Theo thông báo của nhà trường, điểm chuẩn NV2 ngành này là 21,5 và nhờ thuộc KV2, Mai đủ điểm trúng tuyển. Danh sách thí sinh trúng tuyển NV2 do nhà trường công bố cũng có tên Mai. Cũng theo nhà trường, sau ngày 27/9, trường đã gửi giấy báo qua đường bưu điện cho thí sinh trúng tuyển NV2.
Nhưng không hiểu lỗi do trường hay do bưu điện, mãi đến giữa tháng mười một thí sinh này vẫn chưa hề nhận được giấy báo trúng tuyển và đang luyện thi lại ở Vĩnh Long chờ mùa thi năm sau!
Đây là một trong rất nhiều trường hợp trúng tuyển nhưng bị gạt lại bên ngoài cánh cổng trường ĐH do thiếu thông tin. Có những thí sinh khi làm hồ sơ xét tuyển đã “thành thật” ghi địa chỉ liên lạc của mình ở tận những thôn xã vùng núi xa xôi…
Cái giấy báo trúng tuyển đi vòng vèo hàng trăm cây số, băng qua núi rừng hiểm trở về đến buôn làng thì thời hạn nhập học đã qua từ lâu! Cũng có những giấy báo không bao giờ đến tay thí sinh, trong khi nhà trường quả quyết rằng đã gửi đi đúng thời hạn.
Theo Tuổi Trẻ, những câu chuyện oan ức kiểu này năm nào cũng có. Năm nay lại càng rối ren thêm bởi điểm sàn xét tuyển. Các khái niệm điểm sàn, điểm xét tuyển, điểm chuẩn… vốn đã hết sức khó hiểu đối với hầu hết thí sinh và phụ huynh, lại thêm cách tính điểm ưu tiên khu vực, đối tượng cứ đổi xoành xoạch mỗi năm mỗi khác.
Khi hướng dẫn thí sinh trước mùa thi, các trường và những người có trách nhiệm vẫn thường khuyên thí sinh theo dõi thông tin ở các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó có thể dễ dàng đối với những thí sinh ở đô thị lớn, trong khi lại quá tầm tay đối với đại bộ phận thí sinh ở vùng xa xôi hẻo lánh. Làm sao thí sinh vùng sâu có thể tiếp cận thông tin khi nơi sinh sống của họ còn chưa có tivi, rất khó khăn mới tìm được một tờ báo và dĩ nhiên việc truy cập mạng là câu chuyện xa vời?
Một quy chế tuyển sinh rõ ràng, dễ hiểu và công bằng hơn cho thí sinh ở tất cả các vùng miền cả nước đang là yêu cầu từ thực tế đặt ra trước mùa tuyển sinh 2005.