Trong thời gian gần đây tôi có ý định viết sách. Tôi đã sống nhiều nơi. Đã đi, thấy, và học được nhiều từ việc làm và những người tôi quen biết. Nhưng tôi còn quá nhỏ và chưa làm được gì thành đạt để viết tự truyện. Lấy kinh nghiệm thật để viết tiểu thuyết thì tôi lại không có đủ tài. Nhưng ngặt nỗi là tôi vẫn muốn chia sẻ với bạn đọc Việt Nam những câu chuyện vui buồn, người thật, cảnh thật mà tôi từng gặp và trải qua. Và đây là bài viết đầu tiên khai bút của tôi.
Tuy tôi chưa bao giờ là công dân Mỹ, và nếu có được đi bầu lần vừa rồi thì cũng không biết nên chọn McCain hay Obama nhưng ngày 20/1 vừa qua, tôi cũng đã bị cuốn theo dòng người cuồn cuộn đổ về trung tâm The Mall trước toà nhà Quốc Hội ở Washington D.C. miệng cùng la to "Obama!" "Obama!"
Trịnh Hội (thứ ba từ trái sang) trong đêm dạ tiệc mừng tân tổng thống Obama nhậm chức ở Washington D.C. |
Mặc cho thời tiết xuống đến âm 5-7 độ C. Mặc cho đường phố ở D.C. tất cả đều bị đóng kín và hàng triệu người phải chen nhau đi bộ trong sương giá, tôi vẫn có cảm giác như buổi sáng hôm thứ ba ngày 20 tháng 1 năm 2009 thật sự là ngày đầu tiên mở ra một trang sử mới cho dân tộc Mỹ. Một ngày lịch sử, không chỉ vì đó là ngày nước Mỹ chính thức có một người da màu làm lãnh tụ, mà hơn thế nữa, ông là người có thể khơi dậy niềm tự hào và lòng ái quốc của tất cả mọi sắc dân, chủng tộc, không phân biệt màu da, tôn giáo, hay đảng phái đã đến từ khắp mọi nơi trên thế giới để chọn Mỹ là quê hương thứ hai.
Từ ngữ (nhất là từ ngữ tiếng Việt vẫn còn lủng củng của tôi) không diễn tả đủ niềm hân hoan, vui sướng và không khí vui như lễ hội của ngày hôm đó. Bạn phải có mặt ở tại khu công viên quốc gia có tên là The Mall cùng với gần 2 triệu người khác cùng làm nhân chứng cho thời khắc đặc biệt này mới cảm nhận được những gì tôi đang muốn chia sẻ cùng bạn. Có thể nói đây là một kỷ niệm về con người và đất nước Mỹ sâu đậm nhất đối với riêng tôi. Và tôi đã rất may mắn có mặt để cảm nhận được giây phút thiêng liêng đó.
Một người đàn ông chụp ảnh lưu niệm với tấm hình chân dung tổng thống Obama bằng giấy. Để có được tấm ảnh này, Trịnh Hội cho biết người chụp phải bỏ ra 5 USD cho một lần chụp. |
Mà đúng là tôi may mắn thật. Sáng chủ nhật tuần trước đó tôi vẫn còn ở Bangkok (Thái Lan) và vẫn còn bị khá "say" sau khi đọc xong quyển sách thứ hai của Obama có tựa đề là The Audacity of Hope mà tôi xin tạm dịch là "Sự táo bạo của hy vọng". Đây là một quyển sách không những hay trong ý tưởng mà cách truyền đạt cũng rất ư là tuyệt.
Có thể ai cũng biết là đương kim Tổng thống Obama là một nhà hùng biện, diễn thuyết không ai bằng. Nhưng xin thú thật là sau khi đọc xong quyển sách của ông, tôi chỉ có thể đóng quyển sách lại và ngồi thừ ra đó miên man suy nghĩ mà không thể để cuốn sách đó sang một bên để làm chuyện khác được. Chắc bạn biết cảm giác đó chứ? Nó chỉ đến khi ta may mắn tìm được một quyển sách quý, đọc qua rồi nhưng vẫn phải lật lại trang đó để đọc lại, để rồi suy nghĩ miên man về những gì mình vừa tiếp nhận. Và nếu vẫn chưa hài lòng thì lại phải… đọc lại tiếp.
Tôi có cảm giác này lần đầu tiên khi tôi biết tìm đến… truyện kiếm hiệp lúc vừa mới học lớp 7 trung học cơ sở ở Thủ Đức, Sài Gòn. Tôi mê đọc đến độ, nhà bị điện cúp, bị đánh đòn nhưng tôi vẫn cố giấu mẹ thắp đèn dầu lên để đọc xem tình yêu ngây ngô của Đoàn Dự cuối cùng có cảm hoá được người đẹp Vương Ngọc Yến hay không. Về sau này mặc dù có cơ hội để đọc nhiều loại sách khác nhau nhưng ít khi nào tôi tìm lại được cảm giác đó.
Obama có biệt tài là ông có thể lồng những đề tài lớn như Medicare, di dân, gia đình, quyền lực… vào những câu chuyện rất nhỏ, rất riêng tư của chính ông và những gì ông đã trải qua. Ông viết về người mẹ đơn thân quá cố của ông và những khó khăn của bà trong cuộc sống, về chuyến đi đến Kenya để thăm quê cha và tìm lại cội nguồn, về cả lần đầu tiên ông gặp vợ ông, bà Michelle Robinson, bị hớp hồn, mời bà đi ăn tối nhưng… bị từ chối và cho đến khi họ trao cho nhau nụ hôn đầu tiên "thơm mùi chocolate"...
