Giảng đường "trống vắng" những ngày cuối năm. |
Sinh viên thích chạy sô kiếm tiền tiêu Tết và cũng là để thể hiện bản lĩnh của mình. Sinh viên xa quê, nhớ nhà... Tất cả những điều trên đã khiến nhiều sinh viên chọn cách... trốn học trong những ngày cuối năm.
Hiện nay, nhiều trường ĐH xếp lịch thi học kỳ sớm nên khi thi xong sinh viên (SV) vẫn phải học một số buổi nữa mới được nghỉ Tết. Đối với nhiều SV thì đó là một sự "tra tấn" thực sự. Hiền, SV ĐH Luật Hà Nội cho biết, năm nào trường cô cũng thi học kỳ xong sớm. Do đó, các SV thường phải học sang kỳ sau thêm 1 đến 2 tuần nữa mới được nghỉ Tết.
Hiền nói mặc dù cô cũng muốn nghỉ sớm trước vài ngày để về quê nhưng cũng cảm thấy "sợ sợ". Thường vào thời điểm cuối và đầu năm học, nhà trường "thiết quân luật" và cảnh cáo nặng những SV nghỉ học. Nhưng số người nghĩ được như Hiền trong lúc này là rất ít. Hơn nữa, họ lại được cái quy định nghỉ 20% của Bộ che chở, bảo vệ. (Sinh viên có thể nghỉ đến 20% trên tổng số thời lượng phải học của môn, Bộ GD-ĐT quy định).
Những ngày cuối năm này, giảng đường lớp SV năm thứ 4 ở một trường ĐH Hà Nội: lớp có sĩ số 98 mà số SV đến lớp chỉ vỏn vẹn 24 người. Lớp này hôm nay chỉ đến để học vài tiết và chủ yếu là bàn về kế hoạch đi thực tập kỳ tới. Người giảng viên trẻ của lớp học cũng chỉ biết lắc đầu, nói chuyện vài phút, sau đó cho SV về.
Sự buồn tẻ tại các giảng đường những ngày học cuối năm này càng phổ biến với SV năm cuối. Nhiều SV không còn nhiệt huyết và cũng chẳng tìm được cho mình một động lực để học.
Bích Hà là SV năm thứ 3 ĐH Ngoại thương. Quê Hà ở tận Quảng Bình, mỗi năm cô chỉ về quê hai lần vào dịp hè và Tết Nguyên đán. Năm nay, theo như lịch trình của trường, cô phải học thêm đến tận ngày 25/1 mới được nghỉ. Và thế là cô quyết định bỏ hai ngày học của đầu tuần để có thể... tống tiễn ông Công, ông Táo ở nhà quê.
Cũng vì lý do quê xa như Hà nhưng Đoàn, SV năm thứ 4 ĐH Thủy lợi tự cho phép mình nghỉ Tết trước quy định đến... một tuần lễ. Sợ tàu xe khó khăn chỉ là một cái cớ, Đoàn về Lạng Sơn sớm còn bởi hy vọng sẽ kiếm được ít tiền từ những vụ buôn hàng cuối năm. Đoàn vẫn nổi tiếng ở trường mình là một "con buôn" có hạng. Một số lần trước, khi quay lại Hà Nội, cậu mang theo một lô kính mắt để bán, cũng kiếm được tiền triệu.
Có cả hàng trăm lý do và hoàn cảnh khiến SV thực hiện những cuộc đào tẩu khỏi giảng đường. Đúng là "khi được đi học, thích được nghỉ, đến lúc học xong rồi thì lại muốn trở lại thời đi học...". Song nếu trốn học là một lựa chọn thì việc lấy lại những năm tháng bị mất là điều không bao giờ có thể.
(Theo Thanh Niên)