Cuối năm 2022, Trịnh Tú Trung báo tin vui có con cái đầu lòng và bày tỏ mong muốn làm bố của bốn em bé. Đến nay, anh đã có hai con gái Moza, 15 tháng tuổi và Moca, 7 tháng tuổi. Hai con gái chào đời quá gần nhau mang đến cho anh nhiều niềm hạnh phúc và cả những thử thách.
- Với anh, làm bố bỉm sữa của hai em bé cách nhau chưa tới một tuổi là cảm giác thế nào?
- Tôi cũng không nghĩ các con cách nhau gần đến vậy. Nhưng tôi xem đó là hạnh phúc nhân đôi. Nhìn các con sát tuổi nhau, tôi tưởng tượng sau này Moza và Moca lớn lên sẽ giống như sinh đôi, xem như mong ước có con song sinh của tôi hoàn thành được một nửa.
Hai con sinh gần nhau, tôi có thể tận dụng đồ dùng, quần áo, đồ chơi của chị cho em, không cần sắm mới hay trang trí lại phòng ốc, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc. Moca hơi thiệt thòi vì hầu như dùng lại đồ của chị. Nhưng tất nhiên, nhiều việc cũng không ngờ tới.
Tôi cứ nghĩ có kinh nghiệm chăm Moza rồi, đến khi nuôi Moca sẽ nhàn hơn. Nhưng thì ra, mỗi em bé một khác. Quá trình lớn lên của Moza giống hệt như quy trình thông thường, wonder week (tuần khủng hoảng) đúng ngày. Nhưng Moca chưa từng trải qua wonder week lần nào, chưa từng cáu gắt.
Moza dễ ăn và tiêu hóa tốt. Nhưng Moca không thể ăn quá nhiều. Một, hai tháng đầu của con, con dễ bị trớ. Tôi rất sợ việc này sẽ dẫn đến trào ngược dạ dày khi con lớn lên. May mắn là từ tháng thứ ba, con hấp thụ tốt hơn, phát triển tốt, thậm chí giờ có phần tròn hơn chị.
Giai đoạn đầu, tôi cho các con ở chung phòng. Tuy Moza đã qua giai đoạn ăn đêm nhưng hễ nghe em khóc, con cũng thức theo, đòi ăn theo. Cả nhà phải cùng nhau loay hoay cho cả hai em bé ăn. Giai đoạn đó, tôi mất ngủ khủng khiếp, cảm giác lúc nào cũng có thể ngủ gật. Nhưng tôi sợ ngủ say, dậy trễ, làm con bị đói. Dù có người nhà trợ giúp, tôi vẫn áp lực, muốn tự mình chăm lo từng việc của các con.
- Nhiều người hay trêu trẻ con sẽ bị 'ra rìa' khi có em. Anh làm sao để tránh tâm lý này cho Moza?
- Thực ra đôi khi, tôi còn nghĩ em Moca thiệt thòi hơn vì nhiều trải nghiệm lần đầu tiên của ba đều dành cho chị Moza. Tôi luôn cố gắng phân chia tình thương đồng đều cho hai con gái. Về đến nhà, tôi ôm lần lượt từng bé, có lúc bế cả hai trên tay. Cho con ăn, tôi đút chị một miếng rồi đút em một miếng. Tôi tìm mua quần áo giống nhau cho hai chị em, sắm sửa đồ dùng cái gì cũng hai thứ. Dù các con có thể dùng chung, tôi muốn cho các con cảm giác tình thương của cha công bằng.
- Anh chú trọng những điều gì trong chăm sóc dinh dưỡng và rèn luyện tính cách cho các con?
- Tôi đọc và tham khảo nhiều tài liệu; đồng thời tham gia các lớp học về nuôi con, để biết con nên dùng sữa gì, bổ sung vitamin gì. Tôi cũng chú ý khẩu phần ăn của các con theo từng giai đoạn. Quan điểm của tôi là từ bé không cho cả hai bạn ăn kẹo, tránh cho răng bị đen, bị sâu.
Việc ghi nhớ thói quen, sở thích, sở ghét của từng bạn trở thành phản xạ. Các con tuy sàn sàn tuổi nhau nhưng ăn uống mỗi đứa mỗi khác. Sữa cho bé dưới một tuổi và trên một tuổi không giống nhau. Bánh cho từng giai đoạn cũng vậy. Moca lớn hơn, có thể ăn bánh của em, nhưng tôi cũng tránh việc này. Những lúc vắng nhà, tôi dặn người nhà chú ý sử dụng đồ ăn, đồ uống dành riêng của từng bé.
Về thói quen, tôi cho các con tắm vòi sen từ bé. Nhờ vậy, các con không bao giờ khóc khi tắm. Moza mới đây đã đi học. Các cô giáo rất bất ngờ vì con không khóc tiếng nào từ ngày đầu tiên. Đơn giản vì từ bé, con đã được cả nhà đưa ra ngoài chơi, đi trung tâm thương mại, để con không sợ khi tiếp xúc người lạ.
