Họ khảo sát từ giường nằm, bếp ăn đến trình độ y tá. Đứng bàn bạc một lúc họ mới quay về phòng giám đốc. Một hợp đồng được ký kết, giá trị một năm lên tới cả nghìn USD. Hôm sau, một cụ bà tóc bạc trắng, da mồi được chở đến. Hôm sau nữa, mỗi ngày ba, bốn chiếc xe hơi đến thăm bà cụ. Đó là những người con lo báo hiếu cho cha mẹ theo cách mới...
![]() |
Khi các cụ là thượng đế. |
“Tôi muốn đánh tan quan niệm cố hữu: để bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão là bất hiếu”, Giám đốc Nguyễn Tuấn Ngọc, ông chủ loại hình dịch vụ chăm sóc người già còn rất mới mẻ ở VN này, tuyên bố như vậy. Trung tâm của ông hoạt động như một công ty, cũng lấy lợi nhuận làm đầu và uy tín làm đòn bẩy phát triển. Nhiều người gọi đây là công ty báo hiếu thuê, ông Ngọc không đồng ý mà nhẹ nhàng hơn, bảo là “báo hiếu thay”, vì không phải ai cũng dám đầu tư để gửi cha mẹ vào chỗ ông để các cụ được chăm sóc một cách tốt nhất...
Theo lời ông Ngọc, tôi tìm đến khu của những cụ già còn minh mẫn. Nói không sai thì trung tâm của ông đang là “nơi giải quyết cho nhiều nghịch lý”. Có ông cụ vào đây chỉ vì cứ nói chuyện với anh con trai là bực, không thể thống nhất với nhau dù chỉ một ý. Mà ông không thể cả ngày không nói. Khổ nỗi, khi anh con trai nín nhịn để tránh xung đột, ông cũng bực vì tự nói, tự nghe và cảm thấy vô duyên.
![]() |
Các cụ được chăm sóc chu đáo. |
Cụ ông tên Tâm thì lại có nỗi khổ cậu con út bị nghiện. Tiền các con gái gửi về cho ông bao nhiêu bị con út “trấn” hết. Cụ kể: “Nó còn trói, đánh tôi để lấy tiền”. Đến nỗi nay đã thành phản xạ, cứ ai cầm vào khuỷu tay cụ là cụ thẳng tay... đấm vào mặt. Đi ngủ cụ Tâm cũng luôn có cái chày bên cạnh. Gửi cụ vào trung tâm nuôi dưỡng của nhà nước không yên tâm, nên khi biết có dịch vụ chăm sóc người già, cụ Tâm ngay lập tức được con cái chuyển đi, thoát khỏi cái chày và nỗi lo bị trấn lột.
Ở trung tâm này đa số là các cụ nhà chẳng thiếu thứ gì nhưng “ngặt nỗi con có chức vụ cao, đi suốt, thuê người giúp việc thì bị ngược đãi”, cụ Vy, mẹ một thứ trưởng, nói vậy. Một Việt kiều Canada cũng chia sẻ với tôi lý do ông đưa mẹ vào trung tâm: “Nếu điều kiện chăm sóc ở nhà không tốt mà cứ giữ cụ lại thì chỉ làm khổ cụ thôi. Phải cân nhắc đến lợi ích cho người già trước hết nên tôi đã gửi mẹ vào đây...”.
Chúng tôi bước vào Trung tâm chăm sóc người cao tuổi của giám đốc Nguyễn Tuấn Ngọc mà như lạc vào một vùng đồi núi. Vắng lặng, bốn bên bạt ngàn là cây, toàn bưởi, nhãn... của vườn quả Từ Liêm. Hai dãy nhà song song nhau đang được lát nền. Sâu vào trong, dãy bên trái là khu chăm sóc những cụ đã lẫn. Cũng có những cụ bà vật vã, suốt ngày chỉ chực xé quần áo hay có ông luôn mồm chửi bậy.
Chỉ khác với các trung tâm chăm sóc người cao tuổi do Nhà nước bao cấp, các nhân viên ở đây có vẻ tất bật. Reng... Tiếng chuông kêu, “phòng VIP của cụ Xuân đang cần phục vụ”; reng, “cụ Bình đang gọi”. Cả khu nhà mới xây có rất nhiều phòng, mỗi phòng rộng khoảng 25 m2, được thiết kế thuận lợi cho người già. Gần 3 tỷ đồng đã được đổ vào để cho ra một dịch vụ khá hoàn thiện. Đây là khu dưỡng lão nhưng các cụ hoàn toàn có thể đề nghị các dịch vụ y như ở... khách sạn. Tất cả đều được vui vẻ đáp ứng vì để được vào đây thì phải trả tiền, có khi đến hơn 3 triệu đồng/tháng.
