Phạm Thu Hoài
(Bài dự thi 'Trung thu của tôi')
Trung thu năm đó tôi khoảng 5, 6 tuổi gì đó. Bố về muộn, ba con còn nhỏ, nên đi làm về mẹ lao vào làm việc nhà. Em tôi mới 3 tuổi chưa biết gì, chị gái thì bận trông em. Nhìn thấy bọn trẻ con trong khu đứa nào cũng có đèn ông sao, bọn con trai thì đi nhặt hạt bưởi, phơi khô, xâu vào một sợi dây thép mảnh thành chuỗi dài, đốt thử, nổ lép bép rất vui tai. Tôi xị mặt, ngồi ngoài hiên nhà đòi mẹ mua đèn. Nhưng mẹ tất bật việc nhà nên không để ý gì đến tôi.
Khoảng 6 rưỡi bố về. Thấy con gái xị mặt, bố "quát" mẹ: "Sao giờ này chưa mua đèn cho chúng nó". Rồi bố giằng lấy chậu quần áo đem đi giặt và bảo mẹ chở tôi đi mua đèn ông sao. Cự nự một hồi, mẹ lấy xe đưa tôi đi. Đến chợ, trời đã nhá nhem tối, chỉ còn vài hàng bán đèn đang dựng xe đạp ở đó. Thật chán là đã hết đèn ông sao rồi. Còn vài chiếc đèn hình con vật nữa thôi. Thôi không có đèn ông sao "chính thống" cũng được. Thế là tôi nhất quyết bảo mẹ mua cho được một chiếc đèn hình con thỏ.
Nghe chú bán hàng "quát" giá cao quá mẹ lại tặc lưỡi: "Thôi về đi con ạ!". Tôi lăn đùng ra: "Ứ đâu... ứ đâu...". Thế là mẹ đành phải cắn răng mua cho tôi một cái. Tôi xúng xính mang về. Bố hớn hở ra mặt: "Thế chứ! Thôi các con ăn cơm nhanh, tắm rửa đi để tối còn đi chơi". Chúng tôi chuẩn bị tươm tất.
Khoảng 8 giờ kém 15, bố cắm một ngọn nến nhỏ vào trong đèn và quẹt diêm thắp lên. Giữa khu tập thể là một khoảng sân rộng thường để tổ chức đám cưới. Ba chị em tôi cùng nắm tay vào cây đèn, đi từ từ không sợ đổ nến, tiến ra hòa cùng đám trẻ con đang nô đùa chạy nhảy, hò hét.
Khu "công nhân" tối om giờ đẹp lung linh với hàng trăm ngọn nến lấp lánh. Các xâu hạt bưởi được kết thành vòng tròn, đốt lên nổ tí tách, sáng lấp lánh và tỏa ra làn khói kì ảo đẹp như mơ.
Không có sư tử hay lân, bọn trẻ con nối đuôi nhau bám theo một anh đi đầu cầm cây đèn ông sao to nhất, rước vài vòng quanh sân và ra các ngõ ngách rồi quay về. Theo sau đoàn rước đèn là "đội trống" gồm bốn anh đánh "bục bục... cốp... bục bục... cốp".
Trong âm thanh rộn rã của tiếng hò hét và không khí vui vẻ, tiếng trống "vườn" ấy càng thêm sinh động, ba chị em tôi mải giữ chặt cây đèn nên không tham gia vào đoàn rước được. Đúng lúc đó, một cơn gió nhẹ thoảng qua làm nghiêng cây nến nhỏ đã cháy được một nửa. Thế là lửa bám vào giấy bóng kính của đèn. Chị em tôi phải thổi tắt ngọn nến và "đỡ" đèn về nhà. Về tới nơi, một mâm cỗ trông trăng mẹ đã sắp sẵn. Có mấy quả hồng, một quả bưởi đã bổ, một bánh nướng một bánh dẻo thập cẩm. Mẹ xẻ cho chúng tôi mỗi thứ một miếng. Vì nhà ở đầu hồi nên chúng tôi ngồi ở hiên vẫn nhìn ra được khoảng sân đang náo nhiệt.
Bọn trẻ đang vừa ăn vừa trêu nhau. Đến khoảng 10 giờ đêm, trăng đã lên sáng rõ, trẻ con dần dần ra về. Chị em tôi ngồi ở hiên nhà ngắm cảnh trăng thanh gió mát thêm một lúc nữa. Tôi dần buồn ngủ và thiếp đi trong lòng bố lúc nào không hay. Bố bảo lúc đó tôi ngủ rồi mà vẫn còn cười mỉm.
Đến bây giờ tôi vẫn đi tìm cái không khí và hương vị đêm trung thu năm ấy. Tất cả những điều thú vị tôi đều chia sẻ với chồng, trong đó có kỉ niệm tuyệt vời đó. Cuộc sống đôi khi cho ta những điều giản dị, nhỏ bé nhưng làm ta nhớ mãi.