Tám quy định nêu rõ: Đầu tiên, phải kiên quyết chống lại những nghệ sĩ vi phạm pháp luật và đạo đức. Thứ hai, kiên quyết phản đối việc chạy theo văn hoá cuồng thần tượng. Thứ ba, phải kiểm soát chặt chẽ việc tuyển chọn diễn viên, khách mời và kiên quyết chấm dứt sử dụng "nương pháo" (chỉ những người con trai cư xử điệu đà, tính cách giống con gái) cũng như các loại hình thẩm mỹ bất thường khác. Thứ tư, kiên quyết chống lại việc trả thù lao cao cho nghệ sĩ, nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc quy chế trả tiền lương diễn viên, khách mời... theo khuôn khổ được quy định.
Các quy tắc chấn chỉnh của Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình cũng nhấn mạnh điểm thứ 5 và 6 là cần tăng cường hiệu quả công tác quản lý người hành nghề, đưa ra đánh giá, bình luận trong các chương trình một cách nghiêm túc, khách quan và có trình độ.
Hai quy định cuối đề cập việc kiên quyết nói "không" với các hình thức giải trí trái pháp luật, phi đạo đức và truyền thống, đồng thời phát huy hết vai trò của các tổ chức trong ngành.
Thông báo yêu cầu cần tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức cho trẻ em và nghiêm cấm các em tham gia các hoạt động của các nhóm thần tượng, không phát sóng các chương trình thần tượng tài năng, chương trình tạp kỹ hoặc chương trình truyền hình thực tế liên quan đến những người nổi tiếng nhí. Cán bộ đảng viên các cấp cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc hun đúc các thế hệ tương lai.
Loạt quy định mới mà cơ quan chức năng Trung Quốc đưa ra làm dấy lên thảo luận sôi nổi trên Weibo. Đa phần cho rằng điều này là đúng đắn, nhằm chấn chỉnh một bộ phận nghệ sĩ thoái hóa, biến chất. Tuy nhiên, không ít người phản đối quan điểm này.
Trong khi các cơ quan chức năng đánh giá thấp văn hóa tôn sùng người nổi tiếng và chỉ trích các sao nam chuộng trang điểm đậm, làm tóc lòe loẹt và hướng đến hình tượng nữ tính, cho rằng các chàng trai Trung Quốc nên trở nên nam tính hơn, nhiều khán giả nói rằng họ yêu thích những xu hướng thẩm mỹ sáng tạo, khác biệt, và điều này "không có gì là sai trái".
"Thực ra thẩm mỹ nên đa dạng", một người bình luận trên Weibo và thu về 20.000 lượt thích. "Đây không phải là dạng loại kỳ thị sao?" là một bình luận được đánh giá cao khác.
Bất chấp những ý kiến trái chiều từ dư luận, Trung Quốc đang rất nỗ lực trong việc triển khai quy định này vào đời sống người nổi tiếng. Tại một sự kiện ở Bắc Kinh vào cuối tháng 8, các ngôi sao điện ảnh Chu Đông Vũ và Đỗ Giang đã tham gia khóa học về đạo đức nghệ sĩ. Họ chỉ trích các ngôi sao vượt qua giới hạn, đồng thời kêu gọi các đồng nghiệp khác không bao giờ trở thành nô lệ của thị trường, buộc phải có trách nhiệm với xã hội.
Không chỉ hướng đến giới văn nghệ sĩ, chính quyền còn ra tay với một loạt các streamer, blogger lớn tại thị trường tỷ dân. Gần đây, nhà phát triển ứng dụng video Douyin đã hủy bỏ kênh của một nam streamer Trung Quốc tên là Feng Hsiao-yi, sau khi anh đăng một video nói mình "giống phụ nữ hơn những phụ nữ khác".
Nguyễn Hương (Theo HK01)