Ngày 20/12/2004, tại quốc lộ 1A, thuộc địa phận huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định xảy ra vụ cháy chiếc ô tô tải vận chuyển 72 chiếc xe máy hiệu Star - MH3. Toàn bộ tài sản này bị thiêu cháy. Chuyến xe tải vận chuyển 72 chiếc xe máy của hãng SYM do Công ty vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông (VTVT & CTGT) ký hợp đồng chở hàng với đơn vị trực thuộc là Xí nghiệp vận tải và đại lý. Xí nghiệp trực thuộc này thuê Công ty cổ phần Tân Đại Đại và Tân Đại Địa lại thuê chủ xe tải do 2 lái xe Phạm Tuấn Hải và Phạm Thành Nhân điều khiển. Sau khi xe bị cháy, 11h03, cảnh sát PCCC nhận được tin báo đã cử tổ công tác đến ứng cứu.
Ông Thái Văn Cách, đại diện phía công ty bảo hiểm Viễn Đông, cho biết, cũng ngay thời điểm xe đang cháy là 11h10, ông Phạm Minh Tuấn, Trạm trưởng trạm giao nhận số 2 thuộc Công ty VTVT & CTGT đã gọi điện đến cho nhân viên kinh doanh của công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông, chi nhánh Hà Nội yêu cầu mua bảo hiểm cho chuyến hàng vận chuyển nội địa từ SYM Đồng Nai đến SYM Hà Tây khởi hành từ chiều 19/12/2004. Dù đặt mua bảo hiểm qua điện thoại, chưa thanh toán tiền bảo hiểm và hợp đồng vẫn chưa có đầy đủ chữ ký cả hai bên, nhưng cả phía công ty bảo hiểm Viễn Đông và Công ty VTVT & CTGT vẫn thoả thuận hợp đồng có hiệu lực từ 11h00 ngày 20/12/2004.
Vì vậy khi xảy ra vụ cháy, thiệt hại hoàn toàn 72 chiếc xe gắn máy, phía Công ty VTVT&CTGT đã có đơn gửi công ty bảo hiểm Viễn Đông đề nghị bồi thường bảo hiểm toàn bộ số hàng trên. Tuy nhiên, phía công ty Viễn Đông cho rằng tổn thất không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của bị đơn vì tổn thất chắc chắn phải xảy ra trước 11h.
Đại diện công ty Viễn Đông cho rằng, theo Toà sơ thẩm đã xác định, cơ quan công an đầu tiên nhận được tín báo cháy là lúc 11h03, chắc chắn, việc cháy xe đã phải xảy ra trước đấy. Chính tại công văn xác định giờ báo cháy của công an huyện Phù Mỹ cũng khẳng định: "Vào lúc 11h15 phút, công an huyện Phù Mỹ nhận được tin báo về vụ cháy xe nói trên, công an huyện Phù Mỹ đã điện báo cảnh sát PCCC đến cứu chữa và cử cán bộ xác minh để điều tra làm rõ những vấn đề liên quan. Qua làm việc với lái xe Phan Thành Nhân và những nhân chứng thời có mặt thời điểm xảy ra vụ cháy đã trình bày phát hiện lửa bùng cháy ở thân xe khoảng 11h khi xe đang vận hành. Như vậy thời gian phát cháy chiếc ô tô tải 29S - 1059 đã xảy ra trước 11h ngày 20/12/2004".
Vậy nhưng cũng tại Toà sơ thẩm, chủ toạ vẫn lấy thời điểm cơ quan công an nhận được điện thoại báo cháy để khẳng định chính là thời điểm xe phát cháy là hoàn toàn thiếu cơ sở. Cũng theo bị đơn thì có sự trục lợi bảo hiểm qua vụ cháy này, vì cũng chính thời điểm chiếc xe tải này đang cháy, thì phía Công ty VTVT & CTGT gọi điện đến công ty bảo hiểm Viễn Đông mua bảo hiểm cho chuyến hàng đang bị cháy này. Liệu đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Nếu lấy lý do ngày 19/12 xe xuất hành là chủ nhật nên không mua được bảo hiểm thì tại sao mãi đến cuối giờ trưa ngày 20/12 mới gọi điện thoại mà không trực tiếp đến công ty như 2 lần trước. Vì Công ty VTVT & CTGT là khách hàng quen của Viễn Đông, từng 2 lần mua bảo hiểm, nhưng những lần trước, khách đến tận công ty để ký hợp đồng trước khi hàng được xếp dỡ lên xe. Nhưng lần bảo hiểm này lại không như quy định, vì chưa thanh toán tiền mua bảo hiểm cũng như chưa ký hợp đồng bảo hiểm, nhưng hiệu lực của hợp đồng vẫn được tính từ lúc 11h ngày 20/12/2004. Đấy cũng chính là cái "khe hở" để nguyên đơn và bị đơn tranh cãi tại toà.
Khánh Ngọc