40 cá nhân đã nhận hối lộ |
Bắt Phó TGĐ Vietsovpetro |
Dương Quốc Hà khai nhận. |
Ông Dương Quốc Hà giữ chức Phó tổng giám đốc phụ trách thương mại của Vietsovpetro (VSP) từ năm 1996 cho đến khi bị bắt cách đây 2 hôm.
Dư luận cho rằng ông Hà có lẽ là nằm trong danh sách những người giàu có nhất Việt Nam, bởi những khoản tiền tham nhũng được chia chác trong các hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị của VSP.
Những tài sản "nổi" của ông Hà mà người dân Vũng Tàu nhìn thấy rõ nhất là 4 căn nhà (trong đó có 3 biệt thự) và 6 mảnh đất rộng hàng nghìn mét vuông. Vừa qua Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Petro VN) yêu cầu cán bộ phải kê khai tài sản nhà đất, nhưng ông Hà không tham gia.
Chánh văn phòng Petro VN Vũ Khánh Trường cho Lao Động biết, cuộc sống bên ngoài của ông Hà khá đạm bạc. Căn nhà trên đường Lê Hồng Phong (Vũng Tàu, nơi ông ở cho tới lúc bị bắt) chỉ là gian cấp 4 đơn sơn, đồ đạc sinh hoạt giản dị, bàn ghế cũ kỹ.
Trong quá trình công tác, ông Hà chưa lần nào bị phê bình nhắc nhở. Thậm chí năm 1995, đang làm trưởng phòng kế hoạch của VSP, khi dư luận bắt đầu xầm xì về những phi vụ làm ăn khuất tất có liên quan đến ông Hà, thì nhân vật này vẫn đi làm bằng chiếc xe đạp Thống Nhất nam lọc cọc.
Mỗi năm VSP có hơn 1.300 hợp đồng mua sắm trang thiết bị, vật tư... với tổng giá trị 300-500 triệu USD. Với vai trò Phó tổng giám đốc phụ trách thương mại, ông Hà có quyền rất lớn trong việc "phân phối" cho các đối tác ký kết và thực hiện hợp đồng. Đã từng lan truyền trong VSP về việc một "đại gia" thuộc hàng VIP chào hàng bán mặt hàng Anot và Catot chất lượng cao phục vụ chống ăn mòn đế chân giàn khoan trên biển. Nhưng vì hãng này không được lòng ông Hà nên đã bị từ chối thẳng thừng.
Việt Nam tham gia Hiệp ước Quốc tế về giảm bớt sử dụng hóa chất gây thủng tầng ozne từ lâu, năm 1999 ông Dương Quốc Hà vẫn chỉ đạo VSP mua hàng chục tấn CFC (loại hóa chất chữa cháy dùng trang bị cho đội tàu của VSP) từ một đối tác nước ngoài. Trong khi mặt hàng trên đã bị liệt vào danh sách cấm sử dụng, Việt Nam có hàng chục loại hóa chất khác đủ khả năng thay thế CFC này.
Là đơn vị kinh tế kỹ thuật đặc thù, VSP được nhà nước chấp nhận cho mua sắm thiết bị là những vật tư đặc biệt. Trong các hợp đồng mua hàng trình cấp trên, VSP đều chọn những sản phẩm chất lượng cao. Nhưng thực tế, hàng lại không phải như vậy, bên trong việc này có nhiều khuất tất. Điển hình là việc mua 80 tấn hóa chất chống cháy trong hợp đồng ký tháng 6/1994, VSP yêu cầu là hàng của Pháp, giá trị hợp đồng gần 2,5 tỷ đồng. Song khi nhận hàng, VSP chấp nhận cho bên bán thay 80 tấn hàng bằng loại sản xuất ở TP HCM, chất lượng thấp. Điều lạ là giá trị thanh toán hợp đồng vẫn không giảm.
Theo Thanh Niên, Dương Quốc Hà là mắt xích quan trọng trong vụ tiêu cực, tham nhũng lớn tại Petro Việt Nam. Tâm điểm của đường dây là "trục tay ba" Nguyễn Quang Thường (Phó tổng giám đốc Petro VN) - Dương Quốc Hà - Trần Ngọc Giao (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xây dựng Interpet - đơn vị do các nhân vật chủ chốt trong đường dây "dựng lên" với mục đích "rót" các hợp đồng thi công của ngành dầu khí và để "rửa tiền").
Trần Ngọc Giao đứng tên khá nhiều tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài. Sau những phi vụ "đen" của đường dây tham nhũng này, tiền được "rót" đúng thủ tục (qua các hợp đồng thương mại và thi công xây dựng) từ một số đơn vị của ngành dầu khí vào các tài khoản trên. Từ đó, các thành viên của đường dây chia chác nhau số tiền tham ô rất lớn.
