Ngồi phịch xuống chiếc sa-lông gỗ sau buổi làm án mệt rã rời, tay cầm vội cốc nước tu một hơi cạn sạch, thiếu úy Hưng, trinh sát Đội Điều tra ngoại tuyến (ĐTNT), Công an Hà Nội "định nghĩa" về công việc của mình: "Ngoại tuyến là ngoài đường, vì vậy cái nghề của bọn mình thường làm việc ở ngoài đường. Tức là bám theo những đối tượng nghi vấn để nắm quy luật, lần ra hang ổ của chúng. Suốt ngày "phơi" mặt ngoài đường, thế nhưng nguyên tắc tối quan trọng trong nghề là không để cho đối tượng theo dõi biết và nhớ mặt". Ngừng lại giây lát, anh kể tiếp: "Chính vì công việc như vậy nên khâu tuyển quân cũng rất đặc biệt. Ngoài tiêu chuẩn về tuổi tác, cân nặng, sức khỏe, còn có tiêu chuẩn về khuôn mặt: không được đẹp hoặc xấu trai quá, nghĩa là hoàn toàn bình thường, càng bình thường càng tốt". Thấy tôi thắc mắc, thiếu úy Hưng cười nói: "Để khỏi bị nhớ mặt ấy mà. Chẳng thế mà ai cũng nghĩ cả đội đều là con một nhà, anh nào cũng vậy, cứ "sêm sêm" như nhau về ngoại hình".
Các trinh sát ĐTNT phải có một trí nhớ cực tốt và thuộc địa bàn như lòng bàn tay. Mấy tháng trước, thiếu úy Hưng theo dõi một đối tượng chuyên vận chuyển ma túy tên Mạnh tại Hà Nội, nhằm tìm ra sào huyệt của hắn. Hưng bảo, ngày hôm đó phải bám đuổi cả chặng đường rất dài, cộng lại có lẽ bằng từ Hà Nội đến Nghệ An. Đối tượng rất ranh mãnh, nghi ngờ bị "bám", hắn liền vòng qua nhiều ngõ ngách trong phố chợ Khâm Thiên, rồi đột ngột chui tọt vào một ngõ cụt. "Nó định "quay" mình đấy mà. Nó vào ngõ cụt thì mình không vào nữa, quay lại đón lõng ở đầu ngõ. Thế là nó mắc mưu, không nghi ngờ nữa. Nhờ vậy mới theo nó về đến tận ổ, tóm cả lũ đang tàng trữ ma túy. Vụ này thành công mỹ mãn nhưng mấy anh em ê ẩm người vì gần như cả ngày phải ngồi trên xe máy".
Đối với các trinh sát ĐTNT, sự nhanh trí trong xử lý các tình huống cực kỳ quan trọng. Trong cùng một thời điểm, có khi phải hóa trang thành nhiều vai khác nhau, vừa không để lộ tung tích, vừa hoàn thành được nhiệm vụ. Trong một lần "theo vợ bắt chồng", các trinh sát ĐTNT phải dò theo tung tích của Cường ở Hàng Bún, một trùm ma túy khét tiếng đang bị truy nã. Nhận định rằng Cường vẫn chưa ra khỏi địa bàn Hà Nội và người thường xuyên tiếp tế cho Cường chính là Thanh vợ hắn, các trinh sát quyết định theo dõi Thanh để tìm ra nơi ẩn nấp của chồng chị ta. Thanh cũng thuộc loại láu cá, mỗi khi ra khỏi nhà, chị ta chỉ đi bằng xe ôm và thường bắt xe ôm vòng quanh hồ Hoàn Kiếm rất nhiều lần, hoặc đang đi đột nhiên dừng lại quan sát xem có "đuôi" không. Buổi chiều hôm đó cũng vậy, sau khi làm đủ các "thủ tục" cần thiết, Thanh yên trí đi thẳng ra bãi Phúc Xá. Hưng và đồng đội bám theo. Đến đầu ngõ, Thanh không vào ngay mà tạt vào quán cóc ven đường ra hiệu cho 4 "đầu gấu" - đám lâu la bảo vệ chồng - để ý đến 2 anh chàng đen nhẻm phía sau. Biết bị nghi ngờ, Hưng giả dạng là con bạc, chui ngay vào quán cóc, gọi trà đá và hỏi kết quả "lô". Cũng bình phẩm "tại sao đánh "con" này mà không đánh "con" kia", rồi cay cú vì "đứt mấy chục điểm lô". Khi đám lâu la không còn chút băn khoăn gì nữa, Hưng ra ám hiệu để một trinh sát khác tiếp cận ngôi nhà nghi vấn. Giả vờ hỏi thăm, các trinh sát đã phát hiện Cường có mặt trong đó.
