Mới đây, món pao cai - một loại đồ chua Tứ Xuyên với thành phần chính là bắp cải - đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế, và tờ Global Times (phiên bản tiếng Anh của tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc) gọi tiêu chuẩn ISO này là "tiêu chuẩn quốc tế dành cho ngành sản xuất kim chi mà Trung Quốc đang dẫn đầu". Việc gọi pao cai là kim chi nhận hàng loạt phản ứng trái chiều từ dân Hàn Quốc về xuất xứ của kim chi, bởi nhiều người coi đây là "quốc hồn quốc túy", gắn với bản sắc của quốc gia.
Ngược lại, trên Weibo, không ít người dùng mạng Trung Quốc tuyên bố kim chi là món ăn truyền thống của nước họ vì hầu hết kim chi tiêu thụ tại thị trường Hàn Quốc được sản xuất ở Trung Quốc. "Nếu không đạt tiêu chuẩn, thì món đó không phải là kim chi", một người viết trên Weibo. Hay một ý kiến khác: "Ngay cả cách phát âm từ "kim chi" cũng có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc. Còn gì để nói nữa?".
Người Hàn Quốc nhanh chóng đáp trả, cho rằng dân Trung Quốc đang cố biến kim chi thành của họ. "Thật vô lý. Họ đang đánh cắp văn hóa của chúng ta" - một người viết trên Naver, mạng xã hội lớn xứ kim chi. "Tôi đã xem tin tức trên mạng về việc Trung Quốc nói kim chi là của họ, và họ đang tạo ra tiêu chuẩn quốc tế cho nó. Điều đó thật phi lý. Tôi sợ rằng họ có thể đánh cắp cả hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc) lẫn nhiều loại hình văn hóa khác, không chỉ kim chi" - Kim Seol Ha (Seoul), trả lời phỏng vấn của Reuters.
Thậm chí, một số phương tiện truyền thông Hàn Quốc đã chỉ trích tuyên bố này và ví đây là "nỗ lực thống trị thế giới" của Trung Quốc, trong khi nhiều bình luận trên mạng xã hội xứ củ sâm nêu lên những lo ngại về việc Bắc Kinh đang thực hiện "các biện pháp ép buộc kinh tế".
Hôm 29/11, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc ra tuyên bố, "Báo cáo (về pao cai đạt tiêu chuẩn ISO) mà không phân biệt kim chi với pao cai của Tứ Xuyên là không phù hợp". Bộ cho biết thêm, "Chúng ta cần hiểu rằng pao cai khác với kim chi".
Một ngày sau, bộ Nông nghiệp Seoul giải thích, kim chi không chỉ là bắp cải lên men mà còn là một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc. Nó đã được công nhận đạt tiêu chuẩn toàn cầu trong gần hai thập kỷ. Việc Bắc Kinh giành được chứng nhận ISO cho pao cai là một loại rau muối chua ở Trung Quốc, "không liên quan gì đến kim chi". Mặc khác, theo tài liệu ISO, Trung Quốc bắt đầu quá trình tiêu chuẩn hóa pao cai từ năm 2019. Đến tuần trước, năm thành viên ISO gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Iran và Serbia đã phê duyệt các tiêu chuẩn cho pao cai. Vì thế, "tài liệu này không áp dụng cho kim chi" - bộ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, toàn bộ quy trình làm kim chi, gọi là "kim jang", từ việc rửa và ngâm rau trong nước muối, đến xào tỏi, ớt đỏ, cá muối... rồi trộn lại, đặt chúng trong lọ đất sét, chôn dưới lòng đất là hoạt động truyền thống, được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể vào năm 2013.
Còn pao cai hay được làm từ bắp cải, thân cây mù tạt, ớt tươi, cà rốt, gừng... ngâm chua ngọt, dùng làm món ăn kèm. Một biến thể khác của pao cai gọi là suan cai, món đặc trưng ở vùng Đông Bắc (Trung Quốc) thì thường ăn với cháo trắng.
Diệp Tử tổng hợp