Trình chiếu năm 1998, Hoàn Châu cách cách tạo hiệu ứng yêu thích cuồng nhiệt trên sóng truyền hình Trung Quốc và nhiều nước châu Á. Phim trở thành kinh điển, đồng thời đưa Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng, Phạm Băng Băng một bước thành sao. 20 năm sau ngày phim ra mắt, nhiều câu chuyện "thâm cung bí sử" được báo chí lật mở trở lại.
Triệu Vy "thế thân" cho sao nữ Đài Loan
Là một trong các dự án thời kỳ đầu tại Trung Quốc của Quỳnh Dao, Hoàn Châu cách cách mang sứ mệnh kết nối văn hóa Đài Loan và Trung Quốc sau những chia rẽ về lịch sử. Do đó, nữ văn sĩ và nhà sản xuất đề ra mục tiêu cân đối dàn diễn viên đến từ hai vùng lãnh thổ, bao gồm một nam chính và một nữ chính là người Trung Quốc, nam chính và nữ chính còn lại là người Đài Loan.
Ngay từ đầu, Quỳnh Dao đã "nhắm" nhân vật Tiểu Yến Tử cho nữ diễn viên Lý Đình Nghi. Năm đó, cô 19 tuổi, là ngôi sao mới nổi của showbiz Đài, được yêu thích qua vai diễn trong phim chiếu Tết Một người tốt, đóng chung với Thành Long.
Khi Quỳnh Dao mời Lý Đình Nghi tham gia Hoàn Châu cách cách, nữ diễn viên còn nhận thêm một kịch bản phim chiếu rạp. Với tên tuổi đang lên, cô ưu tiên phim điện ảnh hơn phim truyền hình. Lý Đình Nghi từ chối vai diễn Tiểu Yến Tử mà khó có thể ngờ rằng, đó là cơ hội đáng giá tạo nên hoa đán Triệu Vy về sau này.
Lâm Tâm Như từ phụ lên chính, Phạm Băng Băng vai chính hóa phụ
Theo ý định ban đầu của Quỳnh Dao, hai nữ chính Tiểu Yến Tử và Hạ Tử Vi trong phim lần lượt dành cho Lý Đình Nghi và Phạm Băng Băng. Năm 1997, Phạm Băng Băng 16 tuổi, mang nét đẹp cổ điển, thuần khiết và ngây thơ rất hợp ý Quỳnh Dao.
Theo QQ, nữ nhà văn biết đến cô gái trẻ họ Phạm này qua lời tiến cử của Lưu Tuyết Hoa – nàng thơ trong các phim của bà thuở trước, cũng là người đóng vai Lục Y Bình trong bản phim Dòng sông ly biệt năm 1986. Chỉ góp vai nhỏ trong một phim của Lưu Tuyết Hoa, song Phạm Băng Băng lưu lại dấu ấn đẹp đẽ trong lòng nữ nghệ sĩ nổi tiếng.
Sau khi tuyển chọn Triệu Vy vào vai Tiểu Yến Tử, Quỳnh Dao không thể cất nhắc Phạm Băng Băng vào vai Hạ Tử Vi, bởi hai nữ diễn viên đều xuất thân từ Trung Quốc. Trang KK News cho hay, đây là lý do Lâm Tâm Như đảm nhận vai Tử Vi, còn Phạm Băng Băng trở thành nàng hầu Kim Tỏa. Trước đó, Lâm Tâm Như được casting cho tuyến nữ phụ công chúa Trại Á – người nên duyên với Nhĩ Thái (Trần Chí Bằng). Vai này về sau được thể hiện bởi Trương Hằng.
Một nguồn tin từ QQ tiết lộ giai đoạn đầu, nữ sĩ Quỳnh Dao rất không vừa mắt với Lâm Tâm Như, bởi diễn xuất của cô quá non nớt, quay đi quay lại nhiều lần cũng không thể diễn trọn vẹn cảnh quay khóc, trong khi nhân vật Tử Vi thì quá nhiều nước mắt trong phim.