Mới 23 tuổi, nhưng Hưng đã có gần 5 năm công tác trong ngành công an. Trông anh già dặn hơn rất nhiều so với cái tuổi của mình, nước da sạm đi vì nắng gió, đôi mắt trũng sâu sau những đêm thức trắng làm án. Hưng bảo: "Ngại nhất là bám đối tượng khi chúng đi ngủ. Có nhiều đêm mưa gió, bọn mình phải đứng nép vào mái hiên bên đường để trú, mệt nhưng không ai dám chợp mắt. Chỉ sơ sẩy là đối tượng "lặn" mất ngay. Nhiều anh em dãi dầu quá nên ngã bệnh. Mà theo cái nghề này thì anh nào cũng có bệnh cả. Suốt ngày ngoài đường, hít nhiều bụi thì bị bệnh đường hô hấp; ăn uống qua loa, không đúng giờ giấc, rồi ngồi xe nhiều, đi đường ổ gà nhiều thì bị đau dạ dày. Nhưng cũng phải chấp nhận thôi, nghề mình lựa chọn và theo đuổi mà".
Ngoài những loại "bệnh nghề nghiệp" đó, các trinh sát ĐTNT còn gặp phải muôn vàn những chấn thương khác. Ví như vụ "bám" đối tượng trên đường La Thành, anh Hưng bị lật xe, xây xước hết toàn thân, may mà vết thương không nặng lắm. Hay nhiều lúc, đối tượng nghi ngờ bị "bám" liền ra hiệu cho đồng bọn giải nguy bằng cách lao thẳng người vào xe trinh sát. Chuyện gãy tay, gãy chân không thể tránh khỏi.
Khi tôi hỏi, liệu thấy gian nan quá mà có khi nào nghĩ mình sẽ bỏ nghề hay chưa; trầm ngâm nhưng đầy dứt khoát, Hưng bộc bạch: "Có lẽ mình không dứt bỏ được đâu, cái nghiệp trinh sát nó đã gắn chặt vào mình rồi. Chỉ thương vợ thôi, cô ấy sắp sinh cháu mà mình cứ đi suốt thế này...".
Hưng tâm sự với Thanh Niên: "Anh em đều trẻ tuổi cả nhưng quá nửa đã lấy được vợ rồi đấy, tỷ lệ... bị vợ bỏ cũng ít thôi". Mức công tác phí cho các trinh sát ĐTNT vẫn còn rất "bèo". Chẳng hạn, với những chuyến làm án như trên, các anh được 3.000 đồng cho 45 phút theo dõi, thế nhưng để có thêm 3.000 đồng nữa thì phải... đợi đối tượng bị theo dõi di chuyển sang địa điểm khác. Còn nếu đối tượng "không chịu" di chuyển, cứ ngồi lì một chỗ cả ngày thì cũng chỉ được 3.000 đồng, không đủ tiền mua một cốc nước giải khát...
(Vì yêu cầu bí mật nghiệp vụ, tên tuổi và địa chỉ của các nhân vật đã được được thay).