Đào tạo 1 học sinh mầm non mà học phí lên tới 4.800 USD/năm, gấp hàng chục lần chi phí để nuôi dạy 1 sinh viên đại học! Quá tò mò về khoản phí ngót 100 triệu đồng đang được duy trì tại trường mầm non tư thục R. do một người Anh làm hiệu trưởng, PV Công An Nhân Dân đã đến tìm hiểu.
Trường là một tòa biệt thự 5 tầng nằm ven hồ Tây. Vị trí quý tộc thế này, chẳng trách tiền thuê nhà đã mất gần 50 triệu/tháng. Dịp này đang kỳ nghỉ đông, trường học vắng hoe hoắt nhưng chị L., quản lý nhà trường nhanh nhẹn giữ chân chúng tôi bằng lời giải thích về giá trị của số tiền học phí 4.800 USD.
Hiện Hà Nội có 23 cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài (CSGDNN) do người nước ngoài đầu tư 100% vốn hoặc 100% vốn Việt Nam, nhưng học sinh lại là con em người nước ngoài; có cơ sở do người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư; có một số trường dân lập, trung tâm ngoại ngữ "made in Vietnam" 100% cũng được xếp vào diện này vì có sử dụng giáo viên là người nước ngoài. Nếu cháu tôi được nhận vào trường, nó sẽ được nhận một sự đào tạo hoàn hảo bậc nhất Việt Nam. Vào đây thì gần như không có bất cứ một cái gì gợi cho nó đây là Việt Nam. Thầy cô, tất nhiên phải là người nước ngoài (trường chỉ có 3-4 giáo viên Việt Nam làm trợ giảng); phấn bảng, giấy bút, bàn ghế, khăn mặt, kem đánh răng, bát đĩa đều nhập từ Anh; các món ăn cũng pha tạp kiểu nước ngoài và đặc biệt, trường "tối kỵ" các cháu nói tiếng Việt, dù có cháu mới chỉ 2-3 tuổi.
Nói tiếng "bố", tiếng "mẹ" còn chưa sõi, chúng đã phải "English" hóa, phải biết "Hello! How are you". "Thì cứ nghe mãi thành quen!", chị L. giải thích thật đơn giản và ráo hoảnh.
Một trong những điều lo lắng là chương trình đào tạo đang thịnh hành tại các CSGDNN đang ngoài tầm kiểm soát. Về mặt nguyên tắc thì một chương trình đào tạo trước khi đưa vào giảng dạy phải có cơ quan thẩm định, kiểm duyệt, bởi không thể loại trừ khả năng chương trình kém chất lượng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt...
Nhưng theo báo cáo của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) Hà Nội thì chương trình của các CSGDNN cứ đua nhau nở, một số trường như Unis, Trường Quốc tế Hà Nội, Trường Pháp quốc tế giảng dạy theo hệ thống chương trình và cấp bằng trung học quốc tế, nhưng có nơi thì "công nghệ đào tạo vượt trội đến từ Mỹ", chỗ thì "chương trình đi sâu tổng hợp lý thuyết hàng đầu thế giới", chỗ khác lại "chương trình tuân thủ hệ thống kiểm soát chất lượng của các tổ chức quốc tế", song lại chưa hề có xét duyệt và đồng ý của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền phía Việt Nam.
Có lẽ chưa có thời điểm nào mà giáo viên nước ngoài hành nghề tại Việt Nam lại đông như bây giờ. Tính sơ sơ, Trường Unis có 73 người, Trung tâm tiếng Anh Apollo có 45 người... Hầu hết họ đều nhập cảnh có phép nhưng gần như chẳng có ai đăng ký lao động với cơ quan chức năng của Việt Nam. Nhiều trung tâm cứ ra rả quảng cáo "đội ngũ chuyên gia đẳng cấp quốc tế", nhưng từ trước tới nay đã có ai đứng ra thẩm định, kiểm tra văn bằng chứng chỉ hành nghề của số giáo viên nước ngoài này? Từng có chuyện bi hài là nhiều trung tâm đánh liều thuê giáo viên là "Tây ba lô" đứng lớp.
Có cảm giác sau khi xin được đăng ký thành lập thì gần như các CSGDNN không còn chịu bất cứ sự quản lý trực tiếp nào của các cơ quan quản lý của Việt Nam. Cái sự "buông trôi, thả nổi" còn tệ đến mức mà khi xảy ra sự vụ gì, muốn tìm một cơ quan chức năng nào để tìm hiểu thật khó vì họ đều ở trạng thái "Biết đấy, nhưng chúng tôi chưa được giao nhiệm vụ".
Thiệt thòi nhãn tiền vẫn là học viên, vì đã có trường hợp khi chương trình đào tạo đổ bể, đối tác nước ngoài bỏ về nước, quỵt lương, phó mặc hoàn toàn cho các nhân viên người Việt, gây rối loạn trung tâm. Học viên sau nhiều tháng ra rả đòi lại tiền học phí (khoảng 3.000 USD/người) mới hay chỉ là viễn tưởng, vì chẳng có ai đứng ra chịu trách nhiệm.
Ông Đỗ Doãn Hải, Phó Trưởng phòng Trung học Chuyên nghiệp Sở GD - ĐT Hà Nội, cho biết UBND TP mới đây đã có công văn chỉ đạo một số ban ngành, trong đó có giao cho Sở GD - ĐT chủ trì quản lý các CSGDNN. Động thái này tuy muộn, nhưng theo ông Đỗ Doãn Hải, sắp tới, Sở sẽ xây dựng một quy chế quản lý, rà soát, kiểm tra lại toàn bộ tư cách pháp nhân của các đối tác nước ngoài; đặc biệt, sẽ kiểm tra lại toàn bộ chương trình đào tạo, không thể tiếp diễn cảnh dạy và học thả nổi như hiện nay.
(Theo Công An Nhân Dân)