Có khoảng 1,8 triệu người đổ về trung tâm The Mall để tham dự lễ nhậm chức của vị tổng thống Hoa Kỳ thứ 44. |
Như người Mỹ thường nói "You have to read it to believe it". Bạn phải đọc cuốn sách này mới thấy được cái tài của Obama và hiểu được một chút nào đó rằng tại sao hiện nay Obama là thần tượng của muôn dân. Và tôi e rằng trong đó có tôi.
Nếu không thì không có lý do gì mà tôi lại có thể ngay vào sáng chủ nhật hôm đó ở Bangkok, sau khi thức dậy và đọc tin tức online của Yahoo! như thường lệ, tôi lại bị cảm hóa (tôi muốn dùng chữ "inspire" ở đây). Sau khi đọc một bài viết nói về chuyến đi lịch sử của Obama từ thuở cơ hàn cho đến thời điểm đó khi ông cùng bà Michelle và vợ chồng phó tổng thống Biden cùng bắt xe lửa từ Philadelphia nơi Hiến pháp Mỹ ra đời, để đi về Washington D.C. chính thức nhậm chức, lúc ấy tôi nghĩ rất đơn giản. Nếu đó thật sự là một ngày lịch sử, thì tôi muốn là một nhân chứng. Vấn đề ở chỗ là làm sao tôi có thể tìm được một tấm vé hạng tồi nhất và bay ngay vào tối hôm đó để kịp có mặt ở Washington D.C. tham dự Lễ Tuyên thệ vào thứ ba lúc 12 giờ trưa. Tôi có ít hơn 48 tiếng đồng hồ để thực hiện ý đồ của mình. Trong khi đó chuyến bay từ Bangkok đến Washington D.C. sẽ ngốn ít nhất là 24 tiếng của tôi.
Nhưng có lẽ sau những xui xẻo đến cùng cực của năm 2008, vận may đã và sẽ đến với tôi trong năm 2009. Không những tôi tìm được một tấm vé bay về Washington D.C. ngay trong đêm hôm đó, mà tôi đã có đủ thời gian và tìm được cho mình một tấm vé mời tham dự buổi tiệc sang trọng ngay trong đêm trước ngày Tổng thống nhậm chức được gọi là Pre-Inauguration Ball. Đây là một truyền thống lâu đời đã có mặt từ 2 thế kỷ trước ở thủ đô nhân ngày tổng thống nhậm chức. Chắc chắn là những hình chụp không chuyên nghiệp của tôi được đăng bên cạnh sẽ không thể nào tạo dựng lại được tinh thần và niềm hân hoan của mọi tầng lớp nhân dân trong thời khắc đó.
Trịnh Hội thừa nhận năm 2008 anh rất xui xẻo nhưng năm 2009 anh đã có được may mắn đầu tiên khi tận mắt chứng kiến buổi lễ nhậm chức của vị tổng thống da màu đầu tiên trên nước Mỹ. |
Chỉ vài phút sau 12 giờ trưa của ngày thứ ba 20 tháng 1 năm 2009, ông Barack Hussein Obama, Jr. đã được chính thức tuyên thệ làm tổng thống thứ 44 của Mỹ. Chung quanh tôi, hàng vạn người la hét, gào thét gọi tên ông. Có những cánh tay trẻ vươn lên ăn mừng chiến thắng. Và rất nhiều người rơi nước mắt chết lặng trong niềm hạnh phúc và ngày vui của dân tộc.
Đứng trong biển người của ngày hôm đó, bên tay phải của tôi là Đền Tưởng Niệm Washington Monument, bên tay trái là Toà Bạch Ốc, và trước mặt là Toà Nhà Quốc Hội với màn hình to quá khổ trực tiếp trình chiếu Lễ Tuyên Thệ. Tai lắng nghe lời hiệu triệu đầu tiên của Tổng thống Obama, lần đầu tiên tôi thật sự cảm thấy hãnh diện, hạnh phúc và may mắn. Nước Mỹ không phải là quê hương thứ hai của tôi. Nhưng nếu có cơ hội tôi mong đây sẽ là quê hương thứ ba của tôi, nơi tôi vừa cảm nhận được một luồng gió mới, một niềm tự hào mới của một dân tộc không giống bất kỳ ai trên thế giới. Chỉ có nước Mỹ và con người Mỹ mới có đủ sự tự tin và táo bạo trong hy vọng trao quyền uy tối cao cho một người da màu thiểu số. Và như Tổng thống Obama phát biểu trong ngày hôm đó "Chúng ta là đất nước giàu nhất và mạnh nhất trên địa cầu này… và bắt đầu từ ngày hôm nay, chúng ta sẽ đứng dậy, phủi sạch bụi trần và cùng nhau bắt tay vào xây dựng lại đất nước".
Mậu Tý vừa qua. Kỷ Sửu đã đến. Mong là bạn cũng như tôi và hàng triệu người khác trong đó có Tổng thống Obama sẽ vững tin vào một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp, và hạnh phúc hơn.
"All this we can do. All this we will do". Chúng ta có thể làm tất cả. Chúng ta sẽ làm được tất cả.
Trịnh Hội