Tôi đặc biệt chú trọng rèn cho các con tính kiên nhẫn và ngăn nắp, từ những việc nhỏ nhất. Con xem video phải xem trọn vẹn mới được chuyển bài, chơi xong phải xếp đồ chơi vào đúng chỗ. Tôi cũng liên tục nhắc nhở Moza không được cau mày.
- Mỗi lần đưa cả hai em bé đi chơi xa, anh và người nhà gặp những vất vả nào?
- Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi là Moza và Moca đều không thích không gian hẹp. Di chuyển trên tàu xe hoặc đứng đâu đó quá lâu, các con sẽ quấy khóc. Tôi luôn tìm cách xử lý, vì không muốn mọi người xung quanh nghĩ mình chăm con không văn minh. Người ngoài nhìn vào, có người sẽ thông cảm, có người sẽ khó chịu.
Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Moza là Trung Quốc. Khi xếp hàng cả tiếng ở một địa điểm, con bắt đầu khóc, giãy, ngửa cả người ra sau. Tôi không dám nổi nóng, nhưng dỗ dành thì con không nín. Hải quan đi qua đi lại nhìn tôi, tưởng tôi bắt cóc trẻ con (cười).
Sau này, tôi luôn tính toán kỹ nên đi thời gian nào, đến những đâu cho thuận tiện với con nhỏ. Trước mỗi chuyến đi, tôi chuẩn bị bánh trái, đồ chơi đầy đủ. Con tỏ ra khó chịu, tôi lập tức bày ra những thứ con thích để dỗ dành.
- Việc làm cha thay đổi thói quen chi tiêu của anh ra sao?
- Tôi tiết kiệm hơn rất nhiều. Trước đây, tôi mua đồ ít khi suy nghĩ. Nhưng giờ, mua gì tôi cũng quy đổi ra thành bao nhiêu hộp sữa, bịch bỉm cho con. Những thứ không cần thiết của bản thân tôi sẽ hạn chế. Ngay cả việc đầu tư, tôi cũng cân nhắc bỏ tiền cho dự án phim này hay về đóng học phí cho con.
Trái lại, mọi thứ của con tôi không bao giờ tiếc. Không biết cha mẹ khác thế nào, nhưng tôi luôn cảm giác con mình thiếu thốn. Đồ gì của con tôi cũng mua dư so với mức cần thiết. Nước giặt quần áo, nước rửa bình sữa đều mua từ nước ngoài. Mỗi lần tôi ở nước ngoài về, vali toàn bánh kẹo, đồ dùng cho Moza và Moca.
Có nhiều thứ các con sắp đến giai đoạn không dùng tới nhưng vẫn chất đầy tủ. Tôi hay nói đùa có khi sinh 8 đứa, 10 đứa vẫn đủ dùng (cười). Tự tay sắm từng li từng tí cho con là trải nghiệm đáng nhớ đối với tôi.
- Hiện tại, hai em bé có số đo bao nhiêu?
- Moza cao 90 cm và nặng 11 kg. Moca cao 72 cm và nặng 7,6 kg.
- Tính cách hai chị em có gì khác biệt?
- Moza thể hiện rất thích nghệ thuật, ca hát cả ngày. Moca có vẻ thích vận động, nhảy múa nhiều hơn. Moza thích gặp nhiều người, chưa bao giờ sợ người lạ. Còn Moca trái lại. Moza thích ăn chua, Moca thích ăn ngọt hơn. Cả hai đều bám ba, thân thiện với người trong nhà.
- Hai bé thường tranh giành những gì?
- Từ ngày sinh ra, Moza chưa từng ngậm ti giả. Nhưng giờ thấy em Moca ngậm là đòi. Moza vốn ăn bánh trái cây, nhưng thấy em Moca ăn bánh rau củ thì cũng đòi. Thấy ba gọi Facetime về, Moza hay bỏ chạy. Nhưng thấy ba gọi em thì lại chạy tới giành phần nói chuyện. Nhưng hai chị em cũng nhiều lúc rất thân thiết, nhìn thấy nhau là reo hò mừng rỡ, ôm lấy nhau.
- Hay đầu tư điện ảnh, anh nghĩ sao về việc cho các con đóng phim?
- Nếu các con có sở thích nghệ thuật, tôi sẽ ủng hộ. Còn mơ ước của tôi là làm phim kể về hành trình các con đến với tôi, để sau này tôi già đi và các con lớn lên, cả nhà có thể cùng nhìn lại kỷ niệm. Tôi không mong con mình nổi tiếng, chỉ mong hai chị em hạnh phúc và bình an.
Phong Kiều