"Phao cứu sinh" cho Tô Hữu Bằng
Là thành viên của nhóm nhạc thần tượng Tiểu Hổ, Tô Hữu Bằng làm nức lòng người hâm mộ bởi hình tượng hiền lành, tài năng và học giỏi. Những ngôi trường anh từng theo học đều lọt vào top trường điểm của Đài Loan thời đó. Tuy nhiên năm 1995, Tô Hữu Bằng bất ngờ bỏ học giữa chừng, hình ảnh đẹp đẽ bị hủy hoại trong lòng fan, anh đành ra nước ngoài một thời gian để né "gạch đá" dư luận.
Ngày trở về, Tô Hữu Bằng không cải thiện được tên tuổi chút nào, còn phải chịu thêm nhiều cú sốc: việc kinh doanh hồng trà sa sút, cổ phiếu lỗ vốn thê thảm, đĩa nhạc phát hành ế ẩm, bố ruột thất nghiệp, cả gia đình sống dựa vào sức lao động của duy nhất mẹ anh.
Vai diễn Ngũ a ca khi ấy là phao cứu sinh ngoạn mục đối với Tô Hữu Bằng, có thể nói là thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của anh giữa lúc đối diện với tình cảnh "trắng tay". Nam thần Đài Loan kể lại: "Các ca sĩ thần tượng đang nổi thường sẽ nhận phim điện ảnh, ít ai sẵn sàng đóng phim truyền hình. Nhưng tôi của khi ấy không còn đường để đi, không được phép kén chọn".
Ban đầu, Quỳnh Dao ấp ủ mời cả ba thành viên nhóm Tiểu Hổ cùng góp mặt trong Hoàn Châu cách cách. Tuy nhiên, Ngô Kỳ Long - người nổi tiếng nhất trong số họ - vướng lịch nhập ngũ, không thể nhận vai.
Dự án bị ghẻ lạnh trở thành tác phẩm hoàng kim
Cảm hứng cho Quỳnh Dao sáng tác Hoàn Châu cách cách xuất phát từ câu chuyện lưu truyền dân gian về vua Càn Long. Trong một chuyến vi hành cùng hai đại thần Hòa Thân và Lưu Dung, Càn Long nghỉ chân tại một gia đình nông dân và được họ tiếp đãi tử tế. Trước khi rời đi, nhà vua nhận con gái gia đình này làm con nuôi, căn dặn khi gặp khó khăn, tới kinh thành tìm ngài.
Vài năm sau, hạn hán xảy ra, hai cha con nghèo tìm đường đến kinh thành, tình cờ được Tể tướng Lưu "gù" (Lưu Dung) bắt gặp trên phố, đưa về cứu giúp. Sau khi người cha qua đời, cô con gái được phong làm cách cách song không may chết trẻ. Không được chôn chung với hoàng thân quốc thích, cô được an táng tại một khu mộ riêng.
Từ câu chuyện truyền miệng này, nữ sĩ Quỳnh Dao đã đưa bút hư cấu, làm nên ý tưởng con gái thất lạc và con gái nuôi nổi tiếng trong Hoàn Châu cách cách. Tác phẩm này ghi dấu một vài sự đổi mới trong phong cách sáng tác của nữ văn sĩ. Thay vì chuyển thể tiểu thuyết thành phim, bà biên soạn kịch bản phim trước khi viết thành truyện. Tiểu Yến Tử lém lỉnh, nghịch ngợm, hài hước là hình mẫu hoàn toàn khác lạ so với toàn bộ vai nữ chính trong các trang sách, cuốn phim trước đó của bà.
Quỳnh Dao thú nhận, bà vốn không đặt nhiều tâm huyết và kỳ vọng cho Hoàn Châu cách cách. Chẳng ngờ rằng, bộ phim lại làm nên kỳ tích đáng nhớ trên màn ảnh châu Á.
Phong Kiều
Ảnh: Sina, QQ, KK News