- Lang thang trên phố thấy anh sung mãn hăng như một chú ngựa phi mã đại, đi đi về về giữa thế giới rộng dài bất tận của cuộc sống. Anh có bí quyết gì vậy?
- Sống trẻ, sống khỏe, sống vui, lúc nào thích viết thì viết. Khi nào giời bắt đi thì đi. Trời cho là được, đất gọi là đi.
- Trong làng âm nhạc Việt Nam, có nhạc sĩ nào mọi người cho là vĩ đại mà anh cảm thấy cũng "bình thường thôi" ?
- Một số nhạc sĩ mọi người cho là ghê gớm, nhưng đối với tôi, tôi không quan niệm đấy là nhạc sĩ. Dĩ nhiên là người rất nổi tiếng.
- Ai vậy?
- Điều đó có thể vạch ra ngay, nhưng xin cho tôi được không nói.
- Một người thẳng thắn như anh, sao không lên tiếng?
- Vì không thích tranh luận "âm", tranh luận tiêu cực.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường. |
- Sao anh không nghĩ rằng thay vì mang niềm vui đến cho một dân tộc thì mình còn phải "tấn công" sang khác châu lục khác?
- Nhạc sĩ nổi tiếng 70-80 triệu dân biết đến cũng là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng nên hiểu rằng, anh ra khỏi chữ S là vô nghĩa ngay. Văn chương Việt Nam, văn hóa Việt Nam chưa có cái gì ra thế giới được, thơ ca cũng vậy.
- Nói thế có hơi khắt khe không khi mà các nghệ sĩ của ta thỉnh thoảng vẫn được mời đi dự hội thảo các nơi trên thế giới?
- Cũng như tôi có một số chương trình biểu diễn ở nước ngoài, nhưng nó chả là cái gì, lọt thỏm. Nguyễn Huy Thiệp nổi tiếng ở nước ngoài cũng chỉ Việt kiều với nhau. Nhưng hãy nghĩ rằng 79 triệu người biết yêu đến một Dương Thụ, một Trần Tiến, một Nguyễn Cường, một Nguyễn Huy Thiệp, một tranh ông Phái... là hạnh phúc quá rồi còn gì.
- Có người nói "tứ trụ triều đình" trong âm nhạc là: Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Phó Đức Phương. Câu nói có thể làm mếch lòng một số nhạc sĩ khác. Anh nghĩ sao?
- Thực ra là tứ quái, chứ không phải là tứ trụ. Từ năm 1990, nhà văn đồng thời là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Thuỵ Kha nói: Cường, Phương, Thụ, Tiến, tôi nghĩ đó là một cách nói chơi chữ, gieo vần. Thực ra lúc đấy nổi lên 4 người nhạc sĩ trẻ, hoạt động hăng hái ở lĩnh vực âm nhạc. Đó là cách gọi nói chơi. Kiểu như hội họa: Sáng, Nghiêm, Liên, Phái. Cách nói vui chứ một người, 4 người, 40 người không làm nên nền nghệ thuật. Phải rất nhiều người.
- Anh thường ca ngợi hai nhạc sĩ trẻ là Lê Minh Sơn và Nguyễn Vĩnh Tiến. Nhưng nếu một nền nhạc trẻ chỉ với hai gương mặt thì quá heo hút, anh nghĩ sao?
- Nhạc trẻ mọc lên như sung trong nền kinh tế thị trường. Bây giờ có tiền có thể thành nhạc sĩ tổ chức biểu diễn liveshow. Tuy vậy, vẫn có các gương mặt sáng láng. Nói thật, trong một năm chỉ cần có 2 tác phẩm Bà tôi, Giọt sương bay lên, của Nguyễn Vĩnh Tiến, và mấy bài hát của Lê Minh Sơn thế là an tâm, đó là mới, sức khỏe, đậm chất Việt Nam.
Năm nay, Tiến không đoạt giải ở chương trình Bài hát Việt, nghệ sĩ cũng cần có những khoảng dừng, người ta gọi là chiếu nghỉ. Lê Minh Sơn tuyên bố dừng công bố sáng tác nhạc để viết văn, cái đấy là tính đỏng đảnh của nghệ sĩ, chuyện bình thường. Đừng có đòi hỏi quá đáng, một nhà báo viết báo hay không có nghĩa là bài báo nào cũng xuất sắc, nhạc sĩ cũng vậy thôi.
- Có vẻ như các nhạc sĩ mới toe của chúng ta rất kết đề tài tình yêu, gần như nhan đề bài hát nào cũng phải có từ "yêu". Anh có ý kiến gì về chuyện này?
- Trời ạ! Đó là thánh địa. Một đề tài rất dễ nhưng cũng rất khó. Tất cả các tác giả lớn trên thế giới đều chạm tay vào rồi, cái mà cả nhân loại tôn sùng đó là tình yêu. Phần lớn nhạc trẻ bây giờ không phải là nghệ thuật mà là cuộc chơi.
- Anh thấy thế nào về các ca sĩ trẻ hiện nay?
- Tuổi trẻ đã là một sức mạnh, một nội lực sống dồi dào và hát bằng bản năng đó cũng là một thế mạnh, họ chưa có kỹ thuật điêu luyện nhưng lại có lửa. Sức truyền cảm đến với công chúng chính là lửa. Chính vì vậy mà cũng không có gì là ngạc nhiên khi các ca sĩ trẻ hát chưa chuẩn lại có sức hút và fan hâm mộ đông đến vậy.
- Khi dòng nhạc hiphop, rock, jazz tràn vào Việt Nam và được giới trẻ sùng bái, người ta lo ngại đến một lúc nào đó sẽ thấy mất đi chất dân tộc trong âm nhạc. Anh muốn nói gì về điều này?
- Còn hít bầu khí quyển của đất mẹ thì chất dân tộc vẫn còn cho dù trẻ có hát nhạc ngoại, nhuộm tóc Hàn, mặc áo lửng hở rốn... Không nghịch ngợm, năng động, updade không phải tuổi trẻ. Đừng gò chúng vào khuôn khổ quá cứng nhắc, chỉ trừ khi chúng không còn nói tiếng Việt thì mới đáng sợ, chứ vẫn đang nói tiếng Việt có nghĩa là đất mẹ vẫn trong huyết quản chúng, không có gì đáng lo.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)