Hồ sơ cho thấy chiếc trực thăng được sản xuất năm 2004 và có 12.728 giờ bay trước khi được sửa chữa. Chiếc trực thăng đã được cấp giấy chứng nhận khả năng bay vào năm 2016, có hiệu lực đến năm 2029.

Một chiếc trực thăng Bell 206 đuôi N216MH của công ty New York Helicopter trên bãi đáp trực thăng. Ảnh: Facebook New York Helicopter
Trước đó chiếc trực thăng Bell206L-4 LongRanger IV của hãng New York Helicopter gặp sự cố và rơi xuống sông Hudson. Vụ tai nạn khiến toàn bộ 6 người trên máy bay thiệt mạng, bao gồm một gia đình đến từ Tây Ban Nha.
Một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Trong đó, các yếu tố như kinh nghiệm của phi công, các mảnh vỡ máy bay và công ty tổ chức các tour du lịch đều được xem xét.
Các nhà điều tra cũng sẽ kiểm tra công tác bảo trì được thực hiện trên chiếc trực thăng, bao gồm cả việc hoàn thành hai chỉ thị về khả năng bay an toàn mà FAA đã ban hành đối với dòng trực thăng Bell 206L. Chỉ thị thứ nhất, được ban hành vào tháng 12/2022, yêu cầu kiểm tra và có thể thay thế cánh quạt chính do "phân lớp". Vấn đề này, nếu không được khắc phục, có thể dẫn đến hỏng cánh quạt.
Chỉ thị thứ hai, được ban hành vào tháng 5/2023, yêu cầu kiểm tra và có thể thay thế trục cánh quạt đuôi trên tám mẫu máy bay, bao gồm cả chiếc trong vụ tai nạn hôm thứ 10/4. FAA đã đưa ra cảnh báo này sau khi một chiếc trực thăng bị mất bộ truyền động cánh quạt đuôi do lỗi khớp nối.
Theo Jennifer Homendy, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cánh quạt của chiếc trực thăng vẫn chưa được tìm thấy. Các thợ lặn của Sở Cảnh sát New York đang tìm kiếm các mảnh vỡ của máy bay. Đoạn phim ghi lại cảnh chiếc trực thăng vỡ giữa không trung trước khi rơi xuống sông, với ít nhất một cánh quạt vẫn quay trong khi các bộ phận khác rơi xuống theo nhiều hướng.

Chiếc trực thăng rơi xuống sông Hudson hôm 10/4 khiến 6 người thiệt mạng, Ảnh: Bruce Wall
Trực thăng cất cánh từ Downtown Skyport của Manhattan vào đầu giờ chiều ngày 10/4, chở vợ chồng giám đốc điều hành Siemens Tây Ban Nha, Agustin Escobar và ba con nhỏ. Phi công Sean Johnson, 36 tuổi, một cựu chiến binh SEAL của Hải quân, điều khiển máy bay. Page Six cho hay Sean mới chuyển đến New York để theo đuổi sự nghiệp hàng không còn mới mẻ.
Chỉ khoảng 30 phút sau khi cất cánh, phi công báo trực thăng trở về căn cứ để nạp nhiên liệu. Tuy nhiên sau đó nó gặp sự cố và rơi xuống sông Hudson. Vụ tai nạn khiến toàn bộ gia đình thương gia Agustin Escobar và phi công thiệt mạng.
Đây không phải là lần đầu tiên công ty du lịch này gặp sự cố với máy bay. Một chiếc trực thăng Bell 206 chở bốn du khách Thụy Điển đã hạ cánh khẩn cấp xuống sông Hudson khi máy bay bị mất điện vào tháng 6/2013. Phi công và bốn thành viên trong gia đình đã sống sót một cách kỳ diệu. Giám đốc điều hành New York Helicopter, Michael Roth, khi đó đã nói với tờ Wall Street Journal rằng chiếc trực thăng được kiểm tra định kỳ hàng ngày nhưng "không biết tại sao" lại trục trặc giữa chuyến bay.

Gia đình thương gia công nghệ và phi công đều thiệt mạng khi máy bay rơi xuống sông. Ảnh: New York Helicopter Tours LLC
12 năm sau, vị CEO cũng "không biết" chuyện gì đã xảy ra. "Tôi hoàn toàn suy sụp. Điều duy nhất tôi biết khi xem video trực thăng rơi xuống là cánh quạt chính không còn trên máy bay. Và tôi chưa từng thấy điều gì tương tự trong 30 năm kinh doanh lĩnh vực trực thăng. Tôi chỉ có thể đoán - tôi không biết chắc - là máy bay đã va phải chim hoặc cánh quạt chính bị hỏng. Tôi không biết. Thật kinh hoàng. Nhưng phải nhớ rằng đây là máy móc và chúng có thể bị hỏng", ông Roth nói.
Hà Trang (Theo Page Six)