Người ta thường nghĩ những xứ sở thần tiên chỉ có trong truyện ngụ ngôn, hay trong giấc mơ hoang đường. Nhưng vẻ đẹp thần tiên ở Cửu Trại Câu (thung lũng Jiuzhaigou) ở Trung Quốc là có thực, luôn hấp dẫn du khách khi ghé thăm.
Nằm ở Nam Bình cách thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) khoảng 450 km về phía bắc, tên Cửu Trại Câu gắn liền với sự tồn tại của 9 ngôi làng có nguồn gốc từ Tây Tạng, luôn được coi là nơi linh thiêng và là nguồn nước chính cho người dân Tây Tạng.
Cửu Trại Câu là một kiệt tác của thiên nhiên mang vẻ đẹp thơ mộng chốn thần tiên. Nơi đây có rừng cây tươi tốt, có núi thiêng được bao phủ bởi màu tuyết trắng, có hồ nước xanh, thác nước. Bạn cũng thể tìm hiểu những phong tục dân gian của người Tây Tạng và người dân tộc Trung Quốc khi đến đây.
Truyền thuyết kể lại, trước đây, có một vị thần núi tên là Dago phải lòng nữ thần Semo, vì lòng yêu mến ông đã tặng chiếc gương được làm từ gió và mây cho nữ thần. Thật không may, ma quỷ xuất hiện và gây khó khăn cho nữ thần Semo. Vô tình, nữ thần Semo đã làm gương rơi xuống đất vỡ thành 108 mảnh, từ những mảnh vỡ của chiếc gương đã biến thành hồ nước với 108 màu sắc. Người dân địa phương nơi đây gọi là hồ Haizi.
Ngoài những cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, nơi đây còn có rất nhiều động thực vật. Rừng tự nhiên với diện tích gần 30.000 ha, có 2.576 loài thực vật bậc cao (trong đó có 24 loài thực vật nằm trong danh sách được bảo vệ ) và hơn 400 loài thực vật bậc thấp (212 loài tảo). Sự phong phú thực vật cung cấp một môi trường sống cho các động vật hoang dã. Động vật ở đây có 170 loài xương sống, 141 loài chim và 17 loài động vật quý hiếm. Trong các loài động vật quý hiếm, gấu trúc khổng lồ, takins và khỉ vàng xếp vào hàng thứ nhất. Xếp hạng thứ hai là gấu trúc nhỏ, marmots và cừu xanh.
Cửu Trại Câu có diện tích hơn 600 km2, gồm ba thung lũng chính: thung lũng Shuzheng, Rize và Zechawa. Chúng ta không thể tin rằng nơi đây có quá nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp đến mê hồn. Mùa đông, thác nước Hồ Panda ở Cửu Trại Câu có sự suy giảm vì nước đóng thành những tảng băng trong suốt. Nơi đây có các bãi đá lớn và rừng tre rộng lớn là thức ăn ưa thích của gấu trúc.
Trong lịch sử, thung lũng này là nơi sinh sống của một số bộ tộc người Tây Tạng và người dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, điều này sẽ giúp du khách có cơ hội tìm hiểu thêm về cuộc sống, văn hóa độc đáo của người dân địa phương. Đặc biệt du khách còn được tham gia vào các màn trình diễn cuộc sống về đêm của Tây Tạng và người Qiang, thưởng thức một số món ăn địa phương.
Phí vào cửa:
- Mùa cao điểm: 7h - 19h từ ngày 1/4 đến 15/11, giá vé 310 nhân dân tệ (hơn 1 triệu đồng).
- Mùa thấp điểm: 8h - 18h từ ngày 16/11 đến 31/3, giá vé 160 nhân dân tệ (hơn 500.000 đồng)
Có xe buýt phục vụ khách du lịch mùa hè.
Nguyễn Hùng
Ảnh: Travel China guide