồi hộp suốt 63 năm qua và ở Thiên nga đen cũng vậy.
Nina như một cô bé trước Leroy. |
Tuy nhiên, tôi vẫn thích hình ảnh ông giám đốc đoàn múa Lermontov (đỏ) khi bộc lộ được trí tuệ tổng hợp (ông này đã tìm ra một nhạc trưởng giỏi và vũ công). Còn Leroy (đen) chỉ thể hiện vai trò chuyên môn như một biên đạo múa mà thôi. Nhưng cả Lermontov và Leroy đều là nhà tâm lý xuất sắc khi đẩy được vũ công của mình đúng điểm rơi phong độ bằng cả sự nghiêm khắc lẫn khéo léo trong thuyết phục.
Vicky và Nina đều là những người chọn ballet làm cuộc đời nhưng tông màu của Vicky là đỏ và đạo diễn vẫn dành cho cô thêm một sự lựa chọn là múa hoặc tình yêu.
Ngày đầu tiên khi Lermontov gặp Vicky.
Lermontov: Why do you want to dance?
Vicky: Why do you want to live?
Lermontov: Well, I don't know exactly why, but... I must.
Vicky: That's my answer, too.
Nhưng khi đạt được đỉnh cao cũng là lúc Vicky yêu nhạc trưởng Julian Craster và cô bị rơi vào tình thế phải chọn đôi giày đỏ hoặc Julian.
Moira Shearer đã phải đánh đổi sự nghiệp của mình cho vai diễn Vicky trong Đôi giày đỏ. |
Cũng giống như câu chuyện của Andersen, Đôi giày đỏ là biểu tượng của dục vọng về cái đẹp. Chính cái dục này đã trở thành nguồn động lực để người vũ công tỏa sáng và vươn lên trong sự nghiệp. Nhưng Vicky đã chọn tình yêu để thoát khỏi sự cám dỗ ghê rợn của tông màu đỏ.
Nina trong Thiên nga đen thì được phủ màu đen. Quá trình cô chuyển từ trắng sang đen cũng xuất phát từ dục vọng về cái đẹp hoàn hào. Nina chỉ có một con đường: Trở nên hoàn hảo và không có lựa chọn nào khác. Sự giằng co giữa trắng và đen đã tạo nên một Nina đa nhân cách có sức cám dỗ ghê rợn của tông màu đen.
Natalie Portman chưa bao giờ làm thất vọng người xem, đặc biệt những vai diễn đòi hỏi độ sâu tâm lý. Cả Nina và Vicky đều có đoạn kết: Ngã từ trên cao xuống (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Vicky nhày từ trên balon xuống đoàn tàu, Nina từ trên bục cao nhất. Câu cuối cùng của Vicky là: Take off the red shoes... (Hãy cởi đôi giày đỏ ra) - câu cuối cùng của Nina là: I was perfect (Tôi từng hoàn hảo).
Trường đoạn 16 phút của Đôi giày đỏ khiến người xem kinh ngạc và chắc hẳn ở thời điểm 60 năm trước, nó xứng đáng là một tuyệt phẩm của kỹ xảo điện ảnh. Để tăng thông điệp và hình tượng cho vở kịch, đạo diễn nghệ thuật Hein Heckroth đã phải tự vẽ các phân cảnh quan trọng trong vở ballet (vì ông chưa làm phim về ballet bao giờ). Vở Đôi giày đỏ khiến ta liên tưởng đến nhạc kịch nhiều hơn khi các diễn viên có phục trang nhiều màu và chỉ vũ công vai chính mới mặc trang phục của ballet truyền thống. Sân khấu của vở ballet được dàn dựng công phu cho các góc quay điện ảnh mà trong đó hội họa mang phong cách siêu thực đã được ứng dụng vào cảnh nền cũng như kỹ xảo.
Trong khi đó, Thiên nga đen vẫn trung thành với ballet kinh điển và kỹ xảo chỉ được điểm vào những tình tiết "gây sốc" cho người xem, nhưng thay vào đó, phân tâm học đã được ứng dụng vào mạch phim này.
Natalie Portman thể hiện khả năng diễn xuất tinh tế trong Thiên nga đen. |
Đôi giày đỏ thì sử dụng công nghệ phối ba dải màu cho phim (từng được sử dụng thành công trong Phù thủy xứ OZ và Cuốn theo chiều gió năm 1939). Đây là công nghệ đắt tiền nhưng hai nhà làm phim Powell và Pressburger của Đôi giày đỏ đã chịu chơi thứ nghệ thuật cầu kỳ để tạo được hiệu ứng hình ảnh tốt nhất.
