Đấy chính là lúc quay lại để tiếc nuối quãng thời gian mình là trẻ nhỏ...
Creative
Hôm nay là trung thu, quanh bạn có gì? Đèn lồng ư, gì gì nữa... Nhưng liệu nó có thật sự vui như khi bạn chỉ là đứa trẻ lên 5, lên 3 không? Chắc là không rồi.
Rằm tháng 8 hồi tôi còn nhỏ ở quê vui vui lắm. Vui đến nỗi mà cả năm hình như mong ngóng cho đến Trung thu nhất. Niềm vui này có lẽ còn hơn cả chờ Tết đến, mong nghỉ hè (và tất nhiên là hơn nhiều sự mong chờ được đi học).
Quê tôi, cứ đến độ đầu tháng 8 âm lịch là làng trên xóm dưới, trẻ con tụ tập vào các buổi tối để "tập thiếu niên". "Tập thiếu niên" tức là tập mốt-hai-mốt, đi sao thẳng hàng, vung tay cho đều. Rồi đánh trống, báo cáo. "Tập thiếu niên" để đúng hôm rằm (như hôm nay chẳng hạn) mỗi xóm có một đội lên xã thi với nhau.
Nghe ca khúc Chiếc đèn ông sao. |
Chỗ dành cho tụi trẻ con "tập thiếu niên" là sân kho, hình như ngày xưa xóm nào cũng có một cái sân kho thì phải. Cái khoảng sân đó đến bây giờ giống như kiểu Nhà Văn hóa. Sân kho xóm tôi hay các xóm khác đồng thời có một nhà mẫu trẻ và mẫu giáo. Cứ đêm đêm từ đầu tháng 8, trẻ con lại tập trung ở đó.
Tuổi dành cho bọn trẻ con được đi "tập thiếu niên" là từ lớp 6 đến lớp 9, kể ra kiếm cả xóm cũng chỉ có trên dưới 20 nhóc tầm đó. Nhưng mà cái sân kho đông nghịt, lít nha lít nhít từ trẻ tập đi đến thanh niên hết tuổi... "tập thiếu niên". Cứ tầm tối, bọn trẻ con lại đi lấy trống ở một nhà cạnh nhà tôi. Độ 7 rưỡi, 8 giờ là tiếng trống vang lên từ đầu xóm tới phía sân kho. Trẻ con luôn muốn ăn cơm cho nhanh để đi tập và xem "tập thiếu niên".
Nhiều trò lắm, ai tập thì tập, còn lại bọn trẻ chơi đầy sân... "bắn tòm", trốn tìm, đuổi nhau... đặc trưng nhất phải kể đến trò làm nỏ bắn dây mơ.
Một cái chạc hình chữ Y nho nhỏ được cắt từ cành cây xoan táo, quê tôi gọi là xoan táo, còn tên khoa học là gì đến giờ tôi cũng chả biết. Cái chạc buộc dây chun vào đầu, cắt những đoạn dây mơ làm đạn và... bắn nhau. Trẻ con đứa nào cũng có một cái , mà chỉ bọn con trai mới nghịch trò này. Con gái chỉ đứng xem.
Lúc đó, "tập thiếu niên" dưới trăng sáng có khi là tới khuya. "Tập thiếu niên" là xếp thành ba hàng dọc đi đều bước (mốt-hai-mốt), rồi là phân đội trưởng lên báo cáo với chi đội trưởng. "Tôi tên A, phân đội trưởng phân đội 1 báo cáo với chi đội trưởng, phân đội tôi có xyz người. Hết". Đại loại thế...
Rồi xếp hàng chữ U, và lại báo cáo, đánh trống, rồi hát quốc ca. Đêm nào cũng lặp đi lặp lại màn tập đó. Chi đội xóm tôi là chi đội Lí Tự Trọng bao nhiêu năm rồi vẫn có cái tên đó. Tôi cũng có một thời làm tới hẳn phân đội trưởng. Oai như cóc.
Trước rằm vài hôm thì con gái, chọn mấy cô khéo tay khéo chân đi tập... múa. Nhóm này tách ra một khu 4, 5 người, múa hát mấy bài gì đó tới giờ tôi cũng chẳng nhớ tên. À hình như có bài "Anh bộ đội về làng, cho em lòng dũng cảm" cứ thế mà múa, mà hát, để đêm rằm đi thi.
