Bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đứng lặng lẽ ngoài cửa phòng vật lý trị liệu, chăm chú dõi theo từng cử động của Trúc Nhi, Diệu Nhi bên trong.
Trúc Nhi đang chơi, bỗng ngoảnh về phía ông, nở nụ cười thật tươi. Vị bác sĩ đưa tay vẫy, ánh cười hiện lên đôi mắt. Gần hai tháng sau ca mổ tách dính đôi song sinh Trúc Nhi, Diệu Nhi, bác sĩ Định mới có thể hoàn toàn yên tâm về hai cuộc đời mới hoàn toàn độc lập.
"Mỗi đáp ứng, diễn tiến đang đi đúng quỹ đạo của một em bé phát triển bình thường. Đó là thành công tuyệt vời của các con", bác sĩ Định chia sẻ hôm 4/9.
Hoàng Trúc Nhi và Hoàng Diệu Nhi, nay tròn 14 tháng tuổi, là chị em song sinh từng dính liền vùng bụng chậu, tư thế mặt đối mặt, kiểu cực kỳ hiếm gặp trên thế giới. Khiếm khuyết khiến hai bé sống phụ thuộc lẫn nhau và gặp muôn vàn bất tiện "không thể diễn tả được bằng từ ngữ".
Từ 6 tháng tuổi, cặp song sinh biết ngồi dậy, bò chồm. Ngặt nỗi, cấu trúc cơ thể đặc biệt, một bé đứng hoặc ngồi thì bé kia luôn phải nằm phía dưới. Những lần di chuyển không ăn ý, hai chị em cụng đầu, va chạm liên tục. Hai bé chỉ có một hậu môn duy nhất nằm ngay giữa hai cơ thể nên việc thay tã, vệ sinh khá khó khăn. Mong muốn các con có cơ thể hoàn chỉnh, độc lập, có cơ hội phát triển như những trẻ em lành mạnh khác, cha mẹ bé và các bác sĩ đã quyết định thực hiện mổ tách dính, sửa chữa phần cơ thể khiếm khuyết.
Ca đại phẫu thuật tách hai đứa trẻ được gần 100 y bác sĩ từ các bệnh viện lớn ở miền Nam tiến hành hôm 15/7. Khi ấy các cháu 13 tháng tuổi.
Đến nay, vừa tròn 50 ngày sau cuộc mổ, chứng kiến hành trình hồi phục phi thường của hai bé, bác sĩ Định, vị nhạc trưởng kiêm phẫu thuật viên chính, thốt lên: "Đó là những bước tiến diệu kỳ!".
Điều diệu kỳ tưởng chừng vô cùng giản đơn với trẻ khác, như tự ngồi, tự đi tiểu, tự đứng, cầm nắm đồ vật, tự ăn sữa, tăng cân... nhưng Trúc Nhi và Diệu Nhi đã phải kiên trì, nỗ lực từng chút.
Chị Đỗ Thị Bích Thuận, Kỹ thuật viên trưởng khoa Phục hồi chức năng, cho biết Trúc Nhi và Diệu Nhi vừa bước vào giai đoạn tập phục hồi toàn diện mới. Ngoài các bài vật lý trị liệu vận động và điều hòa cảm giác đang thực hiện hàng ngày, các bé sẽ được tập phát triển ngôn ngữ và kỹ năng sinh hoạt mỗi tuần một lần.
Từ những em bé có chế độ chăm sóc đặc biệt, trên cơ thể mang hàng tá dây nhợ chằng chịt, ở trong phòng vô trùng, nay hai bé đã được bước ra khỏi vùng an toàn. Lần đầu tiên cặp song sinh được bế trên tay ba mẹ, đi dạo khắp khoa Phục hồi chức năng, phòng nào cũng ghé, vừa tập vừa chơi. Trúc Nhi khỏe mạnh hơn, được rút ống thông tiểu trước nên di chuyển khá dễ dàng. Mỗi bạn nhỏ có một kỹ thuật viên riêng hướng dẫn. Ba mẹ cũng có mặt bên con, cùng thao tác, động viên bé.
