Một câu hỏi vui mà giới công chức vẫn thường hỏi nhau: Sợ câu nói nào nhất? Rất nhiều người đưa ra đáp án: Họp... họp! Chuyện nhỏ: họp, chuyện lớn: họp, chuyện vừa vừa cũng họp... Những cuộc họp triền miên đang là nỗi ám ảnh của cán bộ, công chức.
Như là một quy luật bất thành văn ở nhiều nơi: “Phi văn nghệ bất thành hội nghị”. Quả thật thế! Trong thư mời ghi rành rành 8h bắt đầu diễn ra hội nghị, thế nhưng nếu “siêng năng” đến đúng giờ thì kính mời các đại biểu cứ từ từ mà gặm bánh mì (do ban tổ chức phát) và thưởng thức văn nghệ. Thế mới biết đâu chỉ có đám cưới mới xài “giờ dây thun”. Hàng trăm lý do để các hội nghị thêm thắt phần văn nghệ vào. Nhiều nơi muốn chứng tỏ mình quan tâm đến đời sống CBCNV thông qua các tiết mục văn nghệ quần chúng! Có nơi lại muốn phô trương sự bề thế của mình qua sự xuất hiện của vài ngôi sao ca nhạc hạng thứ... mấy trăm... nào đó.
Tại buổi sơ kết cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở tại phường 8, quận 11, gần trăm đại biểu bị “nhốt” trong hội trường nóng nực từ 13h 30 (theo giấy mời của UBND phường) đến 14h15 chỉ để nghe...các cô, các bác lớn tuổi phô diễn tài văn nghệ của mình. Mới đây, lễ khánh thành một công viên trên địa bàn quận 1 cũng bị kéo dài hơn nửa giờ đồng hồ để các ca sĩ chuyên nghiệp cư trú trên địa bàn thể hiện “tấm lòng” mừng địa phương mình có thêm một nơi vui chơi mới!
Nhiều địa phương còn “chịu chơi” hơn, đưa nguyên xi một vở kịch cổ động của mình vừa giật giải hội diễn nào đó. Mặc cho nội dung kịch với chủ đề hội nghị chẳng ăn nhập gì với nhau. Một quận ngoại thành tổ chức hội nghị về quản lý đất đai lại diễn kịch cổ động kế hoạch hóa gia đình để chào mừng. Ấy vậy mà ban tổ chức còn lý sự: Kế hoạch hóa gia đình phải gắn liền với đất đai, nếu không “đẻ cho lắm” thì lấy đất đâu ra mà ở?!
Theo Người Lao Động, nạn nhân của những buổi làm việc mang tính chất... dây thun này không chừa bất cứ ai. Chính Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài cũng từng bị lễ khánh thành Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4 “tra tấn” gần cả tiếng đồng hồ bằng các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn. Nhiều đại biểu bực bội bỏ về. Chỉ “thương” cho vị lãnh đạo bận trăm công nghìn việc vẫn phải ở lại “chịu trận”.
Chuyện đại biểu phải “ngáp ngắn, ngáp dài” ngồi chờ những “cây đinh” xuất hiện là chuyện thường ngày ở các cuộc họp! Giờ mới hiểu, không chỉ có tác dụng “thêm hương thêm hoa”, các chương trình văn nghệ còn là biện pháp cứu nguy “khẩn cấp” chờ các vị lãnh đạo có thói quen xài giờ dây thun. Nạn nhân cụ thể nhất là cô ca sĩ người Huế, tại buổi lễ khởi công tại huyện Nhà Bè, Vĩnh Kim đã phải hát khản cổ liên tục tới 6 bài để “câu giờ” giúp ban tổ chức chờ một vị lãnh đạo quên mất hẹn.
Ngày 29/9, Ban Quản lý dự án Đông-Tây và Môi trường nước TP đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng xây dựng nhà máy xử lý nước. Cuộc họp báo diễn ra vô cùng “căng thẳng” vì các phóng viên phải ngồi đợi “rã gối” mà chẳng thấy tăm hơi ban tổ chức đâu. Quá sốt ruột, một phóng viên đã gọi điện cho lãnh đạo đơn vị tổ chức họp báo thì nhận được câu trả lời gọn lỏn: “Hoãn rồi”.
Mặc dù “kêu gào” các ban ngành chức năng bỏ đi thói làm việc lề mề nhưng ngay tại cuộc họp cải cách hành chính (được tổ chức tại quận Phú Nhuận) lại vi phạm. Thư mời ghi rõ 13h30 nhưng 14h, khi bá quan văn võ gồm các giám đốc sở, ngành hàng đầu của TP tề tựu đông đủ, vẫn chưa thấy VIP đâu. Quá sốt ruột, một lãnh đạo TP móc điện thoại gọi thì mới hay vị khách VIP này đã tranh thủ giờ trưa đi thăm Suối Tiên nhưng “xui xẻo” lại bị kẹt xe trên đường trở về.
Tình trạng chung hiện nay là giấy mời gửi đích danh lãnh đạo nhưng đến dự họp chỉ thấy xuất hiện toàn những gương mặt của chuyên viên. Mà đã là chuyên viên thì chỉ đến để “tiếp thu” chứ có dám hó hé ý kiến ý cò gì. Hậu quả người chủ trì “độc diễn” từ đầu đến cuối. Khi người chủ trì cần ý kiến sở, ngành thì người đại diện chỉ biết đứng lên ấp úng “dạ, để tui về... báo cáo lại”.
Tháng 8 vừa qua, cuộc hội thảo chống căn bệnh “nan y” ngập nước tại quận 6 do Ủy ban MTTQ TP tổ chức đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Thế nhưng, khi diễn ra hội thảo, nhiều người đã thất vọng tràn trề không thua kém gì những ngày nước triều cường tràn vào nhà. Lý do các ngành liên quan đến vụ việc như Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên Môi trường... đều vắng mặt. Sở GTCC có khá hơn một chút khi cử một vị phó giám đốc Công ty Thoát nước TP tham dự nhưng chỉ khi nào ai hỏi thì mới trả lời, còn không thì thôi. Thế là buổi hội thảo chỉ lẩn quẩn chuyện “than sầu kể khổ” về ông “thủy thần” mà chẳng tìm được giải pháp nào. Quá ngán ngẩm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Lê Hiếu Đằng đành nhờ các nhà báo có mặt lên tiếng phê bình giùm.
Cũng có những cuộc họp, hội nghị, nhiều đơn vị tham gia rất đông đủ, thậm chí có lúc còn dư (nhất là những cuộc có “bao thư” và cần số lượng người đông đảo cho rôm rả).
Còn rất nhiều câu chuyện họp hành vô bổ kiểu này. Nhưng ghiền, thấy... nhớ vì không họp thì không biết phải làm gì đang trở thành căn bệnh khó chữa của các cơ quan Nhà nước.