Cũng thời gian đó vào ban ngày, anh phụ trách chọn mấy cậu tay to, chân khỏe, nhanh tay, nhanh mắt đi tập cắm trại cũng là để đi thi. Cắm trại nhanh là cái kiểu cắm trại bạt, hai cái cột, một tấm bạt, vài sợi dây... sao cho trong thời gian nhanh nhất dựng lên một cái... lều, đội nào nhanh hơn đội đó thắng. Tôi thì chả bao giờ được chọn vào cái đội đó vì vốn dĩ tôi còm cõi, yếu xìu (được mỗi cái đẹp trai).
Tầm gần hôm rằm, thanh niên trong làng (những người hết tuổi thiếu niên ấy) gom nhau lại làm trại. Cổng trại quấn quanh những mảnh giấy màu sặc sỡ để Rằm đem đi... khoe với các đội khác, chấm điểm xem đội nào có trại đẹp nhất. Trại này dĩ nhiên là cũng lắm công phu, xung quanh trại còn làm mấy kiểu hàng rào, rồi dây rợ loằng ngoằng.
Xóm tôi ngày trước có một con sư tử múa lân. Cứ đến rằm là người lớn mang ra múa, một người đeo mặt nạ nhảy nhót đằng trước. Nhưng đến lúc tôi đủ tuổi thiếu niên thì con sư tử đã nằm góc nào đó rồi. Hồi nhỏ, tôi rất sợ khi thấy ai đeo mặt nạ. Mẹ bảo tôi sợ quá chẳng xem được cái gì, cứ đòi về. Vì vậy hồi còn nhỏ dù nhà hàng xóm ngay cạnh là nơi mọi người tập trung làm trại, phá cỗ, múa sư tử, chia quà nhưng tôi chả dám bén mảng.
Đến chiều trước hôm Rằm, nô nức làng trên xóm dưới kéo nhau về xã. Ở Ủy ban xã có một bãi đất rộng thường ngày đá bóng, hôm đó sẽ biến thành sân khấu trình diễn các trại. Mỗi xóm một đội, một trại. Hàng đoàn trẻ con trống "oánh" tơi bời từ xóm lên xã. Các con buôn được dịp đem bầy bán đồ chơi cho trẻ nhỏ. Một món không thể thiếu trong dịp này là... súng phun nước. Giống như nỏ bắn dây mơ, súng nước là "đồ dắt túi" của một đứa trẻ trong dịp đó. Hết bắn nỏ ta lại bắn nước.
Cả những hàng quán liêu xiêu cũng bán đèn ông sao, tôi thì chả mua bao giờ, đứng ngắm, nhưng thấy những chiếc đèn được đem cắm lên các cổng trại, trông cũng oách phết.
Đến chiều hôm Rằm là xong tất cả, hình như đội xóm thi tôi chả nhất được lần nào. Tối đến rồng rắn vào một nhà trong xóm làm trại. Bọn trẻ con được khao một bữa, trước khi về còn được gói xôi, bánh dẻo, bánh nướng. Cứ tíu tít như thế.
Năm nào cũng thế, những đứa trẻ như tôi đều mong trời không mưa. Nếu trời mưa thì coi như Rằm tháng 8 năm đó không có gì dù tập luyện chăm chỉ đi nữa. Trời mưa là bỏ hết.
Tối hôm rằm , lại tập trung ở sân kho xem các cô trong đội văn nghệ biểu diễn lại màn múa hát. Và lại chơi bời với những trò trẻ con.
Lớn lên lớp 8 tôi chuyển đi không còn ở quê nữa và từ đó tới nay cũng chưa có dịp nào hưởng Rằm tháng 8 như thế. Nhưng không khí đó thì vẫn còn, chả biết đến bao giờ tôi lại được sống trong nó nữa.
"Hãy thử bắt đầu lại như là trẻ nhỏ.
Hãy nhìn xem mình đã có, đã mất những gì?"
Vài nét về blogger:
Người Đan Mạch trầm lặng! - Creative.