Đúng dịp 8/3 năm 2011, cả làng bóng Việt Nam bị sốc thực sự trước những hình ảnh các cầu thủ nam lao vào hành hung trọng tài nữ. Người bị lãnh đủ trận đó là trọng tài FIFA Mai Hoàng Trang. Trong trận điều hành tại giải bóng đá hạng A TP HCM, sau khi bị lăng mạ, trọng tài Trang đã bị cầu thủ Phan Trần Quý từ phía sau xông tới xô ngã, rất may được can thiệp kịp thời.
Đó chỉ là một số ít câu chuyện đáng buồn với các trọng tài nữ và không phải ai cũng biết để chia sẻ. Bóng đá nữ vốn quá thiệt thòi, nghề vua áo đen của các cô gái phái yếu cũng lắm chông gai và nhiều thử thách.
Những kỷ niệm trong sự nghiệp của các trọng tài kỳ cựu như Phụng Tiên, Kiều Thị Thúy… cũng có rất nhiều tình huống tương tự. Là vua sân cỏ nhưng dẫu sao, họ vẫn là phái nữ, chân yếu tay mềm, không dễ dàng vượt qua cú sốc. So với các trọng tài nam, các trọng tài nữ dù bị đe dọa, hành hung ít hơn nhưng hậu quả để lại nặng nề hơn nhiều. Một trọng tài nữ kể lại, hầu như gia đình của các nữ trọng tài đều yêu cầu con mình, vợ mình… phải bỏ nghề, vì những hình ảnh đó cũng chẳng đẹp gì, lại thấy thương vợ, thương con, thương mẹ. Chính những tác động đó từ gia đình và người thân, càng tạo ra áp lực ghê gớm với các trọng tài nữ, khiến không ít người phải bỏ cuộc giữa chừng.
So với các đồng nghiệp nam, các trọng tài nữ thua thiệt nhiều. Không chỉ từ chuyện lương, thưởng, mà đến cả các chế độ, phụ cấp. Ngay cả đến việc xét danh hiệu còi vàng, cờ vàng để chị em phấn đấu, cũng chưa được VFF “ngó” tới suốt 10 năm qua. Bởi vậy, cả một năm cống hiến nhưng cuối mùa, các trọng tài nữ chỉ biết nhìn các đồng nghiệp nam của mình được cả nước tôn vinh bởi những danh hiệu cao quý.
Sự hỗ trợ với các trọng tài nữ cũng không nhiều. Bởi vậy, họ thường tự thân vận động là chính. Những trọng tài kỳ cựu nhất như Công Thị Dung, Lê Thị Hoa, Lê Thị Hạnh... ai cũng có nghề tay trái để nuôi nghiệp của mình.
Khó khăn, thiệt thòi có thể vượt qua nhưng nỗi đau lớn nhất với trọng tài nữ là không phải ai cũng thông cảm với nghề của các chị. Cứ nhìn trọng tài FIFA Kiều Thị Thúy ngoài đời xinh đẹp, hiền dịu là vậy nhưng đến giờ, khi đã bước sang tuổi 35 vẫn chưa có ai để ý. Không chỉ Thúy, trong các nữ trọng tài đa số đều chưa có gia đình. Nhan sắc tuổi trẻ khó mà giữ gìn được với cái nghề quanh năm suốt tháng chạy ngoài trời. Rồi những chuyến đi công tác xa nhà biền biệt, môi trường làm việc lại thường xuyên tiếp xúc với nam giới, khó tránh khỏi việc những người không hiểu, và không thông cảm được cho các chị. “Vì người ta không hiểu và thông cảm cho công việc của mình cũng phải chấp nhận thôi”, nữ trọng tài FIFA Kiều Thị Thúy tâm sự.
Các trọng tài nữ thường tự an ủi, dù sao đó cũng là công việc cao quý, lại đánh đổi cả tuổi thanh xuân và đang góp phần giúp bóng đá nữ Việt Nam từng ngày phát triển. Quả thực, để có được thành công như hôm nay, những trọng tài nữ Việt Nam đều phải xác định phải không ngừng tập luyện nâng cao thể lực, học hỏi kiến thức, ngoại ngữ. Bởi vậy, có trọng tài đã ngoài 40, nhưng vẫn cứ chạy hàng chục cây số mỗi ngày để rèn thể lực, còn buổi tối lại lao vào các lớp học tiếng Anh, thời gian dành cho gia đình rất ít. Với họ, sự rèn luyện và cả những chịu đựng suốt nhiều năm qua, đã tạo nên những bông hồng thép ngoài sân cỏ.
Vẫn biết cái nghiệp cầm còi, cầm cờ bóng đá nữ vốn tốn công ít của, lại chẳng công danh gì, nhưng tình yêu với trái bóng, với những tiếng còi, cái cờ đã khiến bao người không thể từ bỏ được.
Mai Hương