Một nhân vật đặc biệt khác liên quan vụ việc là Trần Quang (tức Quang "Điện Lạnh") vốn là cán bộ của Xưởng Cơ điện lạnh, chi nhánh Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) tại Vũng Tàu. Vì mối quan hệ thân tình với các "đại gia" trong ngành dầu khí, nên Quang là người chính thức "yểm trợ" đằng sau lưng và bỏ vốn cho Công ty TNHH Xây dựng Interpet của Trần Ngọc Giao hoạt động.
Tòa nhà lớn nhất đường Ba Cu, thành phố Vũng Tàu (số 132) của Trần Quang cũng chính là nơi đặt văn phòng của Công ty Interpet. Những năm qua, được sự "bật đèn xanh" của các "đại gia", Trần Quang và Trần Ngọc Giao đã "trúng thầu" khá nhiều hợp đồng thi công cho PTSC.
Một câu hỏi được đặt ra, tại sao một công ty TNHH xây dựng không có tư cách pháp nhân như Interpet lại có thể "trúng thầu" và được quyền thực hiện các hợp đồng quan trọng về thi công của VSP? Về vấn đề này, PTSC cho rằng một thành viên của liên doanh trúng thầu dự án 17 triệu USD là Viện Coranll Ukraina đã chọn Công ty Interpet làm nhà thầu phụ để cung cấp thiết bị, vật tư đặc chủng cho Công ty PTSC xây dựng những khối nhà bloc trên giàn khoan dầu ngoài biển.
Thực chất, "nhà thầu phụ" là Công ty Interpet của Trần Ngọc Giao đã làm giả hóa đơn, giả con dấu, giả chữ ký của lãnh đạo Viện Corrall để chỉ định cho PTSC chuyển tiền vào các tài khoản mà Giao đứng tên ở ngân hàng nước ngoài để "móc tiền" nhà nước chia nhau. Chính bộ ba Nguyễn Quang Thường (giám đốc PTSC trong thời gian này) - Dương Quốc Hà - Trần Ngọc Giao cùng nhiều người trong đường dây tham nhũng đã hoàn tất các công đoạn "móc tiền" này. Hành vi của họ chỉ bị phanh phui khi cơ quan công an phát hiện việc Trần Ngọc Giao làm thủ tục thanh, quyết toán công trình với PTSC có các các dấu hiệu không bình thường.
Vụ án khám phá đường dây tham nhũng lớn tại Petro Việt Nam được Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố vào tháng 11/2002. Ban chuyên án đã đề nghị thi hành lệnh bắt giữ đối với Trần Ngọc Giao, nhưng không được cơ quan chức năng phê chuẩn. Sau đó ít tuần, Giao đã bỏ trốn sang Nga. Ngay tại thời điểm ấy, cơ quan công an đã từng đề nghị bắt tạm giam ông Nguyễn Quang Thường. Song vì một vài lý do "bất khả thi", lệnh này chưa được thực hiện. Ngay sau đó, ông Thường được ông Nguyễn Xuân Nhậm (nguyên tổng giám đốc Petro Việt Nam) cất nhắc lên làm Phó tổng giám đốc Petro Việt Nam.
Sau khi ông Thường được thăng chức, Trần Ngọc Giao cho rằng các "chiến hữu" đã tung tiền ra để "chạy tội" có hiệu quả, nên Giao mới ung dung quay trở lại Việt Nam. Cuối tháng 1/2004, Trần Ngọc Giao bị bắt. Cán bộ điều tra nhận định, nếu không tóm được Trần Ngọc Giao thì khó mà là rõ được đường dây tham nhũng nói trên. Giao là "đầu mối" rất quan trọng trong vụ án giả mạo giấy tờ, hợp đồng để chiếm đoạt tài sản của nhà nước. Sau khi một số tiền chênh lệch rất lớn (hơn 6,83 triệu USD) được PTSC chính thức chuyển vào tài khoản của Trần Ngọc Giao tại chi nhánh Ngân hàng Deutsche ở TP HCM, Giao đã ký séc chi cho hơn 40 người, trong đó có khá nhiều cán bộ ngành dầu khí, rút ra một số tiền khá lớn.
Với những hồ sơ, chứng từ còn lưu tại ngân hàng nói trên, cơ quan điều tra đã xác định được tên tuổi, địa chỉ, chức vụ của số cán bộ ngành dầu khí có liên quan đường dây. Số tiền chi phiếu mà họ rút ra từ chi nhánh ngân hàng này khá lớn (khoảng 20.000 USD/người).
Sắp tới, trong phần điều tra mở rộng vụ án nói trên, hơn 40 cá nhân đã nhận tiền chi phiếu của Trần Ngọc Giao qua ngân hàng sẽ phải giải trình với Cơ quan An ninh điều tra. Theo một nguồn tin, người nhận tiền của Trần Ngọc Giao đang tìm cách "hợp thức" khoản "mờ ám" này bằng các giấy tờ xin "vay mượn" tiền Công ty Interpet để mua nhà, mua đất, mua ôtô...