Theo chị Thuận, các cháu rất hứng thú và hợp tác, nghe hiểu và làm theo tốt các hướng dẫn của kỹ thuật viên. Các cơn đau được kiểm soát tốt nên bé dễ dàng chấp nhận luyện tập. Dù cử động chân sau phẫu thuật chưa linh hoạt, nhưng bé có thể giơ lên cao, chạm nhẹ vào con gấu bông yêu thích được đưa làm mồi nhử. Hay khi bé nằm ngửa, chống hai chân xuống sàn, kỹ thuật viên giữ bàn chân, khuyến khích bé nhấc mông thì cả Diệu Nhi và Trúc Nhi đều ưỡn lên chuẩn xác.
Đặc biệt, đôi chân bé khép sát nhau, cứng cáp hơn, đã có thể vịn đứng thời gian ngắn khi có sự hỗ trợ của ba mẹ hoặc nhân viên y tế. Đến nay, khung bột cố định xương chậu và chân tháo hoàn toàn, hai bé chỉ cần đeo dụng cụ chỉnh hình cố định chân đơn giản vào buổi tối, lúc đi ngủ. Khoảng hai tháng tới, khi bé đứng vững, trục chân thẳng, không cần bấu vịn thì sẽ bắt đầu tập đi.
"Dự kiến 9 tháng nữa, vào sinh nhật hai tuổi, các bé sẽ đi đứng vững vàng, độc lập giống các bạn đồng trang lứa", chị Thuận hy vọng.
Hai bạn nhỏ đã có phản xạ giữ cân bằng, tự chống đỡ khi ngồi xích đu. Chị Thuận cho biết các bài tập điều hòa cảm giác không quá phức tạp, được thiết kế kết hợp vừa tập vừa chơi. Bé ngồi một mình, xích đu đung đưa nhẹ nhàng, bé tự sinh cảm giác chông chênh, kỹ thuật viên giúp em bám vào dây. Việc này giúp bé cảm nhận được sức mạnh trên gân, cơ, khớp.
Về ngôn ngữ, hai cháu bắt đầu nói được một vài từ cơ bản như "papa", "meo meo"... Cặp song sinh thể hiện sở thích yêu sách, chăm chú lắng nghe tiếng còi xe cứu thương, tiếng mèo kêu vang từ cuốn sách nhiều sắc màu. Khi mẹ chỉ vào chú chó bông hỏi "con gì đây Dâu ơi?" (tên thân mật của Trúc Nhi), bé trả lời "chó". Em còn biết nhại lại tiếng chó sủa "gâu gâu".
Thậm chí, kỹ thuật viên cố tình gọi sai tên bé Táo (Diệu Nhi) thành Dâu, em làm mặt lơ, lắc đầu, không trả lời. Gọi đúng tên, Diệu Nhi vui vẻ. Suốt buổi tập, hai chị em liên tục ngó nghiêng, quan sát lẫn nhau.
Hiện, việc ăn uống của bé khá tốt. Mỗi ngày đều hết 7 cữ sữa, mỗi lần 130 ml. Trừ khi cơn buồn ngủ ập tới làm nũng, bé mới bỏ dở. Bác sĩ dinh dưỡng tập cho các bé ăn cháo thịt nấu nhuyễn hơn nửa tháng qua. Bữa cháo phụ buổi trưa, chiều diễn ra suôn sẻ. Thay vì nằm ăn thụ động, đút qua bơm truyền, hai chị em tự cầm bình sữa bú, ăn cháo bằng thìa, ngồi ghế ăn đúng tư thế. Các bé được tận tay chạm vào thức ăn nên hứng thú với đồ ăn, bớt các cơn nôn ói và tiêu hóa tốt hơn.
Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho hai bé, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã lên kế hoạch tập vật lý trị liệu, ngôn ngữ, dinh dưỡng... chi tiết. Tuy nhiên, theo bác sĩ Định, kế hoạch chỉ là tính toán lộ trình. Bởi bản thân mỗi bé có thể trạng riêng và sự đáp ứng khác nhau với các loại thuốc, thủ thuật. Do đó mỗi hoạt động hỗ trợ tập luyện không thể gấp gáp mà phải đi theo diễn biến tâm lý, sức khỏe của trẻ.
Trúc Nhi và Diệu Nhi trải qua ca phẫu thuật quan trọng nhất cuộc đời, dài 13 giờ. Ba thì mổ tách rời, tái tạo, sắp xếp lại xương và các cơ quan vùng bụng chậu kết thúc thành công trong niềm vỡ òa của người dân cả nước. Chặng đường phía trước còn nhiều gian truân. Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khẳng định: "Sẽ đồng hành đến khi cặp song sinh 18 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh và độc lập".
Anh Thư