Qua khu hội trường, cũng là phòng ăn chung, dãy phía bên phải được xây cách một khoảng sân chính là khu VIP của “công ty báo hiếu thay”. Đến phòng số 7 của bà Xuân, hơn 80 tuổi, nhà ở phố Hàng Bạc, đã “chuyển khẩu” vào trung tâm được gần ba năm, một không gian khép kín hiện ra trước mắt. Trong căn phòng của cụ, trong là bộ salon da, trên kệ là chiếc tivi, bên cạnh là tủ lạnh và trên cao, chiếc điều hòa nhiệt độ làm cho da cụ hồng hào ngay trong những ngày trời heo may lạnh. Đấy là phòng giá cao nhất: 3,5 triệu/tháng. Không phải ngẫu nhiên người con Việt kiều Mỹ của cụ chấp nhận mức giá cao bằng tiền thuê khách sạn hạng sang để đưa mẹ vào trung tâm. Khách sạn, nhà hàng 2 trong 1 này luôn sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi khó tính nhất của người già: từ tắm rửa, chữa bệnh cho đến có người nói chuyện...
![]() |
Phòng VIP của cụ Xuân. |
Tùy vào khả năng chi tiêu, các cụ sẽ được hưởng các mức độ phục vụ tương ứng. Với phòng bốn người, ông Chữ - một đại tá quân đội về hưu bị bệnh alzheimer - trả 850.000 đồng/tháng là đã yên tâm sống khá “vương giả”. Cụ Dư hơi yếu, thích có người bầu bạn đêm ngày, mỗi tháng đóng 1,2 triệu, chế độ ăn như nhau, chỉ có điều sẽ ở cùng phòng với ba người khác. Nếu chỉ muốn ở phòng hai người, “trung tâm báo hiếu” cũng sẵn sàng phục vụ nhưng với mức phí 1,6 đến trên 2 triệu đồng/tháng. Có vẻ đắt nhưng hỏi ra một người con vào thăm mẹ nói thật với tôi: “Vẫn kinh tế chán”.
Mẹ anh là cụ Gụ, có năm con. Bình thường, tiền chăm sóc cụ góp theo đầu người. Nhưng cụ bệnh quá, tiền chăm sóc, đi viện tính ra mỗi tháng cũng mất 3-4 triệu, lại rất mệt mỏi nên các con đưa cụ vào đây, ở chế độ VIP, mất có 3 triệu/tháng, vẫn rẻ mà cụ lại bớt phải di chuyển nhiều... Cụ Minh, cụ Hạ ở phòng VIP móm mém khoe: "Tết năm trước về mấy ngày tôi lại phải vào đây ngay, ăn, ngủ, tắm táp có người giúp quen rồi, về nhà không chịu được...”.
Nhiều người đến nay chép miệng “làm ba năm mà thằng Ngọc mua được ôtô cả tỷ bạc, nó cướp của các cụ hay sao ấy” nhưng anh Ngọc chỉ cười: “Làm gì lãi lớn đến thế. Đấy là món quà của một Việt kiều Mỹ tặng tôi vì khi thăm lại mẹ, thấy bà khoẻ ra và rất vui vẻ”. Có lẽ không ai nhanh nhạy và cũng liều bằng ông Ngọc. Cách đây ba năm, từ ý tưởng của thầy mình là GS Ngô Hy, anh đã quyết bỏ dở chừng công việc trợ lý giám đốc ở bệnh viện Thanh Nhàn, vay mấy tỷ để mở trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi.
“Đây là lĩnh vực cần đầu tư lớn, thu hồi vốn lại chậm”. Kinh nghiệm của ông giám đốc này cho thấy không phải các cụ già không có tiền. Cả đời tích góp, chẳng qua các cụ không còn đủ sức lực để thoát ra khỏi vòng tay của con cháu thôi. Nay thì mô hình đã thành công. “Các cụ ở đây có con là bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc rất nhiều”.
Trong khi con cái bận tối mắt tối mũi, người già phải cô độc, tự chống chọi với bệnh tật thì vào một khu nghỉ dưỡng trả tiền để có quyền yêu cầu được phục vụ, được sống và chăm sóc sức khoẻ, thi thoảng về chơi với con cháu... là một lối sống mới rất tốt cho họ. Ông Ngọc bảo vấn đề chỉ còn là dư luận và điều kiện từng gia đình thôi.
Vì dịch vụ tiện ích này, đã có hai vợ chồng già bàn bạc rồi bán nhà vào trung tâm của ông Ngọc ở. Cụ Yến không con cái, anh con nuôi luôn mồm đòi bán nhà. Cụ chia tài sản với con, gom được hơn 50 triệu giao cho giám đốc Ngọc “Nếu tôi mất sớm, tiền thừa tôi hiến cho trung tâm, ngược lại các anh phải nuôi tôi đến trọn đời”. Công ty đồng ý, cụ mãn nguyện, yên tâm sống ở đây suốt quãng đời còn lại.