Ngôn ngữ cường điệu hóa điện ảnh được sử dụng triệt để trong Đôi giày đỏ, đặc biệt trong trường đoạn ballet của Vicky. Các nhân vật được đẩy lên hành động cao trào, sân khấu rực sáng mang đậm tính siêu thực, lập thể và biểu hiện. Đây cũng là một tuyên ngôn nữa cho quan điểm nghệ thuật tối thượng của cặp đôi nhà làm phim Powell và Pressburger. Ngoài ra, Powell còn là người có tầm nhìn xa trăm năm khi muốn sử dụng âm nhạc cầu kỳ để tăng hiệu ứng thị giác, ông phải đặt hệ thống ánh sáng từ bên Mỹ sang Anh để đảm bảo các dải màu trong phim đạt được sự hoàn hảo. Đỉnh điểm của cuộc chơi nghệ thuật âm thanh - thị giác này chính là bộ phim The Tales of Hofman - đây cũng là bước khởi đầu cho music video được sử dụng rộng rãi trong những năm 80 và ngày nay.
Tham gia vào lĩnh vực ballet là một sự mạo hiểm khi hãng The Archers của cặp đôi Powell và Pressburger là đoàn làm phim đầu tiên đưa thứ nghệ thuật hàn lâm này vào điện ảnh. Moira Shearer (vai Vicky), Robert Helpmann (Ivan Boleslawsky), Leonide Massine (Ljubov) đều là những diễn viên hàng đầu của vũ đoàn Sadlers Wells Ballet, trong đó trường hợp Moira Shearer đặc biệt nhất khi cô hoàn toàn thiếu tự tin khi nấp dưới cái bóng lớn của ballet Anh là Margot Fonteyn. Bản thân cô cũng bị Powell lừa đóng phim, rồi trong thời gian quay cũng bị tổn thương da nặng. Trong sự nghiệp múa sau này Shearer không nổi trội nhưng với Đôi giày đỏ là đủ, tên cô đã trở thành vĩnh cửu.
Giám đốc vũ đoàn Lermontov do diễn viên đồng tính Anton Walbrook thủ vai cũng như người sáng tác câu chuyện cổ tích, Đôi giày đỏ - nhà văn Andersen cũng là một người đồng tính. Đây là một thông điệp đơn tính, nhu thuần về niềm đam mê nghệ thuật trong sáng. Mối quan hệ giữa Lermentov với cô vũ công Vicky không bị vấy bẩn bằng sự quyến rũ nam nữ dễ có để cô tiến thân trong nghệ thuật. Lermentov hiện thân như một thứ tôn giáo - là đôi giày đỏ - là động lực ma quái cho cô vũ công của mình đốt cháy trên sân khấu.
Lermontov hiện thân như một tôn giáo của nghệ thuật. |
Ở thời điểm những năm 1930-1945, phong trào bình đẳng giới không tác động nhiều vào Đôi giày đỏ. Dù Vicky xuất hiện như một nữ hoàng nhưng cô vẫn giống như người đàn bà lạc đường, ham vui của nhà văn Andersen. Cuối cùng, Vicky đã quyết định từ bỏ niềm đam mê ballet - cuộc sống của cô. Còn Nina trong Thiên nga đen thì chọn con đường ngược lại và Nina mang thông điệp của người đồng tính nữ.
Công việc của hai nhà làm phim Powell và Pressburger vào thời điểm những năm 40 thế kỷ trước đã cho thấy cách một người làm nghệ thuật theo đuổi quan điểm của mình mạnh mẽ như thế nào để vượt qua làn sóng bảo thủ của thời đại. Thứ hoa thơm trái ngọt do họ ươm trông vẫn đơm nở hàng nằm giống như vũ điệu trên đôi giày đỏ vẫn chưa hề dừng lại.
Vài nét về tác giả bài viết:
I'm what I'm - Tiesuc.
Bài đã đăng: Sự dối trá của Midori, Nỗi cô đơn của số nguyên tố, Nín thở và ngẫm về việc tốt, Anh sẽ trở về, trước khi cây sấu già rụng hoa, Muối của thiên đường.