![]() |
Các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ tiến hành nối ống dẫn trứng. |
Đây là một trong những trường hợp điển hình được áp dụng kỹ thuật vi phẫu nối ống dẫn trứng qua nội soi tại bệnh viện Từ Dũ.
Cắt hoặc thắt vòi trứng nên xa tử cung trên 3 cm
Tính từ đầu năm 2007 đến nay, Khoa Nội soi, bệnh viện Từ Dũ đã thực hiện nối vòi trứng cho 15 trường hợp. Kỹ thuật này đem lại cơ hội làm mẹ cho những phụ nữ kém may mắn muốn có con trở lại.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Khoa Nội soi của bệnh viện, kỹ thuật tạo hình vi phẫu nối vòi tử cung bằng phương pháp nội soi là khó nhất trong phẫu thuật nội soi chuyên ngành sản phụ khoa vì đường kính vòi tử cung rất nhỏ, chỉ khoảng 1,5 mm. Bên cạnh đó, dụng cụ mổ cũng nhỏ, đường kính chỉ có 3mm, sử dụng chỉ khâu loại nhỏ nên cuộc mổ phải được thực hiện thông qua kính hiển vi. Chỉ cần những sai lệch nhỏ của bàn tay trong khi thao tác cũng ảnh hưởng đến khả năng thành công của ca mổ.
Bác sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó Khoa Nội soi, bệnh viện Từ Dũ, cho biết, với những vết cắt hoặc nút thắt vòi trứng nằm cách xa tử cung từ 3 cm trở lên, việc nối lại bằng kỹ thuật vi phẫu là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, đối với các vết cắt nằm sát tử cung (dưới 3 cm), việc nối sẽ rất khó khăn. Vì vậy, ngay từ khi đình sản, các bác sĩ đã phải tính đến khả năng này.
Thắt vòi trứng càng lâu, tỷ lệ thành công càng thấp
Mỗi ca mổ phục hồi ống dẫn trứng thường kéo dài khoảng 90 phút. Theo bác sĩ Trương Thị Ngọc Bích, tỷ lệ thành công phụ thuộc vào thời gian đã thắt ống dẫn trứng: ống dẫn trứng thắt càng lâu thì khả năng có con sau phẫu thuật càng thấp. Mặt khác, khả năng sinh sản của chị em còn phụ thuộc vào lứa tuổi. Một số phụ nữ lớn tuổi dù có nối lại vòi trứng vẫn không thể thụ thai. Vì vậy, bệnh viện Từ Dũ chỉ nhận phục hồi cho các chị dưới 40 tuổi.
Phương pháp phẫu thuật nối vòi tử cung đã được một số nước trên thế giới áp dụng với khả năng thành công cao 60%. So với nối vòi trứng bằng phương pháp mổ hở thì vi phẫu qua nội soi cho kết quả cao hơn. Mổ hở để lại vết sẹo khá lớn trên bụng, ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ. Mặt khác, phương pháp này dễ dẫn tới nhiễm trùng vì diện tích vết mổ khá lớn, đồng thời có thể gây dính các cơ quan nội tạng sau mổ.
Kỹ thuật nối ống dẫn trứng chỉ thực hiện cho những trường hợp bị thắt ống dẫn trứng do triệt sản. Riêng những ca vòi trứng bị tổn thương lâu ngày, vòi trứng bị ứ dịch, ứ mủ... không được áp dụng kỹ thuật này vì khi đó vòi trứng đã tổn thương nên dù có vi phẫu hay nội soi thì chức năng vòi tử cung cũng không bảo đảm chắc chắn. Bên cạnh đó, ưu điểm của kỹ thuật nội soi là giảm sự chịu đựng cho bệnh nhân ở mức thấp nhất và đặc biệt thời gian hồi phục sau mổ được giảm đáng kể do ít đau, ít mất sức hơn.
Lựa chọn giữa nối vòi trứng và thụ tinh trong ống nghiệm Ngoài phương pháp vi phẫu nối ống dẫn trứng, bệnh nhân có thể lựa chọn kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con. Thụ tinh trong ống nghiệm chi phí lớn (30-40 triệu đồng/lần), còn nối vòi trứng chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/ca. Tuy nhiên, với kỹ thuật nối vòi trứng, bệnh nhân phải trải qua một cuộc phẫu thuật, mất thời gian chờ đợi vết mổ lành và vòi trứng thông nhau. Trong khi đó, những trường hợp muốn sinh con sau triệt sản thường lớn tuổi nên khả năng sinh sản đã giảm. Hơn nữa, khi mổ thông vòi trứng, nguy cơ thai ngoài tử cung sẽ cao hơn so với người bình thường do chỗ nối bị hẹp. Với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ sẽ khắc phục được rủi ro này. |
(Theo